MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TT Putin ký sắc lệnh đáp trả quốc gia 'không thân thiện': Nước sắp đưa 5.000 quân tới sát Nga nhận tin xấu

22-12-2023 - 20:20 PM | Tài chính quốc tế

Sắc lệnh mới được công bố ngày 20/12, nhằm đáp trả các quốc gia mà Moscow tuyên bố là có thái độ "không thân thiện" sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Sắc lệnh đáp trả các quốc gia 'không thân thiện'

Tờ Politico đưa tin, Nga đã quyết định tịch thu tài sản năng lượng từ các nước châu Âu "không thân thiện".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký các sắc lệnh trao quyền cho chính phủ Nga tịch thu và cưỡng bán tài sản trị giá hàng tỷ USD của các công ty năng lượng châu Âu cho những chủ sở hữu mới được nhà nước chấp thuận.

Trong sắc lệnh được công bố ngày 20/12, Điện Kremlin chỉ thị thành lập các công ty mới do Nga điều hành để tiếp quản cổ phần tại mỏ dầu khí khổng lồ Yuzhno-Russkoye - hiện thuộc sở hữu của tập đoàn OMV (Áo) và Wintershall (Đức).

Hai "gã khổng lồ năng lượng" châu Âu đến từ các quốc gia mà Moscow tuyên bố là có thái độ "không thân thiện" sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

TT Putin ký sắc lệnh đáp trả quốc gia 'không thân thiện': Nước sắp đưa 5.000 quân tới sát Nga nhận tin xấu - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh cho phép tịch thu tài sản năng lượng từ các nước châu Âu "không thân thiện". Ảnh: TASS

Đặc biệt, động thái của Nga diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức công bố thông tin về "thỏa thuận lịch sử" với Lithuania, trong đó cho phép Đức triển khai thường trực 4.800 binh sĩ cùng 200 nhân viên hỗ trợ tới quốc gia Baltic, "chỉ cách biên giới Nga khoảng 100km và nằm ngay trong vùng hỏa lực nếu Nga phát động cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ NATO".

Lữ đoàn của Đức sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu vào năm 2027, đặt trụ sở tại hai địa điểm - Rukla gần thành phố lớn thứ hai Kaunas của Lithuania và Rūdninkai gần thủ đô Vilnius.

Những căn cứ này rất gần "Hành lang Suwalki" - Dải đất liền duy nhất kết nối ba nước Baltic, gồm Latvia, Lithuania, Estonia với phần còn lại của NATO. Dải đất này cũng nối liền vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga với Belarus – đồng minh thân cận của Moscow.

Trên thị trường năng lượng, Đức cũng đã quyết định đưa Na Uy trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của nước này, thay thế vai trò "thống trị" của Nga trước đây.

Kể từ khi nguồn cung bị gián đoạn do cuộc chiến ở Ukraine thì nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã thay thế khối lượng khí đốt khổng lồ của Nga thông qua các thỏa thuận với Na Uy.

Đến ngày 19/12 vừa qua, công ty năng lượng quốc doanh Đức Sefe và Equinor của Na Uy (EQNR.OL) đã công bố thỏa thuận khí đốt trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) để cung cấp 1/3 lượng khí đốt công nghiệp mà Đức cần, củng cố thêm vị thế của Na Uy với tư cách là nhà cung cấp năng lượng chủ lực của Đức.

'Gã khổng lồ' nhẵn túi

Theo Politico, hiện tại, OMV và Wintershall đang cùng nhau nắm giữ 60% cổ phần tại điểm khoan dầu ở vùng cực bắc băng giá của Nga.

Mặc dù về lý thuyết, các công ty của Áo và Đức sẽ được bồi thường cho khoản đầu tư của họ, nhưng số tiền mà các doanh nghiệp này nhận được từ việc bán cổ phần sẽ do nhà nước Nga xác định. Tờ báo Mỹ nhận định, đây là động thái đánh dấu vụ tịch thu tài sản lớn nhất trong lịch sử gần đây của Nga.

Trước đó, vào đầu năm nay, Điện Kremlin đã đưa ra khuôn khổ pháp lý cho việc sung công tài sản thuộc sở hữu nước ngoài khi Nga tìm cách củng cố nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

TT Putin ký sắc lệnh đáp trả quốc gia 'không thân thiện': Nước sắp đưa 5.000 quân tới sát Nga nhận tin xấu - Ảnh 2.

Mỏ dầu khí khổng lồ Yuzhno-Russkoye hiện thuộc sở hữu của OMV của Áo và Wintershall của Đức. Ảnh: AFP

Sau quyết định này, cựu ông trùm dầu khí Nga Mikhail Khodorkovsky cho biết, hiện không có khung bảo vệ pháp lý nào cho các công ty nước ngoài.

Nhiều tập đoàn năng lượng phương Tây đã tuyên bố rút hoàn toàn khỏi Nga kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, trong đó có Exxon Mobil (Mỹ) và Equinor (Na Uy). Tuy nhiên, những công ty khác như Shell, BP, TotalEnergies và Wintershall nhận thấy việc kết thúc hoạt động kinh doanh tại Nga và thu hồi vốn là một thách thức thực tế.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc thiếu đầu tư của phương Tây, cùng với lệnh cấm vận đối với các thiết bị và công nghệ quan trọng để thăm dò và khoan dầu khí, ngành nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga phải đối mặt với sự suy giảm năng suất trong dài hạn, bất chấp những lỗ hổng trong lệnh trừng phạt và giá dầu, khí đốt cao.

Về phần mình, Điện Kremlin đã tịch thu tài sản của các công ty phương Tây như Danone và Carlsberg sau khi họ quyết định rời khỏi thị trường Nga, trao cơ hội may mắn này cho các đồng minh thân cận của ông Putin và gia đình họ.

Politico nhận định, chính sách mới của Điện Kremlin có thể khiến các công ty của Đức và Áo nhẵn túi.

Nhật Minh

Theo Nhật Minh

Đời sống & Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên