MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Vũ Viết Ngoạn: Dù Việt Nam đã thoát li khỏi nền kinh tế tập trung, bao cấp nhưng tư duy vẫn rơi rớt theo lối cũ rất nặng, tạo ra sự đột phá là rất ngại!

Ông Vũ Viết Ngoạn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đổi mới sáng tạo để giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn.

Phát biểu tại lễ ra mắt ấn phẩm Việt Nam năng động – Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao của World Bank, TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đặt ra 3 câu hỏi. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có cần thiết thay đổi nền tảng phát triển, cụ thể là mô hình tăng trưởng nếu muốn hội nhập với các nền kinh tế chất lượng cao không?

Thứ hai, nếu thay đổi thì thay đổi như thế nào? Và thứ ba, khuyến nghị chính sách là gì?

Ở câu hỏi đầu tiên, ông đưa ra 2 ý. Đầu tiên, xét ở nội tại nền kinh tế, các nhân tố sản xuất theo mô hình cũ đã đi dần đến giới hạn. Cụ thể, tài nguyên cạn kiệt, khả năng đóng góp của lao động giá rẻ không còn nhiều ý nghĩa nữa. Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia bị ản hưởng nghiêm trọng vì biến đổi môi trường.

Bên cạnh đó, ở bên ngoài, các vấn đề địa chính trị chuyển biến nhanh chóng. Động lực tăng trưởng của thế giới sẽ chuyển đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hẹp hơn là Đông Á.

"Khu vực này sẽ có vị trí mới, là nhân tó mới đóng góp cho phát triển toàn cầu", ông nói. Dòng thương mại, đầu tư sẽ có sự dịch chuyển nhanh, mạnh. Và những yếu tố này, xét với một nền kinh tế có độ mở lớn, gần 200% GDP như Việt Nam, ảnh hưởng là không nhỏ, theo ông Ngoạn.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá xuất hiện nhiều lực cản mới, mô hình toàn cầu hoá cũng có thay đổi, Việt Nam buộc phải xem xét cơ cấu sản xuất, xuất khẩu.

Đặc biệt, ông Ngoạn lưu ý đến sự xuất hiện của các công nghệ đột phá, sự phát triển của nền kinh tế số, kinh tế tri thức ở tầm cao mới. Xu thế tương lai, các quốc gia sẽ cạnh tranh dựa trên tri thức tạo ra vừa cơ hội, vừa rủi ro cho Việt Nam. Điều này đã được World Bank chỉ ra trong một báo cáo trước đó về sự doãng cách các quốc gia và doãng cách các tầng lớp trong xã hội vì công nghệ.

"Vì vậy Việt Nam không có con đường nào khác là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, cải cách mạnh mẽ", ông Ngoạn nói. Theo ông từ "điều chỉnh" là quá nhẹ, Việt Nam cần "thay đổi" mô hình tăng trưởng.

Tiếp theo với câu hỏi thứ 2, thay đổi như thế nào, ông Ngoạn nhấn mạnh về việc thay đổi năng suất lao động. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu trước đây, tốc độ tăng năng suất trung bình của Việt Nam phải đạt từ 6,5 – 6,75%/năm đến năm 2030 so với mức bình quân 4,75% giai đoạn 2011 – 2016. Tức tăng 40%.

Tăng trưởng cũng phải dựa vào chất, thay vì lượng, chuyển từ cơ cấu theo chiều rộng thành chiều sâu, ông cho biết.

Về khuyến nghị, ông cho rằng phải tập trung vào 4 lĩnh vực: thúc đẩy doanh nghiệp, nhân lực, hạ tầng, kinh tế xanh; và 3 khung chính sách: thúc đẩy thị trường, thể chế, cơ chế khuyến khích.

"Việt Nam yếu nhất là khâu tổ chức thực hiện", ông nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Vũ Viết Ngoạn đặc biệt lưu ý đến việc phát triển kinh tế dựa trên nền tảng chất lượng, nâng cao vai trò của công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các nước trong khu vực như Nhật, Hàn, Singapore… thành công được là nhờ bắt kịp công nghệ, ông dẫn ra.

"Điều kiện Việt Nam hiện nay chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập trung bình cao cần kết hợp 2 mục tiêu: tích luỹ vốn và tích luỹ tri thức", ông nói.

Ông cũng cho rằng chỉ có đổi mới sáng tạo mới giúp thay đổi suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách.

"Dù Việt Nam đã thoát ly khỏi nền kinh tế tập trung, bao cấp nhưng tư duy vẫn còn rơi rớt, những mô hình cũ vẫn còn. Để cho các nhà hoạch định chính sách thoát xác hẳn phải đề cập đến đổi mới sáng tạo", ông nói.

Là người đã trải qua nhiều vị trí, từ nhà hoạch định lẫn người tư vấn, nghiên cứu chính sách, ông nói "Đến giờ những nhà hoạch định chính sách vẫn bị ảnh hưởng bởi tư duy đó rất nặng, đi theo lối mòn, tạo ra sự đột phá là rất ngai. Ngại va vấp, ngại sợ không đúng, chệch hướng...".

N.Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên