MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS.Trần Du Lịch: Mong thị trường chứng khoán sẽ “bùng”, nhưng không “nổ”

"Hôm nay chủ đề của chúng ta là thị trường chứng khoán bùng nổ nhưng tôi thích bùng nhưng đừng nổ, đừng để xảy ra bong bóng như đã từng, tăng trưởng một cách bền vững", ông Trần Du Lịch chia sẻ tại tọa đàm.

Tọa đàm về thị trường chứng khoán với chủ đề: "Chọn chiến lược đầu tư tối ưu thời chứng khoán bùng nổ" vào thứ 7, ngày 13/05/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế thuộc quần thể FLC Quy Nhơn, Bình Định được tổ chức nhằm tìm kiếm góc nhìn đa chiều và toàn diện hơn về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Tọa đàm dự kiến có sự tham dự của các chuyên gia tài chính chứng khoán – bất động sản – kinh tế đầu ngành:

- Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

- Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIII

- Ông Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế

- Ông Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng

- Ông Huy Nam – chuyên gia chứng khoán

- Ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế

- Ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC

- Ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính

Ông Lâm Minh Chánh là chuyên gia điều phối tọa đàm ngày hôm nay.

---

Mở đầu tọa đàm, ông Lâm Minh Chánh cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng trong khu vực khi chỉ số VN-Index trở lại mốc trên 700 điểm lần đầu tiên sau 9 năm, thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch đạt gần 4.500 tỷ đồng/phiên, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Ông Lâm Minh Chánh điều phối Tọa đàm. Ảnh: Chu Văn Hoàn

Ông Lâm Minh Chánh điều phối Tọa đàm. Ảnh: Chu Văn Hoàn

Sức hút của thị trường đến từ triển vọng lạc quan về nền kinh tế vĩ mô ổn định, cũng như kỳ vọng lạc quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lộ trình cổ phần hóa và “làn sóng” các cổ phiếu mới niêm yết khiến chất lượng cổ phiếu trên sàn chứng khoán ngày một hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong nước và cả hàng tỷ USD dòng vốn từ nước ngoài.

Trong bối cảnh này, ông Lâm Minh Chánh đặt câu hỏi, điều gì giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh những tháng đầu năm?

Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD): Chỉ số VN-Index tăng trưởng khoảng 10% trong quý I. Sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, giai đoạn 2015-2016 các cơ chế chính sách tháo lỏng thị trường được hoàn thiện và dần có hiệu lưc.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Tuy quý I GDP chỉ đạt 5,1%, nhưng tăng trưởng sẽ trải đều trong những quý còn lại.

Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Ảnh: Chu Văn Hoàn

Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Ảnh: Chu Văn Hoàn

Thứ ba, tác động của những cam kết của Chính phủ trong xây dựng chính phủ kiến tạo. Qua đó, vai trò đóng góp của khu vực dân doanh đã có khối lượng lớn trong tăng trưởng GDP. Đây là nền tảng để Việt Nam có những phát triển khác.

Hơn nữa, động lực đến từ các chính sách khác như nới lỏng sở hữu nước ngoài, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty vốn nhà nước, và đưa các doanh nghiệp nhà nước lên sàn, như Petrolimex và các doanh nghiệp tư nhân khác chào bán cổ phần ra công chúng như VietJet Air…

Còn một số vấn đề tồn tại như thị trường quốc tế có những yếu tố bất ổn, các sự kiện quốc tế như ông Donald Trump thắng cử, Down Jones lên 21 nghìn điểm. Nếu so với trước đây, chúng ta đang thấy có một sự thay đổi rất mạnh.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển đúng tầm"

Ông Lâm Minh Chánh: Thị trường chứng khoán Việt Nam với chỉ số Vn-Index tăng trưởng trong các tháng vừa qua. Chúng ta xem tăng trưởng theo xu hướng nào?

Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIII: Đầu tiên giá chứng khoán và thị trường phụ thuộc nhiều vào niềm tin. Tân tổng thống Pháp chưa đắc cử, thị trường chứng khoán thế giới đã có sự thay đổi. Moody’s mới đây đã nâng triển vọng xếp hạng của Việt Nam lên mức tích cực.

Thứ hai, chắc chắn năm nay kinh tế tăng trưởng không đạt 6,7% nhưng những dấu hiệu tái cơ cấu kinh tế đã khá hơn nhiều, chưa bao giờ nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay. Những chỉ báo như vậy tạo niềm tin thị trường.

 Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIII. (Ảnh: Chu Văn Hoàn)

 Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIII. (Ảnh: Chu Văn Hoàn)

Thị trường vốn của chúng ta đang quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, 85% vốn của nền kinh tế là từ nguồn này, đáng lý thị trường chứng khoán phải là nơi huy động vốn chính, là nơi giúp các doanh nghiệp tăng vốn.

Hiện nay Chính phủ đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tôi cho rằng chúng ta nên phát triển bằng “hai chân”, nghĩa là phần lớn vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thị trường chứng khoán còn vốn từ ngân hàng thương mại chỉ nên là nguồn ngắn hạn.

Tôi tin rằng với sự phát triển “hai chân”, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển đúng tầm.

Hãy đầu tư giá trị, đừng lướt sóng

Ông Lâm Minh Chánh: Đó là mốc son của chúng ta, chúng ta đã chấp nhận và đẩy mạnh kinh tế tư nhân. Nói về niềm tin, chúng ta có những yếu tố tích cực. Chứng khoán năm 2016 đã có những điểm tích cực, nhưng năm 2017 sẽ có nhiều tích cực hơn. Tôi có câu hỏi dành cho ông Huy Nam, ông đánh giá các thị trường chứng khoán của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Ông Huy Nam – chuyên gia chứng khoán: Nói về tiềm năng, thị trường chứng khoán là một thị trường rất tiềm năng vì những lý do sau đây:

Đây là một thị trường đầu tư đại chúng, chưa có một thị trường nào như vậy.

Đối với Việt Nam, đây là một thị trường rất trẻ, quá trình đổi mới của Việt Nam là rất cao. Các doanh nghiệp trẻ đang phát triển rất tốt. Nhiều doanh nghiệp già cũng trẻ lại như các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Đây là một trong các yếu tố khiến thị trường phát triển tốt.

Ông Huy Nam - chuyên gia chứng khoán. Ảnh: Chu Văn Hoàn

Với các nhà đầu tư, tôi muốn chia sẻ như thế này: Chúng ta đừng lướt sóng chứng khoán mà hãy đầu tư.

Bỏ tiền ra mua tài sản, chúng ta sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng thời tránh rủi ro cho chính chúng ta. Trong số các thị trường đầu tư, thị trường tài sản rất hạn chế.

Trong một lần đi làm việc với một tổ chuyên gia đến từ Đức, Anh và Mỹ, tôi có hỏi: Ở bên các anh, nếu có tiền các anh sẽ làm gì? Họ đều trả lời rằng họ sẽ đầu tư vào 2 thị trường gồm thị trường chứng khoán và bất động sản.

Họ đầu tư rất rõ ràng, không đầu tư theo kiểu lướt sóng.

Từ nay tới cuối năm thị trường chứng khoán sẽ có nhiều “hàng hoá” hơn

Ông Lâm Minh Chánh: Thị trường chứng khoán có khả quan như những năm đầu hay không, đâu là những chính sách tạo động lực trong thời gian tới?

Ông Lê Đăng Doanh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói rõ sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, kể cả các doanh nghiệp có lãi nhất hiện nay như Sabeco, Vietnam Airlines, Petrolimex. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp trong xây dựng, giao thông, đó là những tín hiệu cho thấy, từ nay tới cuối năm thị trường chứng khoán sẽ có nhiều “hàng hoá” hơn, tốc độ trung chuyển vốn sẽ mạnh hơn.

SCIC đang quản lý hơn 300 doanh nghiệp sẽ tiếp tục thoái vốn, tức Nhà Nước sẽ huy động được nguồn vốn trong dân để đầu tư vào các công trình, các NĐTNN sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Hôm qua tôi vừa tham gia một cuộc hội thảo cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Trong đó, chúng tôi có cải chính thông tin 86% lao động ngành may Việt Nam sẽ mất việc trong thời gian tới và các nhà đầu tư sẽ rút vốn.

TS. Lê Đăng Doanh (Ảnh: Chu Văn Hoàn)

Chúng tôi cho rằng làm sao các nhà đầu tư có thể quay về Mỹ để mở một nhà máy mới. Chúng ta biết người máy chỉ làm được một số khâu với các trang phục giản đơn, các trang phục phức tạp hơn vẫn cần con người. Dự báo 86% nhân lực ngành may sẽ mất việc thì chúng tôi không xác nhận.

Người máy có thể tăng năng suất 800% thì điều này sẽ tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong tương lai không chỉ ngành may mà còn ngành du lịch. Sẽ có khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác đến Việt Nam. Ông Sơn có thể nói thêm cuối năm nay thị trường chứng khoán sẽ có thêm 2 sản phẩm mới là chứng khoán phái sinh và trái phiếu Chính phủ.

Ông Nguyễn Sơn: Sắp tới cơ quan quản lý sẽ đưa vào vận hành một số chính sách mới. Cụ thể, trong tháng Sáu hoặc Bảy, chúng ta sẽ đưa vào vận hành thị trường chứng khoán bậc cao hơn, đó là thị trường chứng khoán phái sinh. Thị trường này rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao.

Trong số các sản phẩm phái sinh phức tạp để phòng ngừa rủi ro, trong giai đoạn đầu Việt Nam sẽ đưa vào vận hành hợp đồng tương lai chỉ số (index futures) và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Sau 1-2 năm đầu, chúng ta sẽ đưa vào hợp đồng quyền chọn.

Năm 2008, anh Chánh có khuyến nghị đưa vào sản phẩm hợp đồng tương lai của chỉ số VN Index, khi đó chúng tôi có nói tạm hoãn. Sau mấy năm chúng ta đã đưa vào hoạt động sản phẩm đó. Đây là công cụ các nhà đầu tư nước ngoài rất ưa thích.

Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Ông Lâm Minh Chánh: Triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ như thế nào, vốn nước ngoài sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Sơn: Chúng ta đang làm việc với 1 trong 3 hãng xem nâng hạng thị trường, đó là MSCI.

Việc chúng ta nâng hạng thị trường thì không phải họ cấp giấy phép gì cả, họ có các tiêu chí và chúng ta cố gắng khi áp vào các tiêu chí này có thể đáp ứng được. Trên thực tế có nhiều nước đã tiến hành nâng hạng nhưng sau đó không đủ điều kiện lại xuống hạng.

Chúng ta chọn MSCI, hiện họ có khoảng 3, 4 tiêu chí cơ bản, trong đó một số tiêu chí như quy mô thị trường, số doanh nghiệp tỷ USD, thanh khoản thị trường về cơ bản chúng ta có thể đáp ứng.

Về vấn đề minh bạch, chúng ta vẫn còn phải xử lý một số thông tin, đặc biệt là các thông tin công bố bằng tiếng anh cho các NĐTNN. Chúng ta đã từng bước tháo gỡ, hướng một số doanh nghiệp đặc biệt là nhóm VN30 công bố thông tin tốt hơn, đặc biệt là bằng tiếng Anh, giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận.

Thứ ba là Chính phủ đã ban hành nghị định quản trị công ty giúp cổ đông và hội đồng quản trị hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ tư là độ mở của thị trường. Các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề không hạn chế thì giao quyền cho ĐHĐCĐ quyết định mở tỷ lệ bao nhiêu.

Năm 2017, điều lệ của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, đã có nghị quyết giao quyền cho hội đồng quản trị. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến điều này.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các dòng vốn FII từ nước ngoài vào vẫn tốt nhưng đầu ra còn những trở ngại nhất định. Tôi không có ý chúng ta yếu kém về dòng vốn nhưng vẫn có những rào cản. Các thủ tục đã mở hết. Nhưng thủ tục khi mở tài khoản với nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần phải về xin lãnh sự.

Khi chúng ta tác động vào thị trường cận biên như hiện nay, thế giới chỉ cho phép tiếp cận ở mức độ nhất định.

Ông Lâm Minh Chánh: Điều gì khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nước ngoài?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Giống như các chuyên gia khác, tôi cũng lạc quan về thị trường chứng khoán, nhưng lạc quan trong thận trọng. Trong năm 2016, chỉ số VN Index tăng mạnh, và trong quý I năm nay chỉ số này đã tăng 10%. Tôi thấy chỉ số này tăng nhanh quá.

Cứ theo đà này, tôi nghĩ trong năm nay VN Index hoàn toàn có thể đạt 740 điểm hoặc hơn nữa.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Chu Văn Hoàn

Vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2016 là 72 tỷ USD. Theo tôi, vốn hóa của thị trường chứng khoán hiện nay là 100 tỷ USD.

Khi so sánh thị trường ngân hàng và thị trường chứng khoán có thể thấy sự lệch pha rất lớn giữa hai thị trường này. Vốn hóa của thị trường vốn khoảng 100 tỷ trong khi dư nợ của thị trường ngân hàng là 300 tỷ USD. Đây là rủi ro đó rất lớn.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có 2 điều quan trọng là mở room cho họ và tăng tính minh bạch hơn.

Hơn 500 nhà đầu tư tham dự tọa đàm. Ảnh: Chu Văn Hoàn

"Cơ hội đầu tư chứng khoán của năm 2017 đang hiện hữu"

Ông Lâm Minh Chánh: Năm 2016 và đầu năm 2017 chứng kiến những làn sóng mới của hàng loạt cổ phiếu mới. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng sẽ cổ phần hóa và niêm yết trong năm nay, liệu điều này có khiến thị trường chứng khoán “bùng nổ” trong 2017-2018?

Ông Đinh Thế Hiển – chuyên gia chứng khoán: Các thị trường khác trong khu vực như Malaysia đã phục hồi sau khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Chỉ số VN Index của Việt Nam đã từng đạt mốc 1000 điểm, nhưng hiện nay mới chỉ ở trên 700 điểm. Tôi cho rằng đây không phải là điều gì ghê gớm lắm.

Ông Đinh Thế Hiển. Ảnh: Chu Văn Hoàn

Năm 2014-2015, quỹ mở của tôi không tăng trưởng nhiều, nhưng từ năm 2016, chúng tôi đổi sang đầu tư vào các công ty lớn, nên lợi nhuận có khả quan hơn.

Ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế: Dự báo 2017-2018 sẽ có là sóng mạnh các cổ phiếu mới lên sàn nhiều. Việc dự báo tương lai rất khó. Chúng ta biết trong năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong 5 thị trường Đông Nam Á mạnh nhất. Vượt ngưỡng 600-650 điểm, chúng ta đã đạt 725,5 điểm. Nhân tố gì quyết định triển vọng của thị trường? Theo tôi có cả yếu tố bên trong và bên ngoài.

Diễn biến trong nước thị trường tiếp tục ổn định, TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế.

Môi trường đầu tư của chúng ta tiếp tục được cải thiện, chính sách thoái vốn của nhà nước. Chúng ta thấy là cơ hội đầu tư của năm 2017 đang hiện hữu. Có những loại chứng khoán mới lên sàn. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều khả quan.

Về nước ngoài đang có sự tăng trưởng tác động đến thị trường Việt Nam. Vừa qua dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan đang chảy vào Việt Nam theo đường trực tiếp, thì đây chính là tín hiệu tốt.

Ngành ngân hàng đang có sự tái cấu trúc mạnh mẽ.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán, dựa trên 4 trụ cột, trong đó có cơ sở hàng hóa, cơ sơ kinh doanh chứng khoán và nhà đầu tư.

Trong hoạt động thị trường có nhiều rủi ro lớn, chúng ta sử dụng thị trường phái sinh để phòng ngừa các rủi ro đó. Đối với chúng ta phái sinh là hoàn toàn mới, nhưng còn đối với thế giới nó đã rất phát triển.

Công cụ của phái sinh là các loại hợp đồng, trước mắt chỉ áp dụng hợp đồng tương lai. Tôi hi vọng triển vọng của thị trường chứng khoán năm 2017-2018 sẽ sáng sủa hơn.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của kinh tế. Trong quý I, tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm nhất trong vài năm trở lại đây, trong khi tín dụng tăng trưởng tốt. Vậy ở đây có sự lệch pha.

Giống như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán có hai thị trường là sơ cấp và thứ cấp. Theo tôi thị trường thứ cấp đẩy thị trường chứng khoán lên và thị trường thứ cấp mới tác động đến GDP.

Mong TTCK "bùng" nhưng không "nổ"

Ông Lâm Minh Chánh: Có nhiều tín hiệu tích cực về thị trường bất động sản trong thời gian qua, vậy xin hỏi ông Trần Du Lịch, điều này có liên quan gì đến thị trường chứng khoán?

Ông Trần Du Lịch: Tôi xem BĐS và thị trường tài chính tuy 2 mà 1. Hồi cuối năm 2006, tôi có cảnh báo thị trường chứng khoán đang bong bóng. Thời điểm đó, các chị các bà không ngồi bếp nữa mà lên sàn, sau đó đến năm 2007, chúng ta chứng kiến bong bóng bất động sản. Đây là một bài học của nhà điều hành.

Hôm nay chủ đề của chúng ta là thị trường chứng khoán bùng nổ nhưng tôi thích bùng nhưng đừng nổ, đừng để xảy ra bong bóng như đã từng, tăng trưởng một cách bền vững, trước đây TTCK phát triển một cách hoang dã, giờ đây đã có những chính sách, quy định quy củ hơn. Có những quỹ đầu tư tốt, người không biết nhiều về đầu tư thì “ném” tiền vào đây để họ đầu tư giúp.

Tôi đề nghị phải có sự phát triển, và các quỹ sẽ làm mất đi yếu tố bầy đàn. Xu hướng thị trường bằng chính sách và đây là xu hướng bền vững. Bất động sản mà không có vốn thì không làm được. Trước đây tôi từng kinh doanh bất động sản. Có 2 bí quyết: Một là chọn địa điểm đúng, 2 là kiểm soát dòng tiền.

Ngoài ra là thị trường tài chính. Tôi mong là nó “bùng” nhưng không “nổ”.

Thảo luận cùng nhà đầu tư

Ông Tống Minh Tuấn – Giám đốc Chi nhánh TP. HCM của Công ty Chứng khoán VCBS: Tôi xin chia sẻ thêm quan điểm từ một người làm chứng khoán trực tiếp. Chúng ta thấy là năm 2017 thị trường đã có sự thay đổi. Năm nay quan trọng nhất là chúng ta có hàng hóa tốt được giới thiệu. Và người mua là cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Vốn ngoại Việt Nam được cho là nhờ có lãi suất ổn định. Như chúng ta biết, lãi suất cao là “kẻ thù” của chứng khoán.

Anh Nguyễn Sơn từng nói rằng hành lang cần chắc chắn cho các nhà đầu tư. Vĩ mô ổn định thì thị trường sẽ tự tăng trưởng. Nhà nước hỗ trợ như hiện nay đã rất tốt rồi.

Năm ngoái, thị trường tăng trưởng tốt. Năm nay, các quỹ ngoại rất hồ hởi và đã có những chương trình hành động. Do đó, tôi nghĩ từ nay đến cuối năm thị trường sẽ sôi động hơn.

Một trong những điểm thu hút họ là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Quan ngại lớn của họ là sự minh bạch của quá trình này.

Trong số các loại bất ổn, bất ổn về thay đổi chính sách ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là niềm tin về kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Phi Sơn – Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán SHS: Tôi làm chứng khoán 12 năm, tôi thấy chu kỳ 10 năm của thị trường đang trở lại từ năm 2016, khi có những trở ngại về thông tin bất ổn của hệ thống ngân hàng.

Từ năm ngoái đã có những bất ổn như vậy, nhưng thị trường vẫn đang rất “khoẻ” và có những bước đi trưởng thành hơn rất nhiều, những chính sách của Chính phủ cũng thúc đẩy thị trường rất tốt.

Về việc đầu tư, có một số tiêu chí cơ bản mà nhà đầu tư quan tâm. Thứ nhất là tính minh bạch, minh bạch trong thông tin công bố, trong BCTC của doanh nghiệp.

Thứ hai là doanh nghiệp nằm trong các ngành xương sống giúp phát triển vĩ mô bao gồm chứng khoán, xây dựng, vật liệu bất động sản và ngân hàng.

Một điều cốt yếu tôi thấy ở đây đó là các ông chủ doanh nghiệp đã có sự quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, nguyện vọng cổ đông. Tôi thấy FLC đang làm rất tốt việc đấy, tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam làm tốt hơn việc này.

Ông Ngô Văn Hải – CT HĐQT Công ty FPT Capital: Chúng ta biết quý I vừa qua thị trường chứng khoán của chúng ta đã rất tốt. Lúc đầu các nhà đầu tư rất e ngại, thì đã có hàng nghìn các giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Không dễ gì để họ bỏ nhiều tiền hơn vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê của chúng tôi, vốn hóa thị trường của chúng ta vẫn còn nhỏ khi so với Philippines, Singapore.

Các cải cách của chính phủ đã tháo gỡ cho việc mua bán nợ dễ hơn. Chứng khoán là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận đầu tư lớn hơn vậy tại sao chúng ta không đầu tư chứng khoán.

Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới các chuyên gia tại đây có thể tư vấn về chính sách vĩ mô, để làm sao vốn vào thị trường chứng khoán sẽ tương xứng với tiềm năng.

Ông Dương Văn Chung - Giám đốc đầu tư, Công ty Chứng khoán MBS: Theo nghiên cứu của tôi, GDP năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 6,35%, lạm phát ở mức 5% và tăng trưởng tín dụng ngân hàng 18%. Chu kỳ kinh tế Việt Nam đã tạo đáy vào năm 2012, và tôi dự báo chu kỳ tăng trưởng sẽ kéo dài trong 4 năm tới.

Do đó, tôi cho rằng đầu tư vào chứng khoán sẽ là “thiên đường” trong vài năm tới. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời sẽ không cao như những năm trước, chỉ ở mức 30%-40%, chứ không tăng bằng lần trong những năm trước.

Thị trường chứng khoán cũng sẽ có sự phân hóa về mức sinh lời. Tỷ suất cao này sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cơ hội không dành nhiều cho các nhà đầu tư lướt sóng, vốn có thể lỗ như thường. Do đó, tôi cho rằng tỷ suất sinh lời sẽ bền vững.

Về các cơ hội đầu tư cụ thể, ngay tiêu đề ở đây đã gợi ý cơ hội đầu tư trong năm nay đó là thị trường chứng khoán. Trong thời gian qua, dòng tiền đã đổ vào nhóm sắt thép, dầu khí, ngân hàng.

Với việc chứng khoán phái sinh được đưa vào cùng với việc nâng hạng thị trường trong thời gian tới, tôi cho rằng cơ hội đầu tư sẽ rất nhiều.

Theo quan sát của cá nhân tôi, khoảng hơn 1 năm nữa sẽ tới thời kỳ cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên tìm tòi các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu thành công, đang từ bờ vực phá sản có cơ hội phát triển trở lại sẽ mang lại lợi nhuận tốt.

Ông Lâm Minh Chánh: Ông Trịnh Văn Quyết đánh giá như nào về triển vọng ngành bất động sản và cơ hội đầu tư?

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, FLC Faros (Ảnh: Chu Văn Hoàn)

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, FLC Faros: Về câu hỏi của anh Chánh, tôi cũng đã nói nhiều về cơ hội đầu tư bất động sản, cả trên các phương tiện truyền thông và cả trang Facebook cá nhân.

Nhưng cho dù bất động sản tiềm năng nhưng năm nay tôi vẫn xếp bất động sản sau chứng khoán. Ngay từ đầu năm tôi đã khuyến nghị với nhà đầu tư, bạn bè. Ưu tiên số 1 là chứng khoán, ưu tiên số 2 là bất động sản.

Còn về bất động sản, không phải vì tôi làm bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nên tôi ưu tiên hay do FLC đã bán hết hàng mà tôi nói như vậy mà bất động sản nghỉ dưỡng có mức độ an toàn hơn. Tôi đánh giá năm 2017 - 2018, tiềm năng sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng lớn hơn nhiều bất động sản thương mại.

Bất động sản nghỉ dưỡng có thể bán trao tay, nhà đầu tư thích thì có thể cho chủ đầu tư thuê khai thác để hưởng lợi nhuận cố định.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi được biết, hiện tổng tài sản của FLC khoảng 3,8 tỷ USD, vốn tự có khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng rất thấp, khoảng 4.000 tỷ, có nghĩa là FLC sử dụng vốn vay rất thấp.

Điều này khá đặc biệt khi phần lớn các doanh nghiệp bất động sản thường sử dụng vốn vay ngân hàng rất lớn trong các dự án của mình. Trong khi đó, FLC lại có lợi nhuận tốt.

P/E của FLC hiện tại khoảng 4,71, theo cách nhìn của tôi, P/E của FLC cần phải 10,1. Theo đó, tôi cho rằng, thị giá hiện tại của FLC chỉ bằng một nửa giá trị thật.

Đại diện Công ty chứng khoán Maritime: Vừa qua cổ phiếu ROS tăng rất ấn tượng, vì sao lại ROS lại tăng mạnh vậy, trong thời gian tới, ROS có phá đỉnh cao mới hay không?

Ông Trịnh Văn Quyết: Trước tiên, tôi xin trả lời cầu hỏi vì sao cổ phiếu FLC dưới giá trị thực như vậy? Cũng như TS.Trần Du Lịch hay TS.Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đúng là giá trị sổ sách của FLC hiện đang trên 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng giá thị trường lại dưới mệnh giá. Trong khi cổ phiếu ROS có thị giá quanh 160 nghìn đồng/cổ phiếu, tức gấp khoảng 16 lần mệnh giá.

Vấn đề này tôi cũng đã giải thích tương đối tại hội thảo FLC tại Sầm Sơn cách đây ít lâu. Cổ phiếu FLC là cổ phiếu của thị trường, nó biến động theo theo xu thế VN-Index. Nhà đầu tư gần như không quan tâm nhiều về hoạt động kinh doanh của FLC ra sao, dù lợi nhuận của FLC tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tôi tin nếu lợi nhuận của FLC có tăng gấp đôi thì cũng khó kỳ vọng tăng giá mạnh cổ phiếu. Lý do là cổ phiếu FLC được định vị là cổ phiếu thuộc nhóm đầu cơ nên bất cần biết doanh nghiệp làm ăn ra sao, nhà đầu tư giao dịch theo xu hướng thị trường. Đó là điều còn chưa hợp lý, nhất là khi nhìn vào giá trị nội tại của doanh nghiệp chúng ta thấy có sự vênh nhau rất lớn.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC, FLC Faros (Ảnh: Chu Văn Hoàn)

Cứ thị trường đi lên thì nhà đầu tư mua ào ào và khi đi xuống thì mọi người bán bằng mọi cách. Cổ phiếu FLC có một cái hay là bán bao nhiêu cũng được, không bao giờ mất thanh khoản và mua bao nhiêu cũng được.

Thực tế hiện nay cổ đông lớn chỉ có tôi và 1-2 quỹ của nước ngoài nắm trên 30%. Ngoài ra có các đối tác nhưng chỉ lướt sóng. Nên tỷ lệ cổ phần bên ngoài tương đối lớn, vào khoảng trên 60% cho các cổ đông nhỏ.

Để đưa cổ phiếu về giá trị thật, tôi sẽ mời một số đối tác là các nhà đầu tư tổ chức sở hữu cổ phiếu này trên 60%. Khi đó tôi sẽ không rõ giá cổ phiếu FLC sẽ về mức 15 hay 30 đồng, vì khi đó quan hệ cung cầu đã thay đổi.

Giống như cổ phiếu ROS, lúc lên sàn là hơn 10.000 đồng, nhưng nay thị giá lên cao và vốn hóa lên trên 2 tỷ USD và giá cổ phiếu lên gấp 16 lần. Cổ phiếu ROS do tôi làm chủ tịch và nắm trên 70%, quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ vài phần trăm nữa. Nên tôi nghĩ cổ phiếu này lên trên mức giá hiện tại là việc bình thường.

Rất tiếc là hôm nay ở đây chỉ có ông Nguyễn Sơn (Chủ tịch VSD) là nhà quản lý đương chức ở Uỷ Ban Chứng khoán, nếu có thể, tôi cũng xin đề xuất rằng để thị trường cổ phiếu lấy lại những gì cổ phiếu đã mất năm 2007, khi VN-Index lên khoảng hơn 1.000 điểm, tôi cho rằng chức năng của UBCKNN rất quan trọng. Cần phổ cận để mỗi người dân hiểu về thị trường chứng khoán, chỉ cần tỷ lệ mấy % của 100 triệu dân đầu tư vào thị trường thì điểm số, vốn hoá của thị trường sẽ không ở mức 400 ngàn tỷ đồng.

Nhiều hôm riêng giao dịch FLC đã chiếm 1/3 thị trường. Do đó tôi muốn thị trường có những phiên 10.000 tỷ. Tôi muốn nhà đầu tư không gửi tiền ở ngân hàng thì hãy mang ra đầu tư.

Tôi mong có những cách nào để đào tạo, quảng bá cho nhà đầu tư, để họ biết đây là kênh hữu hiệu và tất nhiên họ phải biết có lỗ có lãi. Tôi biết có nhiều nhà đầu tư am hiểu về chứng khoán nhưng họ đang thờ ơ, coi chứng khoán là đánh bạc, đó là quan điểm chưa đúng về bản chất về thị trường,

Tôi là người học về luật và trưởng thành từ luật sư, nhưng rất yêu chứng khoán. Tôi đã từng viết sách về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ góc nhìn pháp lý, và có ý định tái bản trong năm nay. Tôi viết về kinh nghiệm và cảm quan của mình về thể chế và chính sách.

Trong 10 năm qua tôi đã thành công trên thị trường chứng khoán, thể hiện bằng cách huy động vốn trên thị trường này.

Thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, chứ không trông chờ vào các nguồn vốn khác, như vốn ngân hàng thương mại. Trong 10 năm qua, Tập đoàn FLC không dựa vào vốn thương mại, mà chủ trương huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Năm 2011-2012, nhiều doanh nghiệp vay vốn chịu lãi suất trên 30%, buôn gì cũng không lại được.

Giống như các chuyên gia khác, tôi nhấn mạnh là thị trường chứng khoán cần đóng vai trò là trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.

Ban tổ chức tặng hoa cám ơn các diễn giả đã tham dự buổi tọa đàm  (Ảnh: Chu Văn Hoàn)

Ban tổ chức tặng hoa cám ơn các diễn giả đã tham dự buổi tọa đàm  (Ảnh: Chu Văn Hoàn)

Theo PV

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên