MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Vũ Tiến Lộc: Làm ngay những 'đường gom', 'lối mở' để vào 'cao tốc' Việt Nam - EU

“Giống như một con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch”, TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, chiều 20/5.

Tại phiên họp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cùng nhiều đại biểu khác đều nhất trí với tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU.

“Hơn cả CPTPP, đây là Hiệp định Thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất, có tính tương hỗ, bổ sung cao nhất với nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Hiệp định có ý nghĩa quan trọng với đất nước ta, xét trên nhiều góc độ: mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư, cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc phê chuẩn và thực hiện các hiệp định này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta đã đẩy lùi COVID-19 và đang cần có thêm nhiều động lực mới để thực hiện tái khởi động, phục hồi nền kinh tế”, TS. Lộc cho hay.

Theo ông Lộc, tăng cường quan hệ với EU, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận một thị trường rộng lớn với gần 450 triệu dân của những nước giàu có hàng đầu thế giới, giúp chúng ta đẩy mạnh được xuất khẩu; có điều kiện khai thông một dòng chảy vốn đầu tư FDI với chất lượng cao hơn từ EU vào Việt Nam cải thiện vị trí của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; và có thêm động lực cải cách thể chế.

“Giống như một con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -  EU sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tại kỳ họp này, Quốc hội bấm nút phê chuẩn hiệp định, cũng là bấm nút thông xe cho con đường cao tốc quan trọng này”, ông Lộc ví von.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để “đoàn xe doanh nghiệp” và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả trên tuyến đường này.

Để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, ông Lộc cho rằng, phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để vào cao tốc. Đó chính là những Luật, những Nghị định, Thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó. Soạn thảo và ban hành thật nhanh chóng, kịp thời các văn bản hướng dẫn này là việc cấp thiết để Hiệp định có hiệu lực, để con đường cao tốc có xe đi.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng để cao tốc có nhiều xe chúng ta không chỉ cần những “đường gom”, “lối mở” mà cần nâng cấp cả những con đường thể chế khác: con đường “liên tỉnh”, “liên thành”, “nội đô”, “nội thị”, “đường xã”, “đường làng”... để tăng tốc cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta. Con đường thể chế là con đường chính sách và thủ tục cho các hoạt động kinh tế, kinh doanh”, ông Lộc lưu ý.

Bên cạnh đó, theo đại biểu đoàn Thái Bình, muốn vận hành đường cao tốc thì cần bảo đảm có được các biển báo, chỉ dẫn đầy đủ, rõ ràng. Cũng như vậy, chúng ta muốn doanh nghiệp tận dụng Hiệp định thì phải đẩy mạnh và làm thực chất hơn công tác phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, để bảo đảm việc vận hành đường cao tốc thông suốt thì phải tăng cường năng lực các đơn vị duy tu, bảo dưỡng, bảo trì. “Với EVFTA, chúng ta cũng phải làm quyết liệt công tác tổ chức bộ máy, đào tạo tập huấn cho các cán bộ, cơ quan liên quan ở cả trung ương và địa phương, hướng dẫn thực hiện và thường xuyên rà soát, kiểm tra trên thực tế.

Mục tiêu là để bảo đảm cán bộ thừa hành phải biết và hiểu đúng việc cần làm; ngăn chặn được các biểu hiện xin-cho, nhũng nhiễu “hành” doanh nghiệp, tạo ra “ổ gà, ổ voi thủ tục” trong quá trình thực thi Hiệp định “cao tốc” quan trọng này”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cũng lưu ý, đường cao tốc nào cũng phải có những trạm nghỉ, điểm dừng, nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người và xe qua lại. Với đường cao tốc hiện đại như EVFTA, cần thiết kế các chính sách, chương trình, các biện pháp hỗ trợ cần thiết… Đây chính là những “trạm tiếp sức” rất cần thiết cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam.

Điểm cuối cùng ông Lộc khuyến cáo, đường cao tốc EVFTA không phải là con đường miễn phí. Để doanh nghiệp và đất nước tận dụng được những cơ hội từ đường cao tốc EVFTA, chúng ta phải đầu tư.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên