TS. Đinh Thị Thanh Bình: Hà Nội chỉ có thể cấm xe máy ở quy mô… thí điểm
“Chúng ta không có đủ tiền xây ngay lập tức 8 tuyến đường sắt đô thị để hạn chế xe cá nhân trên toàn bộ khu vực trung tâm thành phố nên việc này cần phải xem xét cẩn thận”, TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT nói.
- 30-06-2016Giám đốc Sở GTVT: Hà Nội sẽ chỉ cấm đi chứ không cấm mua xe máy
- 29-06-2016Cấm xe máy tại Hà Nội: Phải tính phương án dân đi lại bằng gì?
- 28-06-2016Nên bắt đầu lộ trình cấm xe máy
- 28-06-2016Hà Nội sẽ cấm xe máy trong nội đô: "Tôi cho đây là cái đột biến"
- Tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội sáng 27/6, lần đầu tiên nội dung hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị. Theo đó, Hà Nội định hướng đến 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô. Xin hỏi quan điểm của bà về việc này thế nào?
TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải: Thứ nhất việc cấm là không phù hợp. Phải dùng từ hạn chế hoặc siết chặt quản lý sử dụng xe máy thì đúng hơn.
Thứ hai, ở nội đô không rõ ám chỉ phần nào? Hiện nay trong vành đai 3 cũng là nội thành, vành đai 2, vành đai 1, khu phố cổ cũng là nội thành. Do vậy, vùng hạn chế đó là bao nhiêu thì cũng chưa có. Đây mới là dự kiến.
Từ nay đến 2025 thành phố cũng đã phát triển được 2 tuyến đường sắt đô thị. Bên cạnh đó một tuyến BRT – tuyến số 1 chắc chắn sẽ hoàn thành. Vận tải hành khách công cộng ở TP xe buýt vẫn là chủ đạo. Có thể thành phố sẽ phát triển thêm một số loại hình vận tải công cộng khác ở vùng trung tâm, ở những khu dự định sẽ hạn chế xe máy chẳng hạn.
Còn hạ tầng giao thông từ nay đến 2025 sẽ được cải thiện thêm. Ví dụ đường vành đai 3 sẽ làm thêm đoạn từ Phạm Văn Đồng. Những nút, những đoạn đường bị hẹp hay bị ùn tắc sẽ được cải thiện dần dần bằng cách xây hầm chui hoặc cầu vượt nhẹ….
Thông thường đến năm 2025 không thể nói tất cả các hành lang giao thông chính của Hà Nội đã được phủ kín bằng phương tiện vận tải lớn được mà chỉ có hai tuyến. Hai tuyến này chủ yếu là hướng Tây và Đông Nam là có khối lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu đi lại trên 2 trục đó. Còn các hướng còn lại với năng lực xe buýt đang hẹn chế và bị giới hạn cho nên vùng hạn chế xe cá nhân không thể rộng được.
Vấn đề nữa là vùng hạn chế xe cá nhân hiện nay cũng phải xem xét xem khu vực khoanh vùng là khu vực nào? Ví dụ, đến năm 2025 chúng ta hạn chế xe cá nhân từ vành đai 2 trở vào thì phương thức thay thế cho vành đai 2 chắc chắn là xe buýt nhỏ chứ không thể nói là BRT hay vận tải đường sắt đô thị được vì không có. Từ vành đai 2 trở vào chỉ có 2 tuyến đi trung tâm thôi thì sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, nếu khu vực hạn chế chỉ ở khu vực trung tâm phố cổ thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều và có thể hạn chế được. Do đó, phải xem xét nên hạn chế khu vực nào khi mà hệ thống giao thông công cộng không đáp ứng được toàn bộ, đa số nhu cầu.
Do đó, nếu vùng hạn chế quá lớn sẽ ảnh hưởng đến người dân không ít vì đa số chuyến đi của người dân vẫn phải phụ thuộc vào xe máy. Hơn nữa, đến năm 2025, nếu không có sự cải thiện người ta sẽ chuyển dần sang ôtô. Như vậy, thì hạn chế xe máy còn ô tô thì sao?
Cái bức tranh giao thông vận tải của Hà Nội là chính quyền đi đúng hướng, người ta phát triển vận tải công cộng, song hành phát triển hạ tầng giao thông tại khu bị hạn hẹp về năng lực, ùn tắc. Nhưng nếu không đáp ứng được nhu cầu thì ùn tắc giao thông vẫn diễn ra. Do các dự án của chúng ta không đồng bộ, vốn phụ thuộc vào nước ngoài.
Chúng ta không có đủ tiền để xây dựng ngay lập tức 8 tuyến đường sắt đô thị cho Hà Nội để có thể thực hiện toàn diện biện pháp hạn chế xe cá nhân trên toàn bộ khu vực trung tâm cho nên việc hạn chế này cần phải xem xét cẩn thận và cần phải nghiên cứu cẩn thận.
Việc sắp tới Hà Nội lập quy hoạch vận tải phương tiện mới thì cần phải đưa vào nội dung vào xem xét nếu tôi phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, BRT… còn có phương thức khác không ở khu vực trung tâm để tiến tới dần dần thay thế cho phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố?
Mặt khác, khi thiết lập vành đai hạn chế phương tiện cá nhân người ta cũng phải tính đến phương thức chuyển đổi. Tôi đi phương tiện cá nhân đến phải có bãi trông giữ xe để gửi xe ở đó hợp lý. Nếu không tôi vẫn sử dụng phương tiện cá nhân. Nếu cấm không có phương tiện thay thế là vô ích và người dân sẽ phản đối.
Để cấm được phương tiện cá nhân, Hà Nội sẽ phải áp dụng triển khai đồng bộ cả 3 giải pháp. Giải pháp thứ nhất là thúc đẩy vận tải hành khách công cộng, BRT, xe buýt và có phương tiện hỗ trợ khác ở khu vực trung tâm, có thể là xe điện hoặc xe buýt có tiêu chuẩn Euro cao hơn.
Thứ hai, song hành với nó hạ tầng giao thông vẫn phải tiếp tục cải thiện. Phát triển những hầm chui, cầu vượt để giải quyết ách tắc giao thông.
Giải pháp thứ 3 mới là quản lý, hạn chế phương tiện cá nhân làm sao cho đồng bộ giữa phương tiện cá nhân với phương tiện công cộng chứ không phải cấm. Hạn chế ở những nơi phương tiện cá nhân phát triển tốt.
- Theo bà với điều kiện hiện nay của Hà Nội chỉ có thể cấm xe máy ở phạm vi hẹp. Vậy hiệu quả rõ ràng sẽ không như nhiều người mong muốn?
Tôi nghĩ là chỉ có thể hạn chế trên phạm vi hẹp. Giả sử hạn chế từ đường vành đai 2 trở vào thì tôi xem xét người ta đi lại bằng phương thức khác, phương tiện công cộng đến vành đai 2 thì người ta sẽ gửi ở đâu? Từ đó chuyển tiếp thế nào để đi lại trong trung tâm và tới đầu kia của thành phố. Hoặc họ sẽ phải đi vòng tránh.
Theo tôi, vùng hạn chế sẽ phụ thuộc vào vận tải công cộng đáp ứng được đến đâu. Nếu có 8 tuyến đường sắt đô thị, có 8 tuyến buýt gom và cỡ nhỏ chạy tốt thì có thể hạn chế tất được tại khu trung tâm. Vấn đề là hệ thống vận tải cộng cộng, năng lực vận chuyển công cộng chưa đồng bộ trên toàn thành phố.
- Giả sử đến năm 2025, Hà Nội sẽ cấm toàn bộ xe máy trong nội đô nhưng với số lượng gia tăng ô tô chóng mặt như hiện nay, mỗi ngày thành phố có thêm gần 1.000 ô tô mới đổ ra đường thì bài toán chống ùn tắc có giảm?
Nếu với tiến độ phát triển vận tải công cộng chậm như hiện nay và tiền vốn không có nhiều để đổ vào phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực giao thông, xây dựng các nút giao thông… thì việc hạn chế trên quy mô rộng sẽ không khả thi.
Vấn đề là ai sẽ là đối tượng bị hạn chế, toàn bộ người dân sử dụng phương tiện xe máy hay là đối tượng taxi, xe con? Giả sử đến lúc lệnh cấm được ban hành ra người dân lại chuyển sang xe đạp điện thì sao? Bởi vì có cầu thì phải có cung. Nếu cung còn thiếu thì người ta sẽ nghĩ ra cách khác để đáp ứng nhu cầu.
Chẳng hạn nếu như lệnh cấm mà rất nghiêm như thiết quân luật, cấm đi toàn bộ xe máy vào trung tâm trong khi dịch vụ khác không đáp ứng nổi thì người ta sẽ nghĩ ra cách nào đó để đáp ứng.
Tôi nghĩ là thành phố phải cân nhắc, nếu như tiến độ phát triển giao thông công cộng chậm như bây giờ thì khu vực cấm, đối tượng cấm, quy mô cấm, địa bàn cấm…sẽ không rộng. Khi cấm không rộng thì hiệu quả sẽ không cao. Nó có thể chỉ là mô hình thí điểm.
Tôi nghĩ từ nay đến năm 2025 sẽ có một mô hình thí điểm, hạn chế ở khu vực hẹp để từ đó rút kinh nghiệm để đến khi nhân rộng mô hình thí điểm ra, mở rộng quy mô vùng hạn chế ra thì năng lực của vận tải công cộng đã đủ để đáp ứng về số lượng và chất lượng.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Infonet