MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng Văn phòng JETRO tại Hà Nội: Tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đang cải thiện tích cực

Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đang cải thiện.

Việc cải thiện tỷ lệ nội địa hoá nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam có tác động tích cực đến việc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ông Takeo Nakajima, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã có cuộc chia sẻ về vấn đề này với Báo Công Thương.

Trưởng Văn phòng JETRO tại Hà Nội: Tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đang cải thiện tích cực - Ảnh 1.

Tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam có tác động tích cực đến việc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Thế Hùng

Qua kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài 2023 vừa công bố, ông đánh giá ra sao về mức độ cải thiện về tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam?

Theo báo cáo kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nước ngoài năm 2023 chúng tôi vừa công bố cho thấy, hiện tỷ lệ thu mua của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng so với năm 2022 và tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đang tăng dần, đạt 41,9% (tăng gần 10% trong 10 năm).

Dù vẫn ở mức thấp so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng trong 10 năm qua của Việt Nam đứng thứ hai sau Ấn Độ. Theo tôi, đây là kết quả khá tích cực nhờ những nỗ lực của Việt Nam cũng như việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, dù có những cải thiện về tỷ lệ nội địa hoá, hiện những linh phụ kiện quan trọng của sản phẩm hiện vẫn chưa được sản xuất tại Việt Nam mà vẫn phải nhập từ Malaysia, Indonesia.

Qua trao đổi với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ở giai đoạn sản xuất thử, nhu cầu số lượng sản phẩm ít các doanh nghiệp Việt Nam không gặp nhiều vấn đề về chất lượng nhưng khi sản xuất lớn doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam do chưa đảm bảo được về mặt chất lượng cũng đồng nhất về quy chuẩn trong chuỗi cung ứng.

Trưởng Văn phòng JETRO tại Hà Nội: Tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đang cải thiện tích cực - Ảnh 2.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO)

Từ hiện trạng tỷ lệ nội địa hoá hiện nay của Việt Nam, theo ông điều này đã tác động như thế nào đến việc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản?

Vấn đề tỷ lệ nội địa hoá cho đến nay theo chúng tôi cũng ảnh hưởng ít nhiều đến mong muốn mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Bởi, theo chia sẻ của không ít doanh nghiệp, nếu họ có dự định mở rộng nhà máy sản xuất nhưng linh phụ kiện đáp ứng cho quy mô mở rộng nếu dựa vào thị trường Việt Nam sẽ không đủ còn nếu dựa vào nhập khẩu sẽ đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp cao lên. Vì thế, trong các trường hợp, doanh nghiệp Nhật Bản đều phải cân nhắc, tính toán thận trọng trong vấn đề về mặt chi phí sản xuất. Và nhiều trường hợp là vẫn tiếp tục duy trì hiện trạng kinh doanh.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp khi có ý định mở rộng sản xuất trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ khả năng đáp ứng các linh kiện cho nhu cầu mở rộng của doanh nghiệp thì họ sẽ kêu gọi doanh nghiệp đối tác của mình đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thị trường Việt Nam quy mô lớn, tiềm năng các nhà đầu tư sẽ vào nhưng ngược lại nếu quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư sẽ cân nhắc.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng tỷ lệ nội địa hoá một mặt giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, mặt khác đây là yếu tố quan trọng nhằm giảm rủi ro về địa chính trị. Do đó, xu hướng của doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay là muốn tăng cường thu mua tại thị trường Việt Nam để tránh các rủi ro.

Như vậy, hiện mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản về thu mua tại Việt Nam cũng như mong muốn của Việt Nam là tăng tỷ lệ nội địa hoá. Theo đó, hai bên đang có mục tiêu giống nhau, đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển.

Thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể nào để cải thiện tỷ lệ nội địa hoá, qua đó tiếp tục tăng sức hấp dẫn đầu tư, kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhật Bản, thưa ông?

Việc cải thiện tỷ lệ nội địa hoá, trước hết là xuất phát từ chính sách, quy hoạch ngành của mỗi một quốc gia.

Theo tôi thấy ở một số quốc gia thường có quy hoạch rất cụ thể, ví dụ địa phương này tập trung sản xuất linh phụ kiện cho ô tô, địa phương khác chuyên sản xuất linh phụ kiện cho máy bay, thiết bị y tế. Tức là họ lập quy hoạch tập trung vào một lĩnh vực, một ngành nghề, một sản phẩm như sản xuất pin tích điện từ khâu đầu và khâu cuối vào một khu vực, tạo thành một cụm công nghiệp, ngành nghề. Điều này sẽ rất hữu ích cho doanh nghiệp khi họ có thể biết và xem xét đầu tư vào cái gì đang cần, đang thiếu.

Đối với Việt Nam, quy hoạch phát triển một số lĩnh vực công nghiệp vẫn còn phân tán, chưa có tính tổng thể để doanh nghiệp có định hướng đầu tư rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách, quy hoạch phát triển ngành mang tính đồng bộ, có hệ thống hơn, trong đó chú trọng tới chính sách thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp.

Về phía Bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương cần đưa ra các biện pháp, cách thức phù hợp để giúp cho việc cải thiện tỷ lệ nội địa hoá tốt hơn, như vừa thu hút đầu tư từ bên ngoài, mặt khác vừa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, để thu hút đầu tư cần quy hoạch những lĩnh vực nòng cốt đối với kinh tế, cũng như có quy hoạch đầu tư theo vùng, lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, vừa có chính sách phát triển doanh nghiệp nội địa nhằm tạo ra sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó nâng cao chất lượng công nghệ, sản phẩm sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Thời gian qua, để hỗ trợ Việt Nam tăng cường tỷ lệ nội địa hoá, JETRO cũng đã thúc đẩy triển khai các hoạt động kết nối hợp tác doanh nghiệp hai bên. Đáng kể, năm 2023 JETRO đã kết nối hợp tác cho 100 doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong sản xuất linh phụ kiện.

Theo Hoa Quỳnh (thực hiện)

Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên