TS người Việt được viện ung thư hàng đầu Mỹ vinh danh: "Các bác sĩ ở Việt Nam rất giỏi"
"Các y bác sĩ Việt Nam cập nhật rất nhanh các phác đồ điều trị ung thư hiện đại nhất trên thế giới, dù vậy bệnh nhân hiện vẫn có một thiệt thòi lớn...", TS Phan Minh Liêm nói.
- 30-03-2020Lời kêu gọi từ chồng của một nữ bác sĩ: Hãy bảo vệ đội ngũ y tế như chính người thân, bởi họ chính là "vệ sĩ" của toàn cộng đồng trước dịch bệnh Covid-19
- 30-03-2020Chia sẻ xót lòng của bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19: Lời tạm biệt vào lúc này chính là cách tốt nhất để yêu thương gia đình, sống sót qua dịch bệnh
- 30-03-2020Liều mạng cứu người nhưng cũng khát khao bảo vệ gia đình mình, nhiều bác sĩ Mỹ viết di chúc trước khi chiến đấu với "giặc" Covid-19
LTS: Bất chấp những tiến bộ vượt bậc về y học, số người chết vì ung thư trên toàn thế giới vẫn không ngừng tăng qua mỗi năm. Năm 2018, 10 triệu người đã tử vong vì căn bệnh quái ác này. Ở riêng Việt Nam (theo tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN) con số này là 115.000 người (chiếm 70% số ca bệnh). Trung bình, mỗi ngày iệt Nam có hơn 300 ca tử vong vì ung thư, cao hơn 7 lần số người chết vì tai nạn giao thông.
Vì sao tỷ lệ tử vong vì ung thư ở Việt Nam lại cao như vậy? Vì sao ung thư lại trở thành nỗi ám ảnh với cả bệnh nhân và người nhà của họ? Chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ ung thư thế giới? Làm cách nào để phòng tránh và điều trị ung thư - căn bệnh mà loài người đã biết đến hơn 2.000 năm qua... Những câu hỏi này sẽ được TS Phan Minh Liêm giải đáp trong bài viết dưới đây.
Tiến sĩ Phan Minh Liêm (SN 1983, Khánh Hòa) là người Việt Nam đầu tiên 4 lần được vinh danh trên bức tường danh dự của Viện nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới MD Aderson (Texas, Mỹ). Ở tuổi ngoài 30, anh đã có gần 30 công trình nghiên cứu chuyên sâu về ung thư công bố trên nhiều tạp chí chuyên ngành của Viện ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, nhiều công trình đã đạt các giải thưởng danh giá tại Mỹ.
70% số ca ung thư có thể phòng tránh được
Có một thực tế là ở Việt Nam, tin tức về ung thư luôn được người dân quan tâm và đọc nhiều nhất. Nhắc đến ung thư, họ thường có tâm lý lo lắng, sợ hãi. Là một người nghiên cứu về căn bệnh này suốt nhiều năm, anh nghĩ gì về điều ấy?
TS Phan Minh Liêm: Tôi nghĩ, ung thư là nỗi sợ chung của toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Những năm gần đây, điều trị ung thư trong nước đã có nhiều bước tiến, phát hiện bệnh sớm hơn khiến số ca mắc mới tăng lên. Đồng thời, nhận thức của người dân cũng tốt hơn, trong khi đó một số đặc điểm về lối sống của người Việt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư, khiến các tin tức về bệnh này ngày càng được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ ung thư ở Việt Nam không thuộc nhóm cao nhất thế giới như một số bài báo giật tít. Xét trên bản đồ ung thư thế giới, nước ta xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp 19 ở châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Những nước có tỷ lệ mắc ung thư hàng đầu thế giới phải kể đến Úc, New Zealand và Mỹ, ở châu Á, cao nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản...
Anh nói lối sống của người Việt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư, anh có thể nói rõ hơn về điều này?
TS Phan Minh Liêm: Ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá cao, mức độ tiêu thụ rượu bia nhiều. Báo cáo công bố năm 2018 của WHO cho thấy, mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn Trung Quốc và gấp 4 lần Singapore. Chúng ta cũng nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, với trên 15 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hường bởi khói thuốc.
Trong số các nguyên nhân gây ung thư, rượu bia và thuốc lá là hai trong số nhiều yếu tố hàng đầu. Thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân gây nên ít nhất 14 loại ung thư ở người. Đồng thời, các chất độc trong thuốc lá sẽ phá hủy hệ miễn dịch khiến cơ thể mất đi khả năng chống chọi với bệnh tật.
Thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân gây nên ít nhất 14 loại ung thư ở người.
Còn với rượu bia, chất ethanol trong rượu bia khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, gây hư hại DNA và là nguyên nhân gây ung thư hệ tiêu hóa, ung thư gan... Ngoài ra, rượu còn làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ do tăng estrogen, kích hoạt các thành phần oxy hóa làm giảm hấp thu dinh dưỡng.
Thực tế, ung thư tuy nguy hiểm nhưng theo tính toán của các chuyên gia, 50-70% số ca ung thư có thể phòng tránh được, nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng tránh, tầm soát... Muốn vậy, trước tiên cần triệt để bỏ rượu bia và thuốc lá.
Làm việc ở nơi có nền y tế phát triển nhất thế giới, anh có thể chia sẻ, những triển vọng mới về điều trị ung thư hiện nay là gì? Người dân có thể "yên tâm" về tương lai của ngành điều trị ung thư không?
TS Phan Minh Liêm: Theo tôi biết, hiện nay trong điều trị ung thư đang có một số lĩnh vực được đảy mạnh phát triển. Phát triển mạnh nhất là điều trị miễn dịch. Thứ hai là các liệu pháp dùng thuốc trúng đích.
Công nghệ gen có thể hỗ trợ cho cả hai liệu pháp này. Ví dụ, sau khi xét nghiệm gen, bác sĩ sẽ biết được điểm yếu tế bào ung thư và thuốc chống đích nào sẽ có hiệu quả tốt nhất. Đối với những bệnh nhân ung thư do đột biến gen tiềm ẩn từ thế hệ trước truyền lại, hiện cũng đã có một số loại thuốc trúng đích phù hợp.
TS Phan Minh Liêm, người Việt Nam đầu tiên 4 lần được vinh danh trên bức tường danh dự của Viện nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới MD Aderson.
Đối với bệnh nhân muốn sử dụng liệu pháp miễn dịch, họ có thể xét nghiệm một số chỉ dấu về biến động dấu ấn trên bề mặt tế bào ung thư, một số biến đổi bên trong tế bào ung thư... Dựa trên những chỉ dấu đó, bác sĩ sẽ biết có nên sử dụng liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân hay không vì cách điều trị này không phải ai cũng có thể áp dụng. Khi sàng lọc thông qua một số xét nghiệm (xét nghiệm hóa mô, xét nghiệm gen), bác sĩ biết được hướng đi nào khả thi với tỷ lệ thành công là bao nhiêu phần trăm.
Ở Việt Nam, các liệu pháp này đều đã được áp dụng nhiều năm nhưng vẫn chưa phổ biến nếu so với phương pháp hóa trị. Lý do chính là chúng ta còn thiếu thuốc và một số loại thuốc có chi phí cao.
Trong tương lai, khi các loại thuốc trúng đích và miễn dịch được sản xuất đại trà hơn thì chi phí sẽ hạ dần. Điều này sẽ là xu thế nhất định xảy ra, giúp các liệu pháp điều trị ung thư hiện đại nhất sớm phổ biến, hợp với khả năng chi trả của nhiều người.
Bác sĩ ở Việt Nam rất giỏi
Anh có nghĩ, trong việc điều trị căn bệnh này, hiện nay chúng ta đang chậm hơn thế giới và người bệnh đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn không?
TS Phan Minh Liêm: Đứng ở mặt chuyên môn, tôi thấy các bác sĩ Việt Nam rất giỏi, họ tiếp cận với các phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới rất nhanh, cập nhật tốt về thiết bị, công nghệ. Tôi không nghĩ là chúng ta đi chậm hơn Mỹ.
Nhưng bệnh nhân Việt Nam đang phải chịu thiệt thòi lớn. Đó là các bệnh viện tuyến trung ương luôn bị quá tải dẫn đến chất lượng chăm sóc, phục vụ không được như kỳ vọng của bệnh nhân và người nhà. Trong khi đó, ở các nước khác, chẳng hạn ở Mỹ, số lượng bác sĩ điều trị ung thư nhiều hơn. Họ có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân, quá trình theo dõi, điều trị cũng sát sao, khiến bệnh nhân yên tâm hơn.
Trong quá trình điều trị ung thư, tâm lý rất quan trọng, chiếm 50% khả năng chiến thắng bệnh. Nếu bệnh nhân lạc quan, tin tưởng vào bệnh viện, bác sĩ... sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, nâng cao thể trạng và đẩy lùi tế bào ung thư.
Tuy nhiên, gần đây tôi thấy nhiều bệnh viện mới đang được xây dựng. Đây có lẽ là tín hiệu tốt.
Liệu thiệt thòi đó có phải là nguyên nhân chính khiến số người tử vong vì ung thư ở Việt Nam luôn cao, chiếm tới 70% số ca bệnh?
TS Phan Minh Liêm: Việt Nam có một số yếu tố đặc thù về dân số học. Ví dụ, dân số nước ta đang già đi khiến số ca mắc ung thư tăng lên do càng nhiều tuổi, sự tích lũy đột biến gen càng nhiều.
Thứ 2 là mật độ dân số ở các đô thị lớn tại Việt Nam rất cao. Khi mật độ dân cư cao sẽ đi liền với ô nhiễm, các bệnh lý về truyền nhiễm có khả năng gây ung thư (virut HPV, HB, viêm gan siêu vi B, siêu vi C...).
Thứ 3, như đã nói là tỷ lệ hút thuốc lá, sử dụng rượu bia ở nước ta rất cao, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi ở Việt Nam vẫn còn cao khiến số ca mắc ung thư gan đứng đầu so với các loại ung thư khác. Trong nhiều bệnh ung thư, ung thư gan thuộc nhóm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Lý do là gan (vốn là cơ quan thải độc của cơ thể) có khả năng đào thải thuốc rất tốt. Vì thế, khi tế bào ung thư chui vào gan hoặc xuất phát từ gan, nó sẽ có môi trường cực thuận lợi để che chở, tăng sinh.
Gan cũng có yếu tố tăng sinh tự nhiên giúp bác sĩ khi ghép gan, chỉ cần ghép một mảnh gan rồi một thời gian sau, mảnh gan ấy sẽ có thể phát triển thành lá gan hoàn chỉnh. Đó là lý do vì sao tế bào ung thư khi nằm trong gan sẽ nhận được các tín hiệu sinh trưởng kích hoạt nó nhanh chóng phát triển.
Điều trị ung thư gan hiện nay, đa số dựa vào phẫu thuật còn hóa trị thì không phải ca nào cũng có thể thực hiện được. Vì thế, tỷ lệ tử vong vì ung thư gan rất cao, chỉ sau ung thư tụy.
Trong lịch sử, Việt Nam từng có thời kỳ chiến tranh kéo dài. Thời đó, nhiều cơ sở y tế vẫn sử dụng kim tiêm kim loại, dùng cho nhiều người. Quá trình chích ngừa thuốc, khi vệ sinh không đảm bảo đã làm nhiều người nhiễm virut viêm gan siêu vi B, siêu vi C. Chính cha tôi cũng mắc ung thư gan vì nhiễm virut viêm gan siêu vi C khi chích ngừa chính loại bệnh này.
Ung thư gan cũng có thể do rượu bia hoặc sử sụng nhiều thức ăn nhiễm độc tố có khả năng gây ung thư gan, ví dụ như ăn nhiều chao, thịt nướng, đồ nướng. Ở Việt Nam, không chỉ tỷ lệ tiêu thụ rượu bia cao mà các quán nướng cũng mọc lên khắp nơi... Những thói quen không tốt này, tuy nhỏ, nhưng sau quá trình tích tụ lâu dài có thể gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm.
Tránh ăn xúc xích, thịt hộp và các loại thịt chế biến khác có chứa các chất gây ung thư, không ăn đồ cháy khét.
Ngày chúng ta không phải sợ ung thư nữa chắc chắn sẽ xảy ra!
Khi anh có người nhà mất vì ung thư, anh đã suy nghĩ điều gì?
TS Phan Minh Liêm: Ngoài bố tôi, bà nội và cô tôi cũng đều mất vì ung thư gan. Bố tôi bị nhiễm virut viêm gan siêu vi C. Còn với bà và cô tôi, tôi nghĩ một phần lớn do thói quen ăn nhiều chao mà trong chao có nhiều độc tố aflatoxin gây ung thư gan, thận.
Lúc đó dù rất buồn nhưng tôi cũng nhận ra, đây là giới hạn của y học tại thời điểm đó và là hạn chế về hiểu biết của con người đối với bệnh lý ung thư.
Sự ra đi của họ cũng làm cho tôi quyết tâm hơn với con đường nghiên cứu cách điều trị khỏi bệnh ung thư. Có điều, đây là một cuộc đua dài hơi chứ không thể chạy nước rút. Những liệu pháp, loại thuốc mới có lẽ sẽ còn được kiểm chứng, nghiên cứu qua vài thế hệ nữa mới giúp thế giới kiểm soát được bệnh này.
Nhiều lần trải qua chuyện mất người thân vì ung thư, có bao giờ anh nghĩ, vì sao căn bệnh này lại trở nên đáng sợ như vậy đối với cả bệnh nhân và người nhà của họ?
TS Phan Minh Liêm: Một trong những nguyên nhân chính khiến ung thư trở thành căn bệnh ám ảnh và khó điều trị là vì nó rất đa dạng và biến đổi không ngừng. Rất nhiều trường hợp, tế bào ung thư mang đặc điểm riêng biệt giúp nó kháng được các loại thuốc.
Cơ chế kháng thuốc của tế bào ung thư cũng rất đa dạng. Có loại không cho thuốc tiếp cận, tức là thuốc không xuyên qua được màng tế bào để đi vào bên trong. Có loại ở màng tế bào được thiết kế như một máy bơm, thuốc vào đến nơi bao nhiêu thì bị bơm ngược trở lại bấy nhiêu. Hoặc có trường hợp, thuốc vào đến bên trong, nhưng chưa kịp tác dụng thì đã bị tế bào ung thư cô lập và vô hiệu hóa. Cũng có trường hợp, thuốc vào bên trong, đánh cho tế bào ung thư "suýt chết" thì nó lại có những cơ chế sửa chữa tổn thương do thuốc gây ra...
Các dòng tế bào ung thư kháng thuốc luôn có những cách biến đổi để trụ lại. Điều đó đòi hỏi các chuyên gia phải thường xuyên phát triển các loại thuốc điều trị mới. Thứ hai là phải có những công nghệ tốt hơn để phân tích tế bào ung thư sâu hơn, để hiểu được các đặc điểm của nó nhiều hơn.
Người xưa có câu: "Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng". Hiện nay, trong cuộc chiến với ung thư, con người bắt đầu hiểu hơn về quân địch nhưng mà vẫn cần hiểu nhiều hơn nữa vì chúng ta vẫn chưa hiểu đủ.
Hiểu đến mức nào và tới khi nào thì chúng ta không phải sợ hãi ung thư nữa?
TS Phan Minh Liêm: Tôi cũng không biết là tới khi nào, nhưng ngày đó chắc chắn sẽ xảy ra. Trước kia, mắc ung thư đồng nghĩa với cái chết. Nhưng bây giờ, điều đó đã không hoàn toàn đúng. Nhiều bệnh lý ung thư đã có thể điều trị rất tốt, ví dụ như dòng Lympho B, tỷ lệ trị khỏi lên tới 83%, hoặc một số bệnh lý về ung thư vú, phát triển sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ chưa khỏi lên tới 85-90%.
Trong điều trị ung thư, điều quan trọng nhất là phòng ngừa và phát hiện sớm. Bên cạnh đó là luôn nghiên cứu, phát triển các loại thuốc, liệu pháp điều trị mới.
Cuộc chiến đẩy lùi ung thư là cuộc chiến của chung toàn xã hội, tức là bác sĩ tham gia chữa trị, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân thì chăm sóc sức khỏe bản thân, ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục điều độ, sàng lọc ung thư, thăm khám thường xuyên, trích ngừa đẩy đủ, giữ cân nặng hợp lý.
Các nhà hoạch định chính sách thì có những chương trình giáo dục kiến thức sức khỏe cho người dân, hỗ trợ việc điều trị ung thư, tổ chức các chương trình tầm soát quốc gia... Khi có sự phối hợp chung như vậy thì ung thư chắc chắn có thể đẩy lùi.
Một số lời khuyên từ TS Phan Minh Liêm
Trong các loại môn thể thao, yoga là môn giúp cơ thể cân bằng tốt. Các bài tập hút thở, thiền tập, cân bằng... giúp làm tăng cường hệ miễn dịch, đẩy lùi ung thư.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh với 2/3 khẩu phần ăn là rau xanh và trái cây, 1/3 còn lại là protein từ động vật (cá, gia cầm). Tránh ăn xúc xích, thịt hộp và các loại thịt chế biến khác có chứa các chất gây ung thư, không ăn đồ cháy khét.
Chọn ngũ cốc nguyên hạt hơn ngũ cốc tinh chế. Tránh uống rượu, không hút thuốc lá.
Duy trì cân nặng hợp lý, giúp đẩy lùi nguy cơ mắc ung thư và các bệnh lý mãn tính khác.
ICT Việt Nam