MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đình Cung: Mỗi một thập kỷ, tốc độ tăng trưởng Việt Nam chậm đi 1%

Lời nhận xét trên được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo tình hình kinh tế vĩ mô quý 3/2016.

Tăng trưởng của chúng ta đã có dấu hiệu chậm lại, ông Nguyễn Đình Cung nhận xét. Theo đó, tăng trưởng GDP trong 10 năm từ 2000 – 2010 của Việt Nam luôn trong khoảng từ 7 – 7,5% nhưng từ 2011 đến nay, GDP đã giảm tốc, chỉ tăng trưởng quanh mức dưới 7% và dao động quanh 6%.

Ông Cung lý giải nguyên nhân là bởi các biện pháp kích thích tăng trưởng như tăng huy động, tăng vốn, mở rộng tài khoá, tín dụng đã không còn phù hợp. “Nguồn lực tăng trưởng theo mô hình cũ đã cạn kiệt, trong khi những mô hình và cách thức mới chưa được thực thi có hiệu quả”, ông cho biết.

“Mỗi một thập kỷ tốc độ tăng trưởng của chúng ta lại thấp đi 1%”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Dù Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng theo ông là những cách thức kích thích trong ngắn hạn thì không hiệu quả còn những biện pháp về lâu dài như nâng cao giá trị gia tăng, cạnh tranh cho nền kinh tế; tăng trưởng dựa vào năng suất lao động; tái phân bổ nguồn lực…thì chưa thực hiện được.

Do đó, nếu cứ tăng trưởng theo cách hiện nay theo kiểu thâm dụng vốn đầu tư, tăng cung tín dụng, mở rộng chính sách tài khoá, giải ngân nhanh… thì kết quả đạt được chỉ trong ngắn hạn, đồng thời tiềm ẩn những rủi ro như nợ công, nợ xấu, bội chi ngân sách và không có nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn.

Hiện áp lực tăng trưởng bằng thâm dụng vốn, đi vay đang đặt Việt Nam vào tình trạng thu ngân sách ít, phải đi vay nhiều “từ vay trong nước đến ngoài nước, dài hạn đến ngắn hạn”… Bội chi ngân sách cứ thế tăng lên, Viện trưởng viện CIEM cho hay.

Với việc Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng, ông Cung đặt ra câu hỏi Việt Nam sẽ phải hành động những gì, bởi không thể mãi dựa vào khai thác tài nguyên như trước bởi trong bối cảnh hiện nay, việc này là không thể được. “Dầu thô, than đá của Việt Nam xuất khẩu không đạt mục tiêu, giá giảm, đóng góp cho ngân sách rất ít”, ông nhấn mạnh.

“Chúng ta cần đào sâu theo cách khác, cần phải thay đổi cách thức, tư duy. Chúng ta phải tìm kiếm cái mới, thúc đẩy sự thay đổi của nền kinh tế chứ đừng giật gấu vá vai.”, ông Cung khẳng định.

Theo đó, ông Nguyễn Đình Cung đưa ra kịch bản tái cơ cấu với trọng tâm gồm 2 vế: thắt chặt chi tiêu và đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Với 2 yếu tố này, ông Cung tự tin là làm tốt sẽ mang về 0,5% tăng trưởng GDP.

“Tăng trưởng bình thường của Việt Nam là 6,5%, cộng thêm 0,5% nhờ 2 yếu tố đó thì GDP sẽ là 7%”, ông nói.

Mặt khác, ông cũng cho rằng Chính phủ cần quan tâm đến quy tắc khan hiếm nguồn lực. Vì mọi thứ đều là hữu hạn nên cần phải “chọn mặt gửi vàng”, không thể đầu tư tràn lan, cơ chế xin – cho phải bị loại bỏ thay vào đó là sự cạnh tranh để nhận được nguồn lực nhà nước.

“Phải cải cách thể chế, phải thị trường hoá. Khu vực kinh tế nhà nước phải nhỏ đi nhưng thông minh, hiệu quả hơn, khu vực thị trường phải phát triển mạnh hơn, lớn hơn!”, Viện trưởng CIEM kết luận.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên