TS. Nguyễn Trí Hiếu: Siết đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính là cần thiết
NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD phi ngân hàng, trong đó có việc siết đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính.
- 08-06-2020Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao
- 07-06-2020Ngân hàng Nhà nước muốn 'siết' quy định cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính
- 05-06-2020Huy động trái phiếu Chính phủ tăng 5 lần
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Cụ thể, theo NHNN, để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các công ty tài chính tiến gần hơn chuẩn mực, thông lệ quốc tế trên cơ sở phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; tăng cường khả năng chịu đựng rủi ro của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trước những cú sốc của thị trường; yêu cầu tổ chức tín dụng phi ngân hàng cơ cấu lại danh mục đầu tư; điều chỉnh hệ số rủi ro đối với lĩnh vực rủi ro, NHNN sẽ sửa đổi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và hệ số rủi ro theo hướng điều chỉnh tăng nhằm đảm bảo kiểm soát, hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, xung quanh vấn đề này.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.
- NHNN đã siết đầu tư trái phiếu của các ngân hàng, nay lại dự kiến siết hoạt động này của các công ty tài chính. Ông đánh giá thế nào về quyết định này của NHNN?
Ngành ngân hàng Việt Nam đang gánh trách nhiệm rất nặng là cung cấp vốn cho nền kinh tế, nên dư nợ tín dụng của các ngân hàng so với tổng nguồn vốn quốc gia đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Đây là gánh nặng cho ngành ngân hàng.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu để huy động vốn, qua đó đã góp phần giảm gánh nặng tài chính cho ngành ngân hàng. Nhưng với điều kiện đây là những trái phiếu an toàn, những tổ chức phát hành phải có khả năng tài chính lớn, đảm bảo khả năng trả nợ của họ.
Việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng là một mảng mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty tài chính, nên việc siết quy định về hoạt động này chắc chẵn sẽ gây khó khăn cho các công ty tài chính.
Tôi không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp đang có nợ xấu, nợ quá hạn ở các ngân hàng, công tài chính đã phát hành trái phiếu để bán lại cho ngân hàng, công ty tài chính nhằm đảo nợ. Do vậy, việc siết chặt quản lý đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính là cần thiết.
- Vậy siết đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp đang có nhu cầu phát hành trái phiếu, thưa ông?
Dĩ nhiên, việc siết đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính sẽ làm giảm cầu trái phiếu doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến việc huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, việc siết quy định này là cần thiết nhằm làm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, đồng thời cũng là cơ hội sàng lọc các loại trái phiếu có rủi ro cho xã hội.
Việc các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu trên thị trường vốn là rất tốt nhưng phải đảm bảo điều kiện trả nợ của các doanh nghiệp phát hành. Do đó, Việt Nam một mặt cần khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu để giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng, nhưng mặt khác cũng cần có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo phát triển bền vững của thị trường trái phiếu.
- Vậy theo ông, cần có quy định nào để đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Một số quy định cần đem vào thực tế để sàng lọc các doanh nghiệp và chỉ nên cho các doanh nghiệp đủ điều kiện mới được phát hành trái phiếu, không thể để phát hành đại trà, tạo ra rủi ro cho thị trường.
Theo đó, phải có những quy định về nhà phát hành bao gồm các tiêu chí, sức khỏe tài chính như: thời gian có mặt trên thị trường bao lâu, những chỉ số về tài chính, chỉ số về đòn bẩy tài chính , tỷ lệ thanh khoản, tỷ lệ ROA, ROE… Và đặc biệt, các báo cáo tài chính của họ phải được kiểm toán độc lập, đảm bảo tính trung thực, chính xác.
Đặc biệt, chúng ta cần có những công ty chấm điểm tín dụng ở Việt Nam để góp phần đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu. Mỹ có 3 đơn vị là Standard and Poor’s, Moody’s và Fitch Group xếp hạng tín nhiệm rất khách quan, trung thực và uy tín. Khi Việt Nam thiếu các đơn vị này thì nhà đầu tư phải dựa vào sự phán đoán của mình, trong khi không phải nhà đầu tư nào cũng có óc phán đoán chính xác vì thiếu kiến thức về tài chính. Do đó, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn doanh nghiệp