MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 06/11 - 12/11] Chứng khoán Việt băng băng vượt đỉnh, TTCK thế giới diễn biến trái chiều

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chinh phục đỉnh mới bên cạnh đó thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều khi chứng khoán Mỹ và châu Âu trầm lắng, chứng khoán châu Á tăng điểm.

TTCK Việt Nam tiếp tục chinh phục thành công đỉnh mới 860 điểm

Tuần qua, thị trường giao dịch khá tích cực và tràn đầy hưng phấn khi chỉ số VN-Index liên tiếp tạo những đỉnh mới. Sự tăng điểm của các cổ phiếu trụ cột cũng góp phần nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư, sẽ giúp cho chỉ số thị trường tiếp tục chinh phục những mốc cao hơn tuy nhưng cũng cần đề phòng với những mã cổ phiếu đã và đang được đẩy giá lên khá cao.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 868,21điểm, tăng 24,48 điểm (+2,9%) và HNX-Index chốt phiên ở 106,37 điểm, tăng 2,01 điểm (+1,93%) so với tuần liền trước. VN-Index đã kết thúc tuần với sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu Bluechips VN30 và Large Cap. Nhóm cổ phiếu kéo chỉ số tăng điểm nhiều nhất tuần qua bao gồm VNM, VIC, VCB, VJC, GAS…

Một điểm đáng chú ý tuần qua là cổ phiếu VNM (CTCP Sữa Việt Nam), VNM trở thành tâm điểm của thị trường khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 6 đã tăng kịch trần lên 173.800 đồng với khối lượng khớp lệnh tăng vọt lên hơn 9 triệu đơn vị. Dòng tiền đổ vào VNM trong chủ yếu đến từ khối ngoại khi họ mua trực tiếp trên sàn qua phương thức khớp lệnh với khối lượng mua 8,5 triệu cổ phiếu. Ngược lại, khối ngoại cũng tiến hành bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu VNM.

Bên cạnh đó, nhóm dầu khí GAS, PVD, PVS, PVT, PXS… cũng thu hút dòng tiền khá tốt bởi giá dầu thế giới hồi phục trong tuần qua.

Đồng thời cổ phiếu được các nhà đầu tư mong đợi nhất trong tuần qua VRE (CTCP Vincom Retail) sau 3 phiên không xuất hiện giao dịch đã khớp lệnh hơn 30 nghìn cổ phiếu giá trần trong phiên giao dịch sáng ngày thứ 6. Đóng cửa ATC, giá cổ phiếu tạm dao dịch ở mức giá 43.350 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên cuối tuần, VRE vẫn ghi nhận đang dư mua trần hơn 22 triệu cổ phiếu.

Tuần qua cũng ghi nhận vào lịch sử TTCK Việt Nam khi VRE chính là cổ phiếu đã làm nên đột biến về dòng tiền của thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 07/11, trong vòng hai tiếng rưỡi giao dịch, đã có tới gần 19.000 tỷ đồng được xuất hiện bảng điện tử trong đó chỉ riêng VRE đã được thỏa thuận 16.861 tỷ đồng. Tương tự VRE, các cổ phiếu VIC, SDI cũng tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua.

Đối với thị trường CK phái sinh, ngoại trừ hợp đồng VN30F1711 chốt phiên ở mức giá tham chiếu tuy nhiên cả 3 hợp đồng còn lại đều giảm điểm nhẹ. Một tín hiệu khác cần lưu ý đó là VN30F1711 sẽ đáo hạn vào tuần sau. Chính vì vậy nhà đầu tư có thể duy trì hoạt động quan sát tương quan dao động giữa hai thị trường nhằm tận dụng chênh lệch basic của các kỳ hạn ngắn để đưa ra quyết định.

Chứng khoán Mỹ và châu Âu trầm lắng, chứng khoán châu Á tăng điểm

TTCK Mỹ ghi nhận mức giảm nhẹ, phá vỡ chuỗi tám tuần tăng liên tiếp của các chỉ số chính. S&P500 đóng cửa ở 2.582 điểm (giảm 0,19%), Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 23.424 điểm (giảm 0,46%), Nasdaq Composite đóng cửa ở 6.750 điểm (giảm 0,19%). Nguyên nhân chính được cho là tiến trình cải cách thuế đang không diễn ra thuận lợi như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu tăng điểm trong tuần qua. Cùng với đó, nhóm ngành năng lượng cũng có một tuần tăng điểm nhờ giá dầu tăng khi thị trường đón nhận tin tức về những rủi ro chính trị từ Saudi Arabia với hàng loạt quan chức và thành viên hoàng gia bị bắt giữ. Sau đó vào cuối tuần, giá dầu đã giảm trở lại, do con số thống kê cho thấy có sự gia tăng trữ lượng dầu thô của Mỹ.

Các chỉ số chứng khoán chính của Châu Âu đều mất điểm trong tuần. Tâm lý nhà đầu tư dường như bị ảnh hưởng bởi các báo cáo thu nhập doanh nghiệp mờ nhạt và sự không chắc chắn về việc Hoa Kỳ có tiến hành cải cách thuế hay không. Trong đó nhóm ngành công nghiệp và hàng tiêu dùng giảm mạnh hơn so với các ngành khác.

Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.434 điểm (giảm 1,7%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.127 điểm (giảm 2,5%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.378 điểm (giảm 2,3%) và IBEX 35 của Tây Ban Nha kết thúc tuần ở 10.101 điểm (giảm 2,5%). Trái phiếu chính phủ của Đức đã bị bán ra khá mạnh trong tuần qua khi các nhà đầu tư bắt đầu tiến hành đóng các vị thế lớn.

Cổ phiếu Nhật Bản tiếp tục có xu hướng tăng điểm, tuần thứ 9 liên tiếp, nâng chỉ số Nikkei 225 Stock Average lên mức cao nhất trong 26 năm. Trong tuần, chỉ số Nikkei tăng 322 điểm (1,4%) và đóng cửa ở mức 22.681 điểm. Tính đến thời điểm này, chỉ số Nikkei tăng 18,7%, và chỉ số TOPIX Index đạt 18,6%. Đồng Yên tăng mạnh và đóng cửa ở mức 113 yên/đô la Mỹ, cao hơn 30% so với hồi cuối năm 2016.

Chứng khoán Trung Quốc tuần qua có diễn biến tích cực khi Shanghai Composite Index đóng cửa ở 3.432 điểm (tăng 1,9%), còn Hang Seng Index đóng cửa ở 29.167 (tăng 1,9%). Xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh vào tháng 10 và kho dự trữ ngoại tệ của nước này cũng tăng lên trong tháng thứ chín liên tiếp. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 6,9% trong tháng 10 trong khi nhập khẩu tăng 17,2%, phản ánh những nỗ lực nhằm cân bằng nền kinh tế với tiêu dùng.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên 38,2 tỷ USD, trong khi thặng dư thương mại với Mỹ đã thu hẹp xuống 26,6 tỷ USD từ mức cao kỷ lục của tháng Chín là 28,1 tỷ USD. Dữ liệu thương mại tháng 10 của Trung Quốc là những chỉ số mới nhất cho thấy nhu cầu thương mại gia tăng ở Châu Á, nơi mà hầu hết các nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên