MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Cấn Văn Lực: Nhiều ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng cao hơn năm 2021, lợi nhuận cả ngành dự báo tăng 20 - 25%

25-05-2022 - 19:41 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực: Nhiều ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng cao hơn năm 2021, lợi nhuận cả ngành dự báo tăng 20 - 25%

Nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng tín dụng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022 nhờ cả từ phía cung và phía cầu. Nhu cầu vốn tăng, thị trường tài sản diễn biến tích cực sẽ giúp triển vọng ngành ngân hàng tiếp tục khả quan.

Sáng 25/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (chủ trì là Viện Đào tạo và Nghiên cứu) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022".

Đánh giá về triển vọng thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, TS. Cấn Văn Lực - kinh tế trưởng BIDV cho biết, nghiên cứu của BIDV cho thấy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhu cầu vốn tăng, thị trường tài sản tăng tích cực sẽ là động lực để ngành ngân hàng có triển vọng khả quan.

Đối với ngành ngân hàng Việt Nam, nhóm phân tích dự báo tín dụng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022; đặc biệt, vào quý 2 và 4, dự kiến ở mức 14-15% (tính cả các gói tín dụng từ Chương trình phục hồi). Tín dụng tăng đến từ cả phía cung và phía cầu.

Về phía cung, các TCTD với năng lực tài chính tăng, chất lượng tín dụng được kiểm soát tích cực, sẽ được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2021.

Về phía cầu, nền kinh tế đang phục hồi, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng tăng lên. Tuy nhiên, ngành du lịch và hàng không có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại trạng thái bình thường, riêng ngành du lịch dự báo năm 2022 sẽ phục hồi được khoảng 60% so với năm 2019 (do du lịch quốc tế phục hồi chậm hơn du lịch nội địa) và hàng không sẽ phục hồi trở lại mức trước dịch vào cuối năm 2023.

Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực cho rằng vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu tiềm ẩn, sẽ vẫn đáng lưu tâm trong năm 2022. Dù nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm nhẹ (xuống 1,5% năm 2021 từ mức 1,7% năm 2020, nhưng nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) tăng lên 6,3% cuối năm 2021 (từ 5,1% năm 2020).

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu do TS. Cấn Văn Lực đứng đầu, nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ tăng lên mức 2% và nợ xấu gộp còn ở mức cao (khoảng 6%), nếu như Thông tư 14 của NHNN (sẽ hết hiệu lực cuối tháng 6/2022) không được gia hạn. Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao, việc gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 đến hết năm 2023 và khả năng gia hạn Thông tư 14 của NHNN là khá cao (để tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn lực và khách hàng có thể tiếp cận được vốn trong điều kiện phục hồi) sẽ giúp các tỷ lệ nợ xấu này vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và các TCTD.

Với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy tín dụng tăng mạnh trở lại; đồng thời, các TCTD tiếp tục phát triển dịch vụ, nhất ngân hàng số, bancassurance, dịch vụ khách hàng ưu tiên (private banking), và tiết giảm chi phí; nhóm phân tích dự báo kết quả kinh doanh ngành ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2022.

''Hầu hết các ngân hàng đều đặt đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức khoảng 25-30% so với năm 2021. Chúng tôi dự báo tăng 20-25%.''. TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm 2022 còn gặp một số khó khăn, thách thức, bao gồm: (i) Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định từ ngày 15/1/2022, các TCTD không được phép mua TPDN với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ hay tăng vốn của chính doanh nghiệp phát hành, làm giảm đi khả năng sinh lời từ nghiệp vụ này, nhưng cũng là kiểm soát rủi ro tốt hơn; (ii) Thông tư 14 của NHNN nếu không được gia hạn sẽ ảnh hưởng nhất định đến khả năng sinh lời khi các TCTD phải tăng cường trích lập DPRR cho các khoản nợ không được cơ cấu lại; (iii) một số khách hàng trong một số lĩnh vực (như du lịch, lưu trú - ăn uống, xuất khẩu sang thị trường Nga, Ukraina…) còn khó khăn do phục hồi chậm hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến sự Nga– Ukraina, kéo theo chất lượng tín dụng giảm; (iv) Lãi suất huy động có thể tăng song lãi suất cho vay lại khó tăng, dẫn đến NIM (chênh lệch lãi suất biên ròng) có thể giảm như nêu trên;…v.v.

Về vấn đề tăng vốn, nhóm nghiên cứu đánh giá việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu sẽ tiếp tục được các TCTD chú trọng vì năm 2022, NHNN ra chỉ thị các TCTD không chi cổ tức bằng tiền mặt để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, và tiếp tục tăng vốn.

Việc tăng vốn cũng là nhu cầu hiện hữu của các TCTD nhằm đáp ứng chuẩn Basel 2 và ứng với mức tăng tài sản rủi ro (tín dụng) ở mức khá cao (14-15%). Tuy nhiên, mức độ tăng vốn sẽ ít hơn năm 2021 do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh, chịu nhiều rủi ro hơn và khả năng giảm điểm là cao như nêu dưới đây.

Đối với tỷ lệ CASA, nhóm nghiên cứu đánh giá khối lượng tiền gửi không kỳ hạn vẫn sẽ tăng tốt song tỷ trọng CASA trong tổng tiền gửi có thể sẽ không cao như 2021 do tiền gửi có kỳ hạn cũng sẽ tăng, cụ thể: (i) Tín dụng tăng cao trong năm 2022 đòi hỏi các TCTD sẽ thực hiện các biện pháp (trong đó có tăng lãi suất) để thu hút tiền gửi; (ii) Các TCTD có thể sẽ giảm dần các khoản miễn phí thanh toán, chuyển tiền như đã làm trong năm 2021, trong khi cạnh tranh thu hút CASA ngày càng tăng; (iii) Một số TCTD đang mở rộng hoạt động ngân hàng mở (Open Banking), thiết lập hệ sinh thái, tạo động lực để người dân chuyển tiền vào ngân hàng để thực hiện hoạt động thanh toán, nhưng việc này đòi hỏi có thời gian.

https://cafef.vn/ts-can-van-luc-nhieu-ngan-hang-se-duoc-cap-room-tin-dung-cao-hon-nam-2021-loi-nhuan-ca-nganh-du-bao-tang-20-25-20220525171335561.chn

Quang Hưng

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên