MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt Nam "trường kỳ" chịu lãi suất cao

19-09-2023 - 14:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS Trần Đình Thiên, dù đối mặt với hàng loạt khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng "trụ hạng"

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
83 bài viết

Ngày 19-9, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã dành khá nhiều thời lượng trong bài tham luận của mình để nói về những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt Nam trường kỳ chịu lãi suất cao - Ảnh 1.

TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Theo ông Trần Đình Thiên, thực tế cho thấy quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng "nghịch lý". "Nghịch lý khi doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành"- vị chuyên gia kinh tế nói.

TS Trần Đình Thiên mô tả sức chống chịu và sinh tồn của doanh nghiệp Việt Nam là "phi thường". Theo ông Thiên, doanh nghiệp Việt là một lực lượng giỏi, nhưng "mãi không lớn" vì nhiều lý do. Trong đó, ông nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lãi suất cao trường kỳ trong hàng chục năm.

Bên cạnh đó là khó khăn khi chi phí vốn cao, chi phí bôi trơn nhiều, thời gian thực hiện dự án kéo dài do vướng cơ chế, nhưng theo TS Nguyễn Đình Thiên, doanh nghiệp trong nước vẫn cố gắng trụ vững. "Về khả năng trụ hạng, khả năng sống còn của doanh nghiệp Việt Nam là vô địch"- ông nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị chuyên gia bày tỏ băn khoăn khi chúng ta tận dụng quá mức sức chống chịu của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không thể lớn. Ông cũng băn khoăn khi chưa có một nghiên cứu toàn diện về tuổi thọ của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cho rằng tuổi thọ của doanh nghiệp trong nước rất thấp, có thể thấp hơn mức trung bình của thế giới. "Tuổi thọ của doanh nghiệp quyết định đến năng lực nội sinh của nền kinh tế"- vị chuyên gia nói và đề nghị cơ quan hữu quan cần có đánh giá về vấn đề này.

TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt Nam trường kỳ chịu lãi suất cao - Ảnh 3.

Hội thảo chuyên đề 1 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đề cập một số rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó các vấn đề như chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam...

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi. Ông Tuấn cho rằng giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng suy giảm, tổng cầu trong nước giảm mạnh, kéo theo nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đang có tình trạng rụt rè, không dám quyết, muốn ở trong "vùng an toàn" của mộ bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch VCCI cho rằng thời gian tới cần khắc phục tình trạng này để kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm cống hiến.

Thảo luận tại phiên chuyên đề, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát.

"Năm 2023, NHNN đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp"- ông Đào Minh tú khẳng định và cho biết thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nền kinh tế thế giới suy giảm, nhất là những thị trường Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu; lượng hàng tồn kho ở các thị trường này rất cao, khiến đơn hàng bị suy giảm.

Bộ Công thương đã thực hiện các biện pháp khi thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường thế giới tham mưu Chính phủ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để có biện pháp ứng phó. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh trong ưu đãi các Hiệp định thương mại, mời các doanh nghiệp lớn trên thế giới nhằm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên