MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Đăng Doanh: Làm biển hiệu đồng phục đi ngược quyền tự do kinh doanh

Việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải làm biển hiệu theo mẫu chung, phá vỡ cả đặc trưng riêng của thương hiệu được xem là bước lùi về can thiệp hành chính vào lĩnh vực kinh doanh.

Đó là quan điểm được TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp đưa ra khi trao đổi với chúng tôi liên quan đến việc con đường kiểu mẫu của Thủ đô - phố Lê Trọng Tấn ra mắt hàng loạt các biển hiệu đồng bộ.

Mỗi thương hiệu hay cửa hàng đều có những đặt trưng riêng để thu hút khách và tạo hiệu quả trong kinh doanh. Vậy ông nghĩ sao khi các biển hiệu được trưng bày đồng bộ chỉ với hai màu xanh, đỏ ở trên phố Lê Trọng Tấn?

Tôi rất ngạc nhiên về việc xuất hiện biển hiệu trên đường phố mà tất cả giống nhau, giống một đội quân mặc đồng phục và mọi thứ giống nhau cả.

Việc tạo ra một ấn tượng đặc biệt, độc đáo nào đó, ở con đường nào đó thì có thể tác động gây chú ý. Nhưng nếu áp dụng cho tất cả tuyến đường trong nước thì đó là sự nhàm chán và triệt tiêu sự sáng tạo của doanh nghiệp.

Ta đang sống trong thế giới phát triển nhanh chóng, rất cần sự đa dạng, cần sáng kiến và sự khác nhau . Không phải là chống lại nhau, mà là tạo nên mầu sắc phản ánh ý kiến khác nhau, thẩm mỹ khác nhau, chứ không phải là giống nhau.

Người ta sẽ câu hỏi là tại sao những khu phố này lại có những biển hiệu, những biển quảng cáo lại giống nhau đến như thế? Điều đó có phải là những quy định hành chính về một lĩnh vực của kinh tế thị trường hay không? Có làm giảm sự đa dạng, sự phong phú và tính năng động của kinh tế thị trường hay không?

Cho nên tôi thắc mắc không biết việc này được thực hiện theo quy định hay chỉ thị nào đó, cần tìm ra được và đưa chỉ thị, quy định đó lên thì mới có căn cứ rõ ràng hơn.

Ông nghĩ sao nếu cả Hà Nội sẽ áp dụng việc trưng bày biển hiệu đồng loạt?

Trên thế giới họ làm quản cáo điện tử rất phong phú và gây ấn tượng mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nếu làm biển như vậy thì liệu những biển quảng cáo điện tử sẽ ra sao?

Tôi chưa đọc chỉ thị đó nên tôi chưa thể khẳng định việc này, nhưng việc xuất hiện trên đường phố như thế thì chắc phải có chỉ thị nào đó, cần phải tìm rõ ra.

Tôi cho rằng tạo ra sự đồng phục như vậy thì chỉ nên giới hạn trong vài chục mét, hoặc đường phố nào đó chứ giờ toàn bộ đường phố Hà Nội mà như vậy, từ Cột Cờ cho đến khắp các nơi đều làm như vậy thì đó là thảm họa.

Trong một phát biểu gần đây của các cơ quan chức năng liên quan cho biết rằng việc trưng bày biển hiệu đồng loạt là đã được sự chỉ đạo của thành phố, thực hiện theo Luật Quảng cáo yêu cầu biển hiệu phải đúng kích cỡ và cũng nhận được sự đồng thuận của người dân. Song việc tất cả các doanh nghiệp phải trưng bày đồng loạt biển hiệu giống nhau, phá vỡ định vị thương hiệu riêng liệu có là hành vi làm ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh hay không?

Nếu thực sự như vậy, thì đó là bước lùi về can thiệp hành chính vào lĩnh vực kinh doanh, mà sự can thiệp đó là hoàn toàn không cần thiết. Có cơ sở pháp lý gì mà ra chỉ thị như thế? Dựa trên quy định hay luật nào? Ra chỉ thị phải dựa trên luật, nếu không tức là đã can thiệp vào quyền kinh doanh một cách không cần thiết.

Đặt ra vấn đề là anh sẽ áp dụng chỉ thị này ra tất cả phố Hàng Ngang hay Hàng Đào, tất cả các phố kinh doanh của Hà Nội, thì thử hỏi bộ mặt của Thủ đô có hấp dẫn lên hay không? Đó là câu hỏi ta cần phải xem xét.

Nếu đã làm việc này rồi, thì mong là đừng mở rộng ra thêm nữa và chỉ làm trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó cho phép các cửa hàng tự họ kinh doanh, quyết định đặc trưng riêng cho doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh của mình, không thể bắt mọi người làm theo và như vậy rất kỳ quặc được.

An Ngọc thực hiện

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên