MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Truyện ngụ ngôn Aesop “Hai cha con và con lừa” và bài học về cách đối mặt với những lời phê phán: Dù bạn cố làm vừa lòng tất cả mọi người, sẽ chẳng có ai hài lòng về bạn

21-12-2019 - 09:25 AM | Sống

Đôi khi người ta phán xét bạn không phải vì bạn có vấn đề mà vì người ta đang “khó ở”. Nếu không tiếp thu nhận xét một cách có chọn lọc, bạn chỉ chuốc thêm bực dọc vào mình.

Bạn đã bao giờ gặp phải một lời phán xét khiến bạn thấy khó chịu, oan ức thậm chí là cay độc chưa? Nếu câu trả lời là có, mời bạn đọc thử truyện ngụ ngôn Aesop sau đây:

Hai cha con nọ dắt theo một con lừa ra chợ. Nhìn cảnh người dắt lừa, một ông cụ đi qua và nói: "Sao dại thế, lừa không để cưỡi thì để làm gì?". Thế là người bố để cậu con trai ngồi lên lưng lừa còn mình tiếp tục dắt lừa ra chợ.

Lát sau khi đi qua một nhóm thanh niên, một cậu trong đó lại chỉ trỏ về phía hai cha con và nói: "Thằng kia lười thế không biết, mình cưỡi lừa để bố đi bộ."

Thế là ông bố bắt con trai xuống còn mình thì trèo lên lưng lừa. Hai cha con chưa đi được bao xa thì lại gặp hai người phụ nữ, một chị quay sang nói với chị còn lại: "Đàn ông gì mà lười biếng, khổ thân thằng con phải lẽo đẽo đi theo."

Ông bố bối rối không biết phải làm gì, sau cùng để cậu con trai ngồi phía trước mình trên lưng lừa. Khi hai cha con tiến vào đến thị trấn, dân làng bắt đầu cười nhạo và chỉ trỏ họ. Ông bố dừng lại và hỏi những người xung quanh xem họ đang chế giễu điều gì.

Một người đàn ông trả lời: "Bố con ông to xác không thấy xấu hổ khi bóc lột con lừa tội nghiệp như thế à?". Hai cha con lại trèo xuống, nghĩ ngợi xem nên làm gì. Trăn trở một hồi, hai cha con quyết định chặt lấy một cây sào, buộc chân con lừa vào đấy, mỗi người nâng một đầu sào lên vai vác con lừa đi. Hai cha con đi trong tiếng cười nhạo của những người đi qua. Khi qua cầu, một chân con lừa tuột khỏi dây buộc, nó giãy dụa làm cậu con trai tuột tay khỏi cây sào. Giữa cơn hỗn loạn, con lừa ngã nhào qua thành cầu rơi xuống sông, vì hai chân bị trói vào nhau nên con lừa chết đuối.

Thông điệp câu chuyện muốn gửi gắm là: Dù bạn có cố làm hài lòng mọi người đến đâu thì cũng sẽ không có ai vừa lòng về bạn.

Truyện ngụ ngôn Aesop “Hai cha con và con lừa” và bài học về cách đối mặt với những lời phê phán: Dù bạn cố làm vừa lòng tất cả mọi người, sẽ chẳng có ai hài lòng về bạn - Ảnh 1.

Việc chúng ta mong muốn sự chấp nhận từ người khác là một nhu cầu tự nhiên, bất kể là đạt được một sự nghiệp được nhiều người ngưỡng mộ, khen ngợi đồng nghiệp hay cư xử theo một lối nhất định nào đó. Chúng ta thèm khát được xã hội công nhận vì chúng ta muốn xác nhận rằng những điều mình làm là đúng đắn.

Tuy nhiên bất kỳ quyết định nào của bạn cũng có thể vấp phải ý kiến trái chiều từ một người nào đó. Người ta đặt dấu chấm hỏi về động cơ, lý do bạn làm điều đó hay soi mói những cái tiểu tiết nhất.

Đôi khi chỉ từ một chi tiết vụn vặt người ngoài cũng có thể thổi phồng câu chuyện lên. Họ phản đối, thậm chí còn công kích cá nhân khổ chủ. Những bình luận như vậy có thể đánh gục bạn nhưng chỉ khi bạn cho phép. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn ứng phó với những lời chỉ trích khó chịu:

1. Tìm hiểu động cơ của người phán xét

Được người lạ và người quen nhận xét là hai việc hoàn toàn khác nhau. Một nhân vật khó chịu có thể chỉ trích bạn bởi vì họ không hiểu con người bạn hoặc đơn giản đó là cách khiến tâm trạng họ cảm thấy tốt hơn.

Câu chuyện lại khác khi người đưa ra nhận xét là một người quen, thường thì họ bình luận vì quan tâm, lo lắng cho bạn. Ngay cả khi lời khuyên từ một người bạn không quá hữu ích, nó cũng hiếm khi xuất phát từ mục đích phê phán hay hạ bệ bạn. Nếu đối phương từng có những trải nghiệm tương tự thì bạn rất nên lắng nghe những lời nhận xét từ họ.

Bất kể chúng xuất phát từ ai, chúng ta có xu hướng để bụng mọi lời phán xét ai đó dành cho mình. Dù bạn nhận chủ yếu là những nhận xét tích cực, chỉ một nhận xét tiêu cực thôi cũng đủ khiến bạn băn khoăn.

Hãy tự hỏi mình: Đối phương có đang quan tâm những gì mình làm không? Họ có thực sự lo cho mình đồng thời có đủ hiểu biết để phát biểu, hay chỉ đơn giản là họ đang đưa ra một ý kiến bâng quơ? Hãy tiếp thu lời khuyên một cách chọn lọc.

Truyện ngụ ngôn Aesop “Hai cha con và con lừa” và bài học về cách đối mặt với những lời phê phán: Dù bạn cố làm vừa lòng tất cả mọi người, sẽ chẳng có ai hài lòng về bạn - Ảnh 2.

2. Khách quan với những lời phán xét

Bạn có thể cố gắng giải thích cho đối phương vì sao họ sai. Bạn cũng có thể đưa ra chứng cứ cho những lập luận của mình. Nhưng nhiều khả năng là việc đó không có nhiều tác dụng, bạn sẽ chỉ chuốc thêm bực dọc về mình.

Thay vì vẽ thêm việc, đừng để bụng quá nhiều. Nếu ai đó phê bình bạn, bạn có thể nói cảm ơn vì họ đã chia sẻ suy nghĩ của mình. Nếu được thì hãy để đối phương giải thích ý kiến để xem họ nghĩ gì. Với trường hợp đó là người lạ, bạn mặc kệ họ và cứ làm tiếp việc của mình cũng được.

Khi bạn bắt tay vào một lĩnh vực mới, những thách thức, sợ hãi, hoài nghi của chính bạn đã đủ làm bạn mệt mỏi rồi. Đừng để những lời phán xét nửa vời cản đường bạn thêm nữa.

3. Ý thức được rằng vấn đề nằm ở đối phương, không phải ở bạn

Ngạc nhiên là những lời phán xét thường phản ánh chủ nhân của chúng. Có thể đối phương đang trải qua một ngày tệ hại, gặp khó khăn trong lĩnh vực bạn thành công hay đơn giản đó là kiểu người thích tranh luận. Biết đâu đối phương đã "chọn" bạn làm mục tiêu trút giận và giải tỏa những ấm ức trong lòng.

Có lần tôi từng gặp một nhân viên chăm sóc khách hàng nổi nóng với mình khi tôi nhờ cô này hỗ trợ tìm một cuốn sách. Tôi khá là hoang mang, không hiểu sao cô ấy lại có thái độ thù địch như vậy. Lát sau cô ấy có xin lỗi tôi và thú thật rằng mình đang phải trải qua một ngày căng thẳng. Cuối cùng thì chúng tôi ngồi lại với nhau, trò chuyện về công việc và kế hoạch tương lai của cô ấy. Cô ấy là người tốt, chỉ là ngày gặp tôi cô ấy gặp hơi nhiều chuyện căng thẳng một chút.

Truyện ngụ ngôn Aesop “Hai cha con và con lừa” và bài học về cách đối mặt với những lời phê phán: Dù bạn cố làm vừa lòng tất cả mọi người, sẽ chẳng có ai hài lòng về bạn - Ảnh 3.

4. Tập trung vào con đường phía trước

Hãy tưởng tượng bạn đang trên đường đua. Khi bạn chạy qua khán đài thì khán giả sẽ nhìn thấy bạn. Một số người cổ vũ bạn, một số giữ im lặng và một vài người giễu cợt. Khi một vận động viên khác chạy qua vị trí đó, khán giả cũng sẽ làm điều tương tự.

Thời gian người ngoài nhìn và bình phẩm về bạn chỉ chiếm một góc nhỏ trong quỹ thời gian của họ. Như trong câu chuyện ngụ ngôn ở trên, người phán xét bạn không phải hứng chịu những hệ quả mà lời nói của họ đem lại, chỉ có bạn là người dọn hậu quả cuối cùng. Thế thì bạn nên tiếp tục đi con đường của mình hay hơi tí lại dừng lại và nghe mọi lời người ta nói?

Theo Phương Thảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên