MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đức Kiên: Chậm thực hiện "hộ chiếu vắc xin", Việt Nam sẽ mất cơ hội tận dụng thành quả chống dịch Covid-19

TS Nguyễn Đức Kiên: Chậm thực hiện "hộ chiếu vắc xin", Việt Nam sẽ mất cơ hội tận dụng thành quả chống dịch Covid-19

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam phải thay đổi cách chống dịch, phải dựa trên các thành tựu của năm 2020 để thúc đẩy kinh tế nếu không sẽ tụt hậu vì lỡ cơ hội.

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết
TS Nguyễn Đức Kiên: Chậm thực hiện hộ chiếu vắc xin, Việt Nam sẽ mất cơ hội tận dụng thành quả chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

- Chia sẻ với báo chí, ông cho biết Tổ Tư vấn đã đề nghị thực hiện ngay chính sách "hộ chiếu vaccine" để những người có chứng nhận tiêm chủng được nhập cảnh vào Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này được không?

- TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - ĐBQH đoàn Sóc Trăng: Đề xuất này bao gồm việc thực hiện liên thông với các nước để đảm bảo khi một người được xác nhận tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19, họ có quyền vào Việt Nam và đi lại tự do như công dân Việt Nam mà không phải cách ly. Đối với người Việt Nam, khi được chứng nhận đã tiêm vắc xin, có thể ra nước ngoài và có các quyền tương tự. Phải liên thông được hệ thống y tế, phòng bệnh của chúng ta với các nước, tạo thành những bong bóng du lịch.

Thực tế, số người mắc bệnh ở nước ta chưa tới 3.000, trong đó phần lớn là những ca trở về từ nước ngoài. Chính vì thế, chúng ta không được hoảng loạn, không đẩy vấn đề vượt quá so với thực tế.

TS Nguyễn Đức Kiên: Chậm thực hiện hộ chiếu vắc xin, Việt Nam sẽ mất cơ hội tận dụng thành quả chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Có những nước, một tuần có tới 100.000 ca nhiễm. Trong khi 15 tháng qua, Việt Nam có chưa tới 3.000 người mắc Covid-19 và phần nhiều trong số đó là những ca nhập cảnh. Hiểu vị thế của mình và hiểu hoàn cảnh của các nước sẽ thấy Việt Nam có lợi thế khi áp dụng hộ chiếu vắc xin. Nếu chúng ta không mở cửa nền kinh tế trở lại, 8% GDP sẽ mất mỗi năm chỉ tính riêng từ những thiệt hại của ngành du lịch. Trong bối cảnh kinh phí của nhà nước hạn hẹp, cần phải tạo chính sách để doanh nghiệp phối hợp với người lao động vượt qua khó khăn.

Chính vì thế, Tổ tư vấn đã có những văn bản tham mưu quyết liệt vào giữa tháng 3, nêu rõ hộ chiếu vắc xin cần phải được triển khai vào tháng 5, nếu không đến tháng 6 các nước trên thế giới áp dụng, Việt Nam có thể sẽ chậm chân. Chúng ta phải biết tận dụng thành công của mình trong công tác phòng dịch của năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Nếu không đứng trên những thành công đã đạt được, chúng ta sẽ luôn là người đi sau.

- Theo ông, còn vướng mắc gì khiến Việt Nam chưa triển khai "hộ chiếu vắc xin"?

- Hộ chiếu vắc xin chưa áp dụng được là vì quan điểm của chúng ta chưa thống nhất. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa đưa ra được những giải pháp gắn với trạng thái bình thường mới như Thủ tướng đã chỉ đạo. Trong bình thường mới, chúng ta phải phòng dịch trên một tâm thế mới, đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển. Từng địa phương, từng ban ngành, trong từng lĩnh vực phải đưa ra những quyết định phù hợp với đặc thù của mình. Cái gì cũng chờ Thủ tướng, chờ Bộ thì không được. So với thế giới, rõ ràng chúng ta đang có vấn đề và tổ chức triển khai chậm.

TS Nguyễn Đức Kiên: Chậm thực hiện hộ chiếu vắc xin, Việt Nam sẽ mất cơ hội tận dụng thành quả chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

- Ông nhắc đến "bình thường mới". Làm sao để Việt Nam có thể vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế hiệu quả trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến dần tới miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng?

- Nhiều loại vắc xin trên thế giới, chẳng hạn như Sputnik 5 của Nga, được triển khai theo hình thức khẩn cấp. Mỹ thì áp dụng "tình trạng thời chiến" để thúc đẩy phát triển vắc xin. Phải đặt câu hỏi là vì sao Việt Nam chưa làm được. Chúng ta có Nanocovax đang được triển khai thử nghiệm giai đoạn 2. Vì sao việc triển khai vắc xin Made in Việt Nam chưa được đẩy lên?

Chúng ta cũng xác định có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 hoặc giữa năm 2022. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Việt Nam phải tự sản xuất vắc xin để đáp ứng nhu cầu của mình. Phối hợp với vắc xin mà Tổ chức Y tế Thế giới phân phối, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo những người nguy cơ cao, thường xuyên đối mặt với dịch bệnh, được miễn dịch.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên xem xét lại cách chữa trị Covid-19 như các nước trên thế giới đang làm. Đó là chỉ những trường hợp mắc bệnh nặng mới cần vào viện. Nếu không, người mắc Covid-19 có thể tự chữa, tự cách ly ở nhà.

Đến thời điểm này, tôi vẫn giữ quan điểm là chúng ta nên thay đổi phương thức chống dịch. Lúc trước, chúng ta chưa hiểu rõ về virus corona, giờ chúng ta hiểu rõ hơn rồi, cần có cái nhìn năng động hơn. Điều này chỉ có thể đạt được nếu cả bộ máy thay đổi, từ Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia tới Bộ Y tế và báo chí, truyền thông.

Ngoài ra, không thể phủ nhận tình trạng kỳ thị người tới từ vùng dịch có tồn tại và rất nguy hiểm. Nó góp phần phản ánh những hệ lụy mà Covid-19 gây ra với vấn đề xã hội, trong đó có bạo lực gia đình, kinh tế khó khăn, là rất lớn.

Bên cạnh đó, có rất nhiều "anh hùng bàn phím", thường bình luận với tính chất phiến diện, ném đá trên bài viết của các chuyên gia khi gợi ý, trao đổi với nhau về phương thức cứu nền kinh tế. Điều đó cho thấy những trăn trở của những người tâm huyết không được ghi nhận, trăn trở của những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong dịch không được thấu hiểu.

- Ông nhắc đến tính cấp thiết của việc mở cửa nền kinh tế dựa vào những thành tựu chống dịch đã đạt được thời gian qua. Việc "chậm chân" mang theo những rủi ro như thế nào cho nền kinh tế?

- Trong tháng 2 vừa qua, đã có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế chững lại. Khi chúng ta đang trải qua giai đoạn tăng trưởng tốt trong tháng 1 và tháng 2 thì Covid-19 xảy ra vào giáp Tết. Tháng 3, chúng ta mới thấy những tác động nặng nề. Tăng trưởng quý I không cao như chúng ta dự đoán. Chúng ta hy vọng đà tăng trong quý IV/2020 sẽ giúp chúng ta có quý I tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng đang có dấu hiệu ngả dần xuống chứ không dựng lên. Khối kinh tế của Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang rất trăn trở.

Ngoài ra, Covid-19 tạo ra những tác động bất cân xứng giữa các doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày hay như Samsung... vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể lại cho người lao động nghỉ việc rất nhiều.

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều biện pháp, nhiều văn bản pháp lý hướng dẫn, hỗ trợ. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp là từ thuế, từ ngân sách. Với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, việc hỗ trợ như thế nào là một câu hỏi khó vì không có tiêu chí. Hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có hợp đồng, không đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Chính vì thế, nhà nước không có căn cứ để hỗ trợ những doanh nghiệp này.

Trong khi đó, việc Luật Doanh nghiệp muốn đưa hộ kinh doanh cá thể vào điều chỉnh lại không nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tôi mong qua đại dịch lần này, những chính sách đúng đắn mà Chính phủ trình Quốc hội sẽ được nhìn nhận khách quan và tạo được đồng thuận. Đó là tiền đề để Chính phủ vững tâm trong nhiệm kỳ mới.

TS Nguyễn Đức Kiên: Chậm thực hiện hộ chiếu vắc xin, Việt Nam sẽ mất cơ hội tận dụng thành quả chống dịch Covid-19 - Ảnh 4.

- Theo quan điểm của ông, đâu là thách thức lớn nhất của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2026?

- Trong năm 2021, điều quan trọng nhất là tạo ra đồng thuận trong bình thường mới. Chúng ta chỉ có thể đạt được điều này thông qua thấu hiểu, chia sẻ giữa người nhiễm và không nhiễm; trách nhiệm, san sẻ tài chính giữa người dân và nhà nước để từng bước khôi phục kinh tế.

Nhiệm vụ quan trọng nhất giai đoạn 2021-2026 là triển khai thành công nghị quyết Đại hội Đảng 13. Nói nôm ra là đầu tư, đầu tư và đầu tư để tạo cơ sở vật chất vững mạnh, giúp mọi thành phần kinh tế hưởng lợi từ đầu tư để phát triển. Đó sẽ là bệ phóng cho tất cả thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân và FDI khởi sắc. Phải xóa bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân như Luật Doanh nghiệp đã nói: đó là doanh nghiệp Việt Nam.

TS Nguyễn Đức Kiên: Chậm thực hiện hộ chiếu vắc xin, Việt Nam sẽ mất cơ hội tận dụng thành quả chống dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Hiện nay, thể chế đã có thể đảm bảo cho sự thay đổi ấy. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn là bài toán khó và đòi hỏi sự chuyển đổi nhận thức trong quản trị nhà nước. Chính phủ có thể điều tiết bằng chính sách hỗ trợ, chính sách thuế và đặc biệt là thay đổi tư duy hỗ trợ người thắng chứ không phải hỗ trợ tất cả, tạo ra những doanh nghiệp đầu đàn kéo nền kinh tế.

Ngành ô tô là một ví dụ. Ngay sau khi mở cửa, Việt Nam đã mở cửa cho 11 liên doanh ô tô vào sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam. Sau 25 năm, có thể nói chiến lược này đã thất bại. Tuy nhiên, chiến lược phát triển ô tô của Vingroup có triển vọng thành công. Chiến lược của Thaco ở một mặt nào đó cũng đã có thành tựu.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nhà nước có thể hỗ trợ ô tô Made in Vietnam bằng chính sách thuế và các ưu đãi khác. Vấn đề là mình có vượt qua chính mình để bỏ qua những tư tưởng phân biệt cố hữu, chấp nhận những cái mới của nền kinh tế hay không. Tuyệt đối không nên coi mình là khuôn vàng thước ngọc hay quan điểm của mình luôn đúng.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên