MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Trần Toàn Thắng: Vì sao với bản chất là một cú sốc y tế, Covid-19 lại trở thành cú sốc kinh tế lớn nhất trong 100 năm?

TS Trần Toàn Thắng khẳng định, không bắt nguồn từ các lý do về cấu trúc của nền kinh tế, nhưng đại dịch Covid-19 lại gây ra cú sốc lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu trong vòng 100 năm trở lại đây.

Với mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác trong khu vực châu Mỹ, Bộ Công thương đã tổ chức "Diễn đàn hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020" vào ngày 25/9/2020 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), TS Trần Toàn Thắng nhận định: "Cho đến nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghe những thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 do những ảnh hưởng quá lớn và khó đoán định của dịch bệnh này".

TS Trần Toàn Thắng: Vì sao với bản chất là một cú sốc y tế, Covid-19 lại trở thành cú sốc kinh tế lớn nhất trong 100 năm? - Ảnh 1.

Ông Trần Toàn Thắng

Từ cú sốc y tế đến cú sốc kinh tế lớn nhất trong 100 năm

Theo ông Trần Toàn Thắng, những ảnh hưởng của Covid-19 bản chất là một cú sốc về y tế, nó không bắt nguồn từ các lý do về cấu trúc của nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế lại trở nên lớn. Các chuyên gia nhận định rằng đây là một trong những cú sốc lớn nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.

Giải thích về điều này, ông Thắng cho rằng chính những biện pháp kiểm soát y tế đã dẫn đến tắc nghẽn trong các giao dịch kinh tế, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.

Kể từ tháng 3/2020, khi Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh, một loạt các biện pháp kiểm soát biên giới, kiểm soát xã hội và kiểm soát hoạt động kinh tế đã được áp dụng. Điều này đã tạo ra một khủng hoảng về nguồn cung, đặc biệt đối với những nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu như Việt Nam.

Như vậy, từ một cú sốc y tế đã dẫn đến tắc nghẽn về nhập khẩu, về nguồn cung và cuối cùng là trong hoạt động sản xuất.

Theo đó, ông Trần Toàn Thắng đã chỉ ra một vấn đề quan trọng hơn, đó là ảnh hưởng của thu nhập. Đại diện NCIF cho biết, tác động này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đó cũng là lý do việc phục hồi nhu cầu nội địa luôn được nhấn mạnh. Ông Thắng nêu rõ, ở thời điểm hiện nay, phục hồi nhu cầu nội địa là một giải pháp không thể không làm.

Gần đây, các quốc gia trên thế giới đã chuyển từ việc áp dụng các biện pháp về chính sách tiền tệ để giải quyết nhu cầu thanh khoản cho doanh nghiệp sang hỗ trợ trực tiếp, sử dụng các biện pháp tài khoá, đặc biệt là hỗ trợ kích cầu.

Covid-19 không còn là câu chuyện về ngắn hạn

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Covid-19 là tác nhân thúc đẩy 4 xu hướng dài hạn dưới đây tăng tốc hơn.

Xu hướng đầu tiên chính là xu hướng về suy giảm kinh tế và suy giảm thương mại.

Chiến tranh thương mại đã tác động một phần đến nền kinh tế. Đến khi Covid-19 xuất hiện, tốc độ suy giảm này đã trở nên nhanh chóng hơn và nền kinh tế được đánh giá sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tương đối lâu dài.

Xu hướng thứ hai đó là chủ nghĩa bảo hộ.

TS. Trần Toàn Thắng cho rằng Covid-19 là một tác nhân khá quan trọng trong việc đẩy xu hướng bảo hộ này tăng lên. Cụ thể, trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh, các biện pháp phòng hộ đã được tăng cường lên rất nhiều, đặc biệt liên quan đến câu chuyện về an ninh y tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng,...

Ngay ở Việt Nam trong giai đoạn đầu, chúng ta đã thấy những quan ngại liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu gạo. Đây là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ có thể gia tăng ở các nước trên thế giới.

Xu hướng thứ ba đó là dịch chuyển các chuỗi giá trị.

"Covid-19 đã làm chúng ta giật mình nhận ra là đang phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung", ông Thắng nói.

Xu hướng đa dạng hóa nguồn cung là xu hướng tất yếu, đã hình thành kể cả trước giai đoạn chiến tranh thương mại cho đến hiện nay.

Ông Thắng cũng chỉ ra những thay đổi điển hình liên quan đến xu hướng này. Đầu tiên đó là chính sách đầu tư của Mỹ khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Các chuỗi giá trị sẽ có xu hướng ngắn dần lại, mang tính khu vực nhiều hơn là toàn cầu hoá".

Đồng thời, một số chuỗi giá trị cụ thể sẽ được đa dạng hóa hơn nữa. Bên cạnh đó, các nước cũng sẽ nhân rộng, nhân nhanh các chuỗi giá trị dựa trên sản phẩm công nghệ.

"Điều đáng tiếc đó là xu hướng này sẽ dẫn đến FDI và ODA toàn cầu có thể giảm xuống đáng kể. Điều này sẽ gây những tác động nhất định tới nền kinh tế Việt Nam".

Xu hướng cuối cùng đó là số hoá.

Trong giai đoạn Covid-19, chúng ta đều nhận thức được số hóa nền kinh tế sẽ trở thành nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cần phải điều chỉnh những chính sách để kịp với tốc độ thay đổi của công nghệ, TS Trần Toàn Thắng kết luận.

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên