MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 04/09 - 10/09] Chứng khoán Việt chinh phục thành công cột mốc 800 điểm, TTCK thế giới hồi nhẹ trở lại

Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua diễn ra nhịp hồi nhẹ tuy nhiên thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc lại khá “e dè” với những diễn biến thời sự đáng lo ngại xung quanh việc Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch. Bên cạnh đó, thị trường chứng khiến Việt Nam đã chính thức đánh dấu cột mốc vượt 800 điểm sau gần 10 năm qua…

TTCK Việt Nam tuần qua đánh dấu sự kiện chính thức “chinh phục” cột mốc 800 điểm

Tuần qua, dưới sự dẫn dắt của một số cổ phiếu trụ cột, VN-Index đã chính thức chinh phục thành công cột mốc 800 điểm.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 801,20 điểm, tăng 12,47 điểm (+1,5%) và HNX–Index chốt phiên ở 103,92 điểm, tăng 0,11 điểm (+0,11%) so với tuần liền trước. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index tăng nhờ một số mã trụ cột dẫn dắt như: SAB, VNM, GAS, MSN,VIC. Thanh khoản thị trường có sự suy yếu đáng kể so với các phiên trước đó, dòng tiền chỉ tập trung vào 1 số CP có vốn hóa lớn kéo thị trường trong khi động thái chốt lời lại diễn ra nhiều CP còn lại.

Một điểm đáng chú ý tuần qua chính là việc cổ phiếu HT1 (CP xi măng Hà Tiên 1) tăng trần trong phiên đầu tiên sau kì nghỉ lễ, tổng cộng đã có tới 1,4 triệu cổ phiếu HT1 được giao dịch trên sàn. Đây được xem là một điều bất ngờ khi trong suốt thời gian qua HT1 liên tục gặp không ít các thông tin kém tích như thay chủ tịch HĐQT cùng với việc bị thanh tra tại dự án BOT 461 tỷ đồng đã khiến cổ phiếu của doanh nghiệp này có những phiên giảm mạnh. Lí giải cho việc cổ phiếu này bật mạnh trở lại trong phiên 05/09 có lẽ phải nhắc đến thông tin HT1 đã có công bố thông tin bất thường về việc chi trả cổ tức năm 2016 tỷ lệ 10% vào ngày 31/08 đã giúp “trấn an” tinh thần những NĐT nắm giữ cổ phiếu của DN này.

Đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu ngành thép trong tuần qua vẫn duy trì được đà tăng điểm tích cực. Một số cổ phiếu nổi bật như HPG, NKG, TLH, VIS, VGS vẫn duy trì được đà tăng điểm trong những phiên đầu tuần, trong đó nổi bật nhất là HPG vào phiên ngày 06/09 có khối lượng khớp lệnh lớn thứ 3 thị trường đạt hơn 6 triệu đơn vị và khối ngoại giao dịch mạnh với lượng mua vào 1,97 triệu đơn vị, bán ra gần 2,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, TTCK phiên ngày 07/09 còn được chứng kiến “giao dịch đột biến” của MSN khi giá cổ phiếu của DN này lên cao nhất trong vòng gần 2 năm trở lại. Tuy rằng MSN không thường xuyên góp mặt trong nhóm dẫn dắt thị trường trong đợt gần đây nhưng phiên ngày 07/09 đã đánh dấu cột mốc khi đây là phiên giao dịch có phần đột biến nhất của MSN. Lí giải cho hiện trượng trên có thể đoán là do công bố từ hội đồng quản trị tập đoàn Masan vừa phê duyệt việc tăng vốn góp tại Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (Masan Horizon) từ 6,616.8 tỷ đồng lên tối đa 13,116.8 tỷ đồng, tương ứng số vốn góp tăng thêm tối đa 6,500 tỷ đồng. Có thể thấy mức giá đóng cửa chốt tuần tại 53.200 đồng/cổ phiếu đã đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 12/2015 tính tới thời điểm hiện tại.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng “tích cực” về điểm số trong phiên cuối tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động từ 6 tới 18 điểm, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên. Chính biên độ giá lớn đã thu hút dòng tiền vào thị trường, tuy nhiên nhà đầu tư phần lớn có xu hướng đóng vị thế trong phiên để bảo toàn trạng thái. Thanh khoản thị trường phái sinh cải thiện đáng kể tăng đến gần 36%, chủ yếu đều tập trung ở HĐTL tháng 9.

TTCK thế giới mặc dù đã hồi phục nhưng vẫn tỏ ra khá thận trọng

Thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần vừa qua gần như đi ngang và có sự phân hóa rõ rệt ở các nhóm ngành. Cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong đầu tuần do giá dầu thô tăng cao. Cổ phiếu y tế, dịch vụ tiện ích và bất động sản cũng đã kết thúc tuần này với đà tăng điểm tích cực. Tuy vậy các cổ phiếu vốn hóa trung bình có xu hướng yếu đi và kết thúc tuần giảm 4,3%.

Khối lượng giao dịch của thị trường đã tăng trở lại nhưng thị trường vẫn tỏ ra thận trọng, khi các nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào các sự kiện vĩ mô, như siêu bão Irma sắp đổ bộ vào đất liền hay việc Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục phóng tên lửa thêm lần nữa. Nhóm ngành tài chính chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề khi hậu quả tồi tệ của cơn bão Harvey khiến giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm giảm liên tục, và có thể còn giảm sâu hơn nữa vì siêu bão Irma sắp tới còn mạnh hơn cả bão Harvey.

Vào đầu tuần, chứng khoán châu Âu đã giảm điểm do bị ảnh hưởng bởi các mối lo ngại địa chính trị, sự mạnh lên của đồng euro, và một số tin tức kinh tế tiêu cực. Trong chỉ số Stoxx 600 của Châu Âu, nhóm ngành tài chính ngân hàng, đặc biệt là các công ty bảo hiểm giảm điểm nặng tương tự các cổ phiếu bảo hiểm của Mỹ. Sức mạnh của đồng euro gây áp lực lên các hoạt động xuất khẩu của châu Âu do hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài, khiến cổ phiếu của một số công ty sản xuất và xuất khẩu có diễn biến không tích cực.

Đến cuối tuần, chứng khoán châu Âu đã tích cực trở lại khi ECB tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản. Chủ tịch ECB Mario Draghi còn cho biết thêm rằng chính sách tiền tệ như hiện nay sẽ còn duy trì cho đến cuối năm 2017. Ngay lập tức các thị trường đã phản ứng tích cực ngay với các động thái của ECB. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng nhẹ từ 7316 điểm lên 7356 điểm. Chỉ số CAC của Pháp tăng từ 5107 điểm lên 5113 điểm, và chỉ số DAX của Đức tăng từ 12070 điểm lên 12290 điểm.

Tại Nhật Bản, mặc cho các con số kinh tế vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm và nguyên nhân chính được cho là sự kiện Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch, làm dấy lên mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị bùng phát trong khu vực. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average của Nhật bản đóng cửa ở mức 19,274.82, giảm 2.12% (417 điểm) so với tuần trước. Chỉ số TOPIX Index cũng giảm 1,61% (26 điểm). Trong khi đó đồng Yên lại mạnh lên so với với đô la Mỹ. Tỷ giá hồi đầu tuần là 109,71 yên/đô la, đến cuối tuần đã đóng cửa ở mức 107,83 yên/đô la.

Tương tự Nhật Bản, chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm cả tuần do lo ngại về tình hình Triều Tiên. Chỉ số Hang Seng Index mở cửa ở mức 27.878 điểm vào ngày thứ hai, nhưng đóng cửa giảm 210 điểm xuống còn 27.668 điểm vào cuối tuần. Tuy vậy theo các chuyên gia, diễn biến của thị trường chứng khoán Trung Quốc không có gì đáng lo ngại do các dữ liệu kinh tế vĩ mô của nước này vẫn khá tốt. Nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc trên toàn cầu và nhu cầu nội địa vẫn ở mức cao. Theo báo cáo mới nhất, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,5% và nhập khẩu tăng 13,3% trong tháng 8.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên