MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng thành là khi bạn nhận ra, lo lắng không cũng chẳng giải quyết được bất cứ vấn đề gì

24-01-2020 - 12:01 PM | Sống

Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã được giáo dục để trân trọng thời gian, từ đó hình thành nên những quan niệm đã ăn sâu bén rễ trong lòng. Rất nhiều người tự thúc giục bản thân sống thật nhanh, thật vội vã, để bắt kịp với đời sống xã hội đang không ngừng xoay chuyển.

Nhìn thời gian dần trôi qua, một năm mới đại diện cho một kỷ nguyên mới 2020 lại đến, người ta lại sống trong vô vàn cảm thán và hoang mang:

“Phụ nữ mà 28 tuổi vẫn chưa kết hôn thì là ế rồi.”

“Đàn ông sau 30 tuổi mà chưa có sự nghiệp thì đời này coi như xong rồi.”

“Sắp già đến nơi rồi mà vẫn chưa đạt được cái gì thì sau này chắc cũng chẳng thành công nổi.”

Những áp lực đi cùng thời gian ngày một tăng lên, khiến con số những khó khăn mà chúng ta buộc phải đối mặt hàng ngày cũng ngày một khổng lồ. Liệu đó có phải gông cùm nặng nề mà chính chúng ta đang tự đặt lên vai bản thân?

01. Thời gian và tuổi tác liệu có thực sự đáng sợ không?

Nhiều người còn chưa bước vào hàng ngũ về hưu đã bắt đầu gia nhập lối sống dưỡng sinh, mỗi ngày đều chú trọng sức khỏe, cơ thể, lo lắng về vô số bệnh tật có thể xảy đến trong tương lai.

Trước kia dù họ là người tự do phóng khoáng, không bị trói buộc nhiều thế nào, bây giờ cuộc sống lại bình thản nhạt nhẽo đến khó tin, một ngày chỉ ra ra vào vào với hai địa điểm duy nhất là nhà mình và công ty. Khi tình cờ gặp một nhóm học sinh trung học lướt qua bên cạnh, họ lại thẫn thờ tự nghĩ: “Tuổi trẻ mới tốt làm sao.”

Rõ ràng bản thân cũng chỉ mới hơn đôi mươi, vậy mà ai cũng đã tự cho rằng mình đã “già”. Nhưng cẩn thận ngẫm lại, đúng là chúng ta cũng không còn quá trẻ trung và thanh xuân được như trước. Điểm này thể hiện rõ nhất ngay từ trong tâm tính, chúng ta không còn dám liều lĩnh, dám mạo hiểm và dám thách thức chính mình mà thay vào đó, chỉ mong tìm được sự ổn định dài lâu.

Trưởng thành là khi bạn nhận ra, lo lắng không cũng chẳng giải quyết được bất cứ vấn đề gì - Ảnh 1.

Rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ 9x đều đang rơi vào tình trạng như vậy. Khi sự nghiệp, công việc ở môi trường này đã đạt tới một giới hạn nhất định, muốn phát triển thì phải có thời gian, muốn đột phá thì buộc phải thay đổi, nhưng lại không dám tìm kiếm cơ hội và thời cơ đột phá ở một môi trường khác. Trong khi đó, người mới không ngừng xuất hiện, vừa trẻ khỏe hơn, nhiệt tình hơn, chăm chỉ nỗ lực hơn, lại yêu cầu mức lương thấp hơn. Không sớm thì muộn, việc dậm chân tại chỗ ở giới hạn của bản thân sẽ dần dần đẩy chúng ta tới bờ vực của sự đào thải.

Bên cạnh áp lực từ sự nghiệp, chúng ta còn phải đối mặt với nỗi lo bị “giục cưới” không ai có thể tránh khỏi khi đến tuổi trưởng thành. Không ít người thậm chí lo lắng đến mất ngủ mỗi khi suy nghĩ về tương lai vô định của bản thân.

Kỳ thực, không một người trẻ nào muốn rời khỏi hàng ngũ thanh xuân để tự nhận mình đã già. Nhưng chính những lo lắng, sốt ruột, rồi lại bó tay bất lực đã trở thành một loại thuốc độc tiêu cực nhất, khiến họ rối trí, tự rơi vào vòng xoáy đáng sợ của thời gian.

02. Tại sao chúng ta phải lo lắng về thời gian?

Câu hỏi này làm tôi nhớ đến một đồng nghiệp cũ của mình là anh Lưu. Trong mắt mọi người, anh đã có một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp thành công, là “chồng con nhà người ta” trong truyền thuyết. Thế nhưng, trong mắt chính mình, anh Lưu luôn cảm thấy không đủ.

Trong nhà còn có một khoản vay phải trả khi mua nhà và mua ô tô trả góp, còn có phí dụng đắt đỏ cho các lớp học thêm của con cái, áp lực dưỡng già cho bố mẹ, tất cả đều khiến anh Lưu không dám ngừng cố gắng mỗi một ngày. Sự nghiệp khó khăn, cuộc sống rắc rối, các mối quan hệ lằng nhằng phức tạp, anh vẫn phải dồn hết sức lực để giải quyết từng chút một mỗi ngày.

Ở độ tuổi ngoài 30, nói trẻ không quá trẻ, nói già cũng không quá già, anh vẫn phải đau đầu vì vấn đề tiền nong tài chính y như mọi người. Cho nên, trong suy nghĩ bản thân, anh Lưu vẫn tự nhận mình là một kẻ tầm thường, có phần thất bại.

Ở rất nhiều thời điểm, chúng ta sinh ra tâm lý lo lắng không chỉ vì thời gian trôi qua, tuổi tác tăng trưởng, mà càng quan trọng là do khuyết thiếu năng lực, sự trải nghiệm và tích lũy bản lĩnh tương xứng với tuổi tác. Do đó, chúng ta không ngừng nảy sinh cảm giác thiếu an toàn trước thời gian, nhất là khi đặt mình vào so sánh với những người tài giỏi xung quanh. Hiện tượng này luôn tồn tại ở bất cứ giai đoạn nào, dù là thanh niên, trung niên hay lão niên.

Phải biết rằng, trong cuộc đời, chúng ta sẽ phải trải qua rất nhiều sự việc khác nhau. Nhưng sinh mệnh lại là hữu hạn. Thời điểm nên kết hôn mà chưa thể kết hôn, nên lập nghiệp mà chưa thể lập nghiệp, thành tựu chưa có, vị thế cũng không, tâm lý khủng hoảng sẽ dần khiến con người trở nên rối trí.

Hoặc là chúng ta lãng phí thời gian mỗi ngày để nhốt mình trong cảm giác khủng hoảng, hoặc là sống vô ưu vô lo như một chú gấu Bắc Cực tự nhủ, “Khi ngồi trên tảng băng, hãy chỉ nhìn quanh mình, vớt những con cá bơi xung quanh chứ tuyệt đối đừng ngẩng đầu nhìn quanh. Vì khi đó, chúng ta sẽ phát triển thế giới quanh mình đang tan chảy và biến mất rất nhanh.”

Trưởng thành là khi bạn nhận ra, lo lắng không cũng chẳng giải quyết được bất cứ vấn đề gì - Ảnh 2.

03. Sống theo “múi giờ” của riêng mình

Dù thế nào đi nữa, tuổi tác hay thời gian đều không thể quyết định hết thảy. Đó chỉ là một loại vốn liếng, chứ không nên trở thành gông xiềng, giới hạn cho bản thân.

Người ta dễ lạc mình trong truyền thống và thói quen xưa cũ đã thành hình trong xã hội, do đó, vô tình hoặc cố ý bắt chước theo những lối mòn đó. Nhưng lại quên mất rằng, khi thời đại thay đổi, không có gì là bất biến. Những tiêu chuẩn trước kia cũng đã đến lúc điều chỉnh lại.

Chúng ta không thể đòi hỏi một người mất từ 12 đến 16 năm để học tập, rồi nhanh chóng ra đời, vừa trưởng thành và thành công, vừa viên mãn hạnh phúc tình cảm chỉ trong 4-5 năm sau đó. Cho nên, cái tuổi 30 là phải “thành gia lập nghiệp”, đạt được thành tựu hay trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình là một tiêu chuẩn vô cùng khó khăn.

Hơn nữa, các mốc giai đoạn cuộc đời của người xung quanh chỉ là một mốc tham chiếu. Còn bản thân mỗi người lại có một nhịp sống cho riêng mình. Dựa theo tiết tấu, nhịp điệu và lối sống của chính bản thân là đủ, đừng để quan niệm và áp lực thế tục ép buộc bản thân.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên