MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Trần Đình Thiên: Sau 30 năm đổi mới, đẳng cấp kinh tế Việt Nam nói chung vẫn chậm thay đổi, du lịch có khá hơn nhưng vẫn ngẫu hứng

“Sau 30 năm đổi mới, đẳng cấp kinh tế Việt Nam vẫn chậm thay đổi, nông nghiệp, công nghệ vẫn thế, du lịch có khá hơn về tính chuyên nghiệp đặc biệt trong những năm qua, nhưng cơ bản là chưa thay đổi nhiều!”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
84 bài viết

Tính chuyên nghiệp trong du lịch là một trong hai chủ đề chính được bàn luận tại Hội thảo “Chuyên nghiệp hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” tổ chức sáng nay (29/8).

Phát biểu đề dẫn, TS. Trần Đình Thiên nói rằng dù bản thân không phải là dân du lịch nhưng ông luôn trăn trở về phát triển tính chuyên nghiệp của ngành.

Ở tầm vĩ mô, ông nhận thấy sau 30 năm đổi mới, đẳng cấp kinh tế Việt Nam vẫn chậm thay đổi mà như ông mô tả thì: “nông nghiệp vẫn cần phải giải cứu, công nghiệp dừng ở lắp ráp, gia công, tài nguyên vẫn được khai thác thô là chính yếu…”.

“Lĩnh vực du lịch có khá hơn về tính chuyên nghiệp, đặc biệt trong mấy năm qua nhưng đẳng cấp trong nền kinh tế chưa thay đổi nhiều”, TS. Trần Đình Thiên nhận xét.

Theo ông, Bộ Chính trị với Nghị quyết 08 đã đặt du lịch được đặt trở lại thành ngành kinh tế mũi nhọn sau hơn 25 năm và lần này khái niệm gắn với tính chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp, như TS.Thiên nhận định là chuyên nghiệp về chức năng quản lý của Nhà nước và chuyên nghiệp trong kinh doanh đối với lĩnh vực này.

Ông nhấn mạnh việc cơ chế xin cho tồn tại quá lâu đang khiến cho Việt Nam phát triển không thể chuyên nghiệp được. “Làm sao chúng ta có thể phát triển trong cơ chế xin cho được?”, ông cảm thán.

Bên cạnh đó, ông cũng nhận xét du lịch Việt Nam nhiều nơi vẫn đang phát triển một cách tuỳ nghi, tuỳ hứng, tầm nhình theo kiểu “đánh cờ nước một thiếu chuyên nghiệp”. Trong khi đó, chuyên nghiệp trong quản trị quốc gia phải bắt đầu từ tầm nhìn định hướng chiến lược, tạo ra khuôn khổ du lịch.

“Cần lật lại cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp giữa Tổng cục du lịch với các địa phương giữa các bộ, ngành liên quan. Hiện nay, tinh thần hội nhập ở Việt Nam rất cao nhưng tâm lý kiểm soát khách đến chưa cởi bỏ được nên khó phối hợp”, ông nói.

Đưa ra giải pháp để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, cụ thể ở đây là du lịch Hạ Long, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết thành phố đang tập trung vào công tác quản lý nhà nước.

“Trước đây, Vịnh Hạ Long nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khách du lịch nước ngoài cũng như người dân trong nước đến tham quan, du lịch. Trong đó, mặt trái là công tác quản lý nhà nước đang hết sức phức tạp, gây mất thiện cảm cho du khách”, ông nói.

Tuy nhiên, khi được tỉnh bàn giao Vịnh về cho thành phố, cách quản lý đã được thay đổi. Cụ thể, nếu như trước đây việc quản lý phải thông qua sở, ban ngành khiến công việc diễn ra lâu hơn thì nay thành phố trực tiếp thực hiện. Nhờ vậy, những hoạt động xấu như chèo kéo khách, chặt chém giá cả… đã được xử lý.

Bên cạnh đó, Hạ Long cũng đang được tập trung xây dựng về hạ tầng cũng như thu hút được các tập đoàn lớn đầu tư, tăng tính chuyên nghiệp.

“Khi các vị có thời gian xuống Hạ Long có thể thấy sự thay đổi từng ngày, từng giờ”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long chia sẻ.

Còn ông Trần Trí Dũng, GĐ Sở Du lịch Kiên Giang thì nói rằng để thành công, Phú Quốc phải làm cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng có trách nhiệm, chia sẻ lợi ích một cách hài hoà. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại hoá, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhấn mạnh Kiên Giang phấn đấu xây dựng đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính, kinh tế đặc biệt, phát triển với trụ cột chính là công nghiệp giải trí, dịch vụ, nghỉ dưỡng… có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phú Quốc theo ông Dũng là hướng đến hình ảnh điểm đến an ninh, an toàn, đảm bảo các yếu tố về môi trường.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên