MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2019 Việt Nam đón nhiều cơ hội nhưng cũng cần chú ý những điểm này

Kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 6,93%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo mức 9,4%, thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mục tiêu lạm phát khoảng 4% được đánh giá là khả thi và linh hoạt.

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

GDP 2019 đạt 6,93%, lạm phát có nhiều yếu tố thuận lợi để kiểm soát

Về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết GDP Việt Nam dự kiến có thể đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo mức 9,4%, thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng khoảng 3,88%. Mục tiêu lạm phát năm 2019 (khoảng 4%) được đánh giá là khả thi và linh hoạt hơn so với năm 2018.

Đối với mục tiêu lạm phát năm 2019, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng nhiều yếu tố cho thấy lạm phát sẽ được kiểm soát tốt, bao gồm: kỳ vọng lạm phát ổn định và ngày càng bền vững; rủi ro vĩ mô giảm; điều hành sát sao của Chính phủ giúp quan hệ cung – cầu trong nền kinh tế đối với vàng hoá quan trọng, thiết yếu được ổn định, cân bằng; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc điều chỉnh các loại giá nhà nước quản lý như điện, y tế, giáo dục... đảm bảo không tác động tiêu cực lên kỳ vọng lạm phát và kiểm soát lạm phát tổng thể theo mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, ông lưu ý trong nước yêu cầu điều chỉnh lương tối thiểu vòng và giá cả các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý giá vẫn thường trực trong khi các yếu tố bên ngoài cũng có tác động nhanh và mạnh hơn đến nền kinh tế trong bối cảnh độ mở của kinh tế Việt Nam lớn. Do vậy, ông Cung cho rằng cần giảm thiểu cách tiếp cận hành chính đối với kiểm soát lạm phát.

Năm 2019 cần chú ý những gì?

Diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2019 có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo TS. Nguyễn Đình Cung. "Căng thẳng thương mại giữa hai nước còn diễn biến khó lường, do phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại và mức độ thực chất của kết quả, nếu có, giữa hai quốc gia", ông cho biết.

Vì vậy, Việt Nam không nên quá lạc quan về khả năng đạt được thoả thuận thương mại giữa hai nước bởi cả hai bên đều biết bản chất cuộc chiến này không chỉ nằm ở vấn đề thương mại.

Tiếp theo, TS. Cung lưu ý đến nguy cơ từ rủi ro suy thoái ở các nền kinh tế chủ chốt có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, ông cho biết việc thực hiện Hiệp định CPTPP, khả năng phê chuẩn FTA giữa EU và Việt Nam cũng như khả năng kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP có thể tạo thêm sức hút cho nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Mặt khác, ghi nhận cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục kỳ vọng vào những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

6 giải pháp cho kinh tế trong năm 2019

Thứ nhất, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần thường xuyên đánh giá các diễn biến theo chu kỳ của tăng trưởng kinh tế và rủi ro tác động từ môi trường kinh tế bên ngoài trong năm 2019.

Theo đó, tái khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng chính sách linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Ông lưu ý cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng và tăng chống chịu của nền kinh tế.

Thứ hai là là về chính sách tiền tệ. Ông Cung cho rằng cần sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen. Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách về tài chính số để có biện pháp ứng xử, quản lý phù hợp với tiền kỹ thuật số.

Mặt khác, Việt Nam cần tránh yêu cầu giảm lãi suất cho vay một cách hành chính; Tiếp tục ưu tiên tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và cải thiện chất lượng nợ xấu; Rà soát hành vi cạnh tranh của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém nhằm tránh méo mó đối với diễn biến lãi suất.

Ông Cung cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì tính thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

Thứ ba là về chính sách tài khoá. Theo Viện trưởng CIEM, năm 2019 Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật NSNN, nhanh chóng ban hành Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, trên cơ sở đánh giá khả năng phát hành, chi phí cơ hội từ phát hành và phối hợp với chính sách tiền tệ.

Đặc biệt, ông cho biết cần nghiêm túc cân nhắc không bổ sung hoặc tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân...

Thứ tư là về chính sách thương mại. Cụ thể, Việt Nam sẽ tiếp tục đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thông qua thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, cung cấp và chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách pháp luật. Đánh giá lại các nhóm giải pháp nhằm thực hiện hiêu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động hơn trong quan hệ với các đối tác.

Thứ năm là về chính sách giá cả, tiền lương. Theo đó, việc thực hiện cần minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và linh hoạt, cải thiện cạnh tranh, công khai hoá và giám sát cơ cấu chi phí trên các thị trường này, công khai sớm việc không điều chỉnh giá vào cuối năm.

Thứ sáu là về chính sách đầu tư. Ông Cung cho biết cần tăng cường kỷ luật đầu tư công, hạn chế  tuyệt đối các đề xuất có tính chất vượt quy trình để đẩy nhanh giải ngân. Nghiêm tục đánh giá lại yêu cầu sửa đổi Luật đầu tư công, đặc biệt là các quy trình thủ tục được cho là ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn...

T.Công (lược ghi)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên