MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Trần Hoàng Ngân: FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt là do hiệu ứng kép

Nhấn mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh là dấu hiệu đáng mừng nhưng đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng Việt Nam cần phải hết sức bình tĩnh trong việc chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI cam kết từ Trung Quốc đã tăng hơn 450% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, con số này nói lên điều gì?

- Chúng ta thấy rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ bùng lên trong năm nay mà bắt đầu từ những năm trước nên các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Trung Quốc đã có phương án rời khỏi thị trường này. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có động thái tương tự để tránh việc bị Mỹ áp thuế.

Đây là lý do dẫn đến sự xuất hiện chuyển dịch nguồn vốn đầu tư sang Việt Nam.Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, cam kết đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở mức rất cao, đạt khoảng 16 đến 17 tỷ USD. Các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông và Trung Quốc dẫn đầu với số vốn cam kết lớn nhất.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam mở cửa hội nhập, ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các FTA giúp hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhận được nhiều cơ chế ưu đãi về thuế. Không chỉ nhà đầu tư Trung Quốc mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đến Việt Nam đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp. Chúng ta thấy rõ xu thế này đang tăng lên trong những năm vừa qua.

Nó vừa là thành quả của quá trình tái cơ cấu kinh tế vừa là kết quả củanỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiều năm. Chúng ta giữ ổn định tỷ giá, giữ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nên chúng ta thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.Như chúng ta đã thấy, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong chặng đường hơn 30 năm qua đã đạt hơn 350 tỷ USD vốn đăng ký và giải ngân được 190 tỷ USD.

Việc tận dụng cơ hội là chuyên môn, chuyên nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.Nơi nào thị trường ổn định, nơi nào chi phí lao động thấp, nơi nào có nhiều tiềm năng thì họ sẽ đến. Và họ sẵn sàng ra đi nếu như lợi nhuận của họ không đạt và ưu đãi dành cho họ không còn.

Cho nên, Việt Nam phải hết sức bình tĩnh trong việc chọn lọc các nhà đầu tư hiện nay. Phải có chính sách ưu đã cho các nhà đầu tư hướng tới các thị trường công nghệ cao. Vừa qua, Thủ tướng đã đi nhiều nước và luồng vốn đầu tư từ châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản đến Việt Nam cũng ngày càng tăng.

Khi FDI mang đến những công nghệ hiện đại, thu hút nguồn đầu tư chất lượng, tham gia đúng chuỗi giá trị, Việt Nam nên làm gì để làm chủ công nghệ hiện đại?

Vấn đề là chúng ta phải có chính sách chọn lọc. Tôi nghĩ rằng có 2 giải pháp chúng ta phải ưu tiên. Thứ nhất là chọn lọc về mặt công nghệ. Phải có hàng rào kỹ thuật để làm việc này. Thứ hai, kết nối được doanh nghiệp FDI với ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài nào thỏa mãn được 2 tiêu chí này là những doanh nghiệp được ưu tiên. Có như vậy, chúng ta mới mang được về những lợi thế.

Chúng ta cũng phải hết sức thận trọng đối với đầu tư nước ngoài. Đây là nguồn vốn có thể ra đi ngay khi thấy bất lợi. Trung Quốc là một ví dụ. Cho nên, nếu không kết nối được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, thiếu sự bền vững hay không tính toán được việc chuyển giao công nghệ, chúng ta sẽ gặp những khủng hoảng trong tương lai.

Tôi lưu ý thêm, vốn đầu tư ngoại trong đầu tư gián tiếp cũng lớn. Đầu tư gián tiếp là đầu tư mang tính chất "À le de tour", có nghĩa là họ sẽ bán ngay khi thấy được giá. Đấy là vấn đề chúng ta cần kiểm soát. FDI đổ vào Việt Nam vừa là tín hiệu mừng nhưng cũng vừa phải có những giải pháp để đối phó.

Như đã nói, vấn đề là phải có điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp FDI kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta phải chọn lọc ưu tiên cho những doanh nghiệp đó. Có như vậy, giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi hàng hóa đóng góp cho thế giới mới nhiều hơn.

TS. Trần Hoàng Ngân: FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt là do hiệu ứng kép - Ảnh 1.

Ông Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phúc Quỳnh

Việc Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, trong đó tăng trưởng năm 2018 chỉ đạt 6,6%, thấp nhất trong 28 năm qua, có ảnh hưởng gì tới việc các dòng vốn FDI nước này đổ mạnh vào Việt Nam?

Đó chỉ là một phần. Phần lớn là do người ta nhìn vào triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ còn leo thang. Do đó, họ chuyển dịch dòng vốn về Việt Nam và các nước ASEAN trong đó Việt Nam là điểm đến được cho là có nhiều thuận lợi nhất.

Có quan điểm cho rằng Trung Quốc đang nhìn Việt Nam như một tấm lá chắn để né thuế nhập khẩu của Mỹ. Việt Nam nên làm gì để tránh những rủi ro từ việc này khi ông Trump luôn muốn tái cân bằng cán cân thương mại với mọi quốc gia mà Mỹ có thâm hụt?

Khi Mỹ đã áp thuế với Trung Quốc, Washington hoàn toàn có thể áp thuế với các quốc gia khác. Trong khi đó, Việt Nam đang có nhiều tiêu chí nằm trong diện bị Mỹ để ý. Ví dụ như xuất siêu, Việt Nam đang xuất siêu vào Mỹ với 35 tỷ USD trong khi Mỹ quy định những nước xuất siêu trên 20 tỷ USD đã bị đưa vào danh sách xem xét áp thuế để cân bằng cán cân thương mại.

Một lưu ý nữa là tránh chuyện các doanh nghiệp, địa phương, vì lợi nhuận trước mắt, vì ham muốn tăng trưởng những con số của mình mà dành ra những ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nhưng thiếu đi cơ chế chọn lọc. Điều này có thể khiến chúng ta sẽ phải trả giá bằng các vấn đề môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt có thể vì lợi nhuận mà nhập hàng Trung Quốc và chỉ thay đổi mác Made in China bằng Made in Vietnam rồi xuất vào thị trường Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ khiến hàng hóa Việt Nam bị Mỹ trừng phạt và áp thuế cao.

Việt Nam cần chọn lọc như thế nào để đảm bảo "cơn lũ" FDI từ nước láng giềng sẽ không mang đến những công nghệ rác?

Chúng ta phải xây dựng được một hàng rào kỹ thuật. Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ phải đưa ra những tiêu chuẩn đối với công nghệ cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam. Chính phủ cần hết sức lưu ý, cảnh báo các địa phương phải đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Việt Nam phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thiết lập các hàng rào kỹ thuật ở cửa khẩu và gắn liền nhiệm vụ này với trách nhiệm của các chính quyền địa phương.

Nhìn toàn cảnh, việc dòng vốn FDI từ Trung Quốc nói riêng và từ các quốc gia khác nói chung sẽ có tác động ra sao với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019 và vài năm tới?

Đóng góp của FDI trong tổng vốn đầu tư ngày càng tăng lên trong khi đóng góp của khu vực Nhà nước ngày càng giảm. Đáng tiếc là khu vực tư nhân tăng trưởng tương thích với mức giảm của lĩnh vực Nhà nước. Vì lý do đó, đóng góp của FDI ngày càng tăng là dấu hiệu tốt nhưng phải hết sức thận trọng. Vấn đề là Chính phủ phải làm sao tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong khu vực tư nhânvới những thuận lợi như dành cho doanh nghiệp FDI.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên