TTB giảm sàn 4 phiên liên tiếp, mất thanh khoản: Liệu có FTM thứ 2 trong năm 2019?
Cổ phiếu TTB trong một vài phiên trở lại đây đã rơi vào tình trạng đóng băng thanh khoản dù không có nhiều thông tin tác động. Giá cổ phiếu TTB đã rơi từ 23.650 đồng/cp (11/10) xuống còn 14.300 đồng/cp, giảm 40% chỉ sau hơn 1 tháng giao dịch.
Cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (HoSE: TTB) có 4 phiên giảm sàn liên tiếp và trong 2 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu TTB khớp lệnh chỉ dưới 1.000 cổ phiếu trong khi dư bán sàn hơn ngày càng lớn. Riêng phiên hôm nay, khối lượng dư bán sàn 3,2 triệu đơn vị.
Nhìn rộng hơn, giá cổ phiếu TTB đã rơi từ 23.650 đồng/cp (11/10) xuống còn 14.300 đồng/cp, giảm 40% chỉ sau khoảng hơn 1 tháng giao dịch. Thanh khoản của cổ phiếu TTB kể từ thời điểm cuối tháng 10 giảm đột ngột. Khối lượng khớp lệnh trung bình kể từ phiên 30/10 đến nay chỉ vỏn vẹn 45.600 cp/phiên, trong khi con số này trước đây thường duy trì ở mức trên 400.000 cổ phiếu/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu TTB từ đầu năm. Nguồn: VNDS. (Khoanh đỏ: Khối lượng khớp lệnh giảm đột ngột). |
Cổ phiếu TTB đi xuống trong tình trạng mất thanh khoản ngay sau khi ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT kết thúc thời gian đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu. Dù vậy, hết thời gian đăng ký giao dịch nhưng ông Bộ không mua vào bất cứ cổ phiếu TTB nào và vẫn giữ tỷ lệ sở hữu 20,68%.
Ở diễn biến khác, ông Phùng Văn Thái – Thành viên HĐQT của TTB đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu từ 22/10 đến 15/11 để cơ cấu danh mục đầu tư. Ông Thái đang nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10,83% vốn tại TTB.
Trước đó vào khoảng tháng 8/2019, công ty bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 255 triệu đồng do vi phạm hàng loạt quy định về công bố thông tin như không công bố thông tin theo quy định pháp luật các tài liệu, báo cáo có nội dung không chính xác...
Diễn biến cổ phiếu TTB khiến nhà đầu tư nhớ đến ‘cú sốc’ mới đây nhất xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HoSE: FTM). FTM có thời gian giảm sàn 30 phiên liên tiếp, mất 88% giá trị với thanh khoản chỉ vài trăm đơn vị dù trước đó khối lượng khớp lệnh trung bình từ 800.000 đến hơn 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Khác với FTM báo lỗ liên tiếp 3 quý, trong quý III, Tập đoàn Tiến Bộ đạt 121,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế 8,9 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, công ty lãi hơn 36 tỷ đồng, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng đột biến của TTB lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà nhờ có doanh thu hoạt động tài chính quý III tăng đột biến từ 2 tỷ đồng lên thành 12,6 tỷ đồng nhờ lãi 9,5 tỷ đồng từ việc bán các khoản đầu tư.
Trong quý III, Tập đoàn Tiến Bộ đã bán toàn bộ khoản đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Bengal Việt Nam, giá trị khoản đầu tư này tại thời điểm 30/6 là 45 tỷ đồng (tỷ lệ 28,125% vốn điều lệ) và tại thời điểm 31/12/2018 là 75 tỷ đồng (47,88% vốn điều lệ). CTCP Bengal Việt Nam có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất các cấu kiện kim loại, bán buôn ô tô và xe máy có động cơ khác, kinh doanh bất động sản...
Tính tới 30/9, Công ty có tài sản 1.172 tỷ đồng trong đó khoản phải thu ngắn hạn đạt 89,5 tỷ đồng, gấp 4 lần số đầu năm.
Nợ ngắn hạn tăng từ 231 tỷ đồng lên thành 334 tỷ đồng, tương ứng tăng 44,4%. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng từ 7 tỷ đồng lên đến 152 tỷ đồng, phần lớn đến từ khoản tiền ở trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố Bắc Giang.
Tiền thân của Tập đoàn Tiến Bộ là doanh nghiệp tư nhân Công nghiệp và Thương mại Tiến Bộ, được thành lập năm 1998 với ngành nghề chủ yếu là: Sản xuất cốp pha - giàn giáo, kinh doanh dịch vụ cho thuê cốp pha giàn giáo và thiết bị xây dựng, kinh doanh sắt thép. Với sản phẩm chính là cốp pha - Giàn giáo, thiết bị xây dựng. |
NDH