MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TSMC 'sốc văn hóa' vẫn mạnh miệng ở Mỹ: Tự tin Intel chẳng theo kịp, có khách VIP ‘chống lưng’ nên không cần lo chi phí

17-10-2023 - 14:06 PM | Tài chính quốc tế

"Intel thành công vẫn sẽ nằm trong cái bóng của TSMC".

TSMC 'sốc văn hóa' vẫn mạnh miệng ở Mỹ: Tự tin Intel chẳng theo kịp, có khách VIP ‘chống lưng’ nên không cần lo chi phí - Ảnh 1.

Tham gia sự kiện thường niên của TSMC cuối tuần qua, nhà sáng lập Morris Chang cảnh báo công ty chất bán dẫn hàng đầu thế giới có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn. Các đối thủ như Intel đang tận dụng mong muốn của chính phủ thế giới trong việc xây dựng năng lực sản xuất chip.

“Các đối thủ có thể lợi dụng xu hướng địa chính trị này với mong muốn đánh bại chúng ta”, ông Morris Chang nói và nhắc tên Intel.

Được biết, hãng công nghệ Mỹ đang tăng cường tham gia sản xuất chip theo hợp đồng - lĩnh vực TSMC hiện thống trị. Cả hai đều công bố kế hoạch đầu tư lớn để xây dựng các nhà máy tiên tiến tại Mỹ.

Cụ thể, TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị đầu tư vào nhà máy trị giá hàng tỷ USD khác ở Arizona. Một nhà máy bán dẫn tiên tiến ở phía bắc Phoenix sẽ được xây dựng, nằm ngay cạnh nhà máy chip mà công ty đã cam kết hồi năm 2020.

Trong khi đó, phía Intel đang tập trung vận hành nhà máy sản xuất chip điện tử trị giá 20 tỷ USD ở bang Ohio, Mỹ, trên diện tích hơn 400 ha. 3.000 công nhân sẽ làm việc tại nhà máy và sản phẩm chủ yếu là các chip điện tử, phục vụ cho các ngành từ hàng không vũ trụ, máy tính điện tử, ô tô, thiết bị y tế, hay điện thoại di động, tủ lạnh, máy giặt.

“Chúng ta cần phải sản xuất chip tại đây, tại nước Mỹ, để hạ giá thành sản xuất và tạo thêm việc làm. Đó là vấn đề an ninh kinh tế và cũng là an ninh quốc gia”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh. Được biết Mỹ đang nỗ lực đưa ngành sản xuất chip trở lại nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu - những khu vực được cho là đang đầu tư hàng tỷ USD thu hút các doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn.

Trước tình hình này, nhà sáng lập Morris Chang tự tin Intel sẽ không gây ra mối đe dọa đáng kể cho TSMC, trừ khi họ cố gắng cải thiện các khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất như công nghệ, lợi nhuận…

“Intel thành công vẫn sẽ nằm trong cái bóng của TSMC”, ông Chang nói.

Tự tin là vậy, song phía TSMC vẫn lo ngại nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà sản xuất chip khác nhau. Câu chuyện ‘sốc văn hóa’ tại Mỹ là một ví dụ điển hình.

Trước đó, nhà sáng lập Chang từng bình luận với Viện Brookings rằng việc Mỹ thúc đẩy sản xuất chip trong nước sẽ là một hành động ‘lãng phí vô ích’ bởi khu vực này không có nhiều nhân tài sản xuất. Ông cũng lập luận rằng việc sản xuất chip tại Mỹ đắt đỏ hơn nhiều so với ở Đài Loan (Trung Quốc) và vì vậy, kế hoạch có thể sẽ không được triển khai trơn tru.

“Chi phí xây dựng của TSMC ở Mỹ cao hơn nhiều lần so với ở Đài Loan. Chắc phải gấp 5 lần đó”, Vincent Liu, chủ tịch LCY, công ty sản xuất hóa chất tẩy rửa được sử dụng trong sản xuất chip của TSMC, nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thách thức thực sự đối với TSMC còn nằm ở khâu vận hành nhà máy mới. “Nhà máy có thể mang lại lợi nhuận, song không nhiều bằng ở quê nhà”, một giám đốc điều hành TSMC nói.

Được biết, đối thủ Intel nhiều năm qua đã áp dụng quy chuẩn sao chép chính xác, mọi yêu cầu đi chệch khỏi quỹ đạo sẽ cần phải được lãnh đạo thông qua để đảm bảo mọi sản phẩm được nhất quán. Ngược lại, tại TSMC, “công nhân nhà máy có quyền tự chủ hơn trong việc điều chỉnh năng suất”. Đó chính là lý do khiến Intel những năm qua chưa thể vượt qua đối thủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự linh hoạt trên khó có thể được áp dụng với lực lượng lao động Mỹ.

“Bạn có thể trao quyền cho công nhân miễn là họ có đủ tay nghề. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng thực hiện ở Mỹ. Sinh viên tốt nghiệp tại đây thường chọn làm việc cho Apple, Meta hơn là cho một nhà máy”, đại diện TSMC nói.

“Điều khó khăn nhất trong sản xuất wafer không phải công nghệ mà là quản lý nhân sự. Người Mỹ không giỏi làm điều này”, Wayne Chiu, một kỹ sư đã rời TSMC vào năm 2022, nói.

TSMC nhận thức sâu sắc những khác biệt sâu xa này. Ngoài cải thiện kỹ thuật, công ty tăng cường đào tạo nhân viên nước ngoài thông qua các lớp học nội bộ. Trong 12 tháng qua, khoảng 6.000 nhân viên TSMC đã tham gia các khóa đào tạo đa văn hóa này để hòa nhập dễ dàng.

Bất chấp những trở ngại trên về văn hóa, có một số lý do khiến TSMC không chỉ xây 1 mà đến 2 nhà máy ở Arizona, theo Business Insider.

Thứ nhất, chi phí sản xuất chip ở Mỹ có thể không đắt đến mức khó chấp nhận. Theo ông Dylan Patel, nhà phân tích của công ty tư vấn và nghiên cứu chất bán dẫn SemiAnalysis, chi phí sản xuất chip tại Mỹ có thể sẽ chỉ đắt hơn từ 15 đến 20%. Mỹ sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ, do đó mức chênh lệch chi phí sẽ không thực sự quá lớn.

Hơn nữa, kể cả khi chi phí sản xuất tại Mỹ đắt hơn, ông Patel cho biết khách hàng của TSMC, trong đó có Apple, vẫn sẽ ‘vui vẻ chấp nhận trả thêm chi phí’ để đảm bảo nguồn cung.

“TSMC nhận thấy lợi ích khi có sự đa dạng về địa lý trong các hoạt động của mình”, ông Martijn Rasser, cựu sĩ quan CIA, nhận định.

“Arizona là thử nghiệm đầu tiên trong quá trình phát triển siêu nhà máy tại nước ngoài của chúng tôi. Tất nhiên, đó là cả một quá trình học tập”, Chủ tịch TSMC Mark Liu nói và cho biết dự án này có thể quyết định xem liệu TSMC có thể chuyển mình thành một công ty đa quốc gia thực sự hay không.

Theo: BI, FT

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên