MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 09/04 - 15/04] Chứng khoán Việt đánh mất mốc 1.170, TTCK thế giới đều tăng điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc chuỗi ngày tăng điểm, đánh mất hai cột mốc quan trọng 1.200 và 1.170 điểm. Trái ngược với Việt Nam, TTCK thế giới ghi nhận tuần lễ giao dịch đồng thuận cùng tăng điểm…

TTCK Việt Nam chao đảo trước bão tố

Thị trường có một tuần lễ giao dịch "không mấy suôn sẻ" khi chỉ số VN-Index giảm mạnh và đã để mất 2 cột mốc 1.200 và 1.170 điểm được thiết lập trước đó.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.157,14 điểm (giảm 2,52%) và HNX-Index chốt phiên ở 133,34 điểm (giảm 3,39%). Khác với tuần liền trước, thị trường trong tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt giảm điểm trong những phiên giao dịch kể từ giữa tuần trở đi. Đồng thời đánh mất đi 2 cột mốc quan trọng 1.200 và cả 1.700 trong suốt tuần qua.

Trong đầu tuần qua, thị trường ghi nhận sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vào những phiên đầu tuần. Một số cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán như VND, SSI, VPB, CTG, BID… đã thể hiện sự nổi trội khi thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ "giữ nhịp" chỉ số đầu tuần. Chính sự đồng thuận từ 2 nhóm này đã giúp VN-Index đã từng có những "phút giây chớp nhoáng" chinh phục thành công cột mốc 1.200 điểm.

Tuy nhiên vào phiên ngày thứ 4, trước áp lực điểu chỉnh khá lớn của một số cổ phiếu lớn như VIC, MSN, VJC, VCB… thị trường đã không tránh khỏi áp lực giảm điểm mạnh. Phiên điều chỉnh giữa tuần dường là kết quả đã được dự báo trước, khi mà các trụ đỡ lần lượt trở nên đuối sức và các dấu hiệu điều chỉnh kỹ thuật ngày càng rõ rệt. Trong khi đó, bên cạnh sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng lan tỏa rộng hơn ở các nhóm MidCap cùng với việc nhóm ngân hàng - trụ đỡ chính của thị trường bị bán ra quyết liệt trong những phiên giữa tuần đã khiến 2 sàn tràn chìm trong sắc đỏ rực.

Bên cạnh đó, tuần qua cũng là tuần giao dịch mà thị trường nhiều lần chứng kiến các cố phiếu vốn hóa lớn bị "kéo xả". Phiên ngày thứ năm là một ngày khá hiếm hoi mà các cổ phiếu này duy trì được sắc xanh đến cuối phiên. Dường như nhóm ngành ngân hàng chưa thể hồi phục sau áp lực bán mạnh phiên trước. Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm khi giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt ngưỡng 5.000 tỷ.  Đồng thời kết hợp với phiên điều chỉnh cuối tuần, VN-Index đã đánh rơi gần 48 điểm kể từ khi chạm tới cột mốc 1.200 điểm trong phiên thứ 2 đầu tuần.

Có thể thấy VN-Index trong những ngày vừa qua đang "nhạy cảm" hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia chứng khoán VDSC, thị trường trong những vừa qua đang chịu tác động phần lớn bởi yếu tố bên ngoài, tiêu biểu như căng thẳng giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, những tin tốt "ngoại cảnh" cũng đã bắt đầu xuất hiện trở lại: Mỹ xem xét tham gia đàm phán lại TPP. Những biến động ngắn hạn của thị trường đang bị ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố như vậy.

Còn về dài hạn, yếu tố nội tại như vĩ mô Việt Nam, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn sẽ dẫn dắt thị trường. Trong giai đoạn yếu tố tâm lý đang tỏ ra "lấn át" để dẫn dắt thị trường thì việc tìm kiếm cổ phiếu "bottom-up" sẽ giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt nhất khi nhận thấy cổ phiếu giảm về vùng giá hợp lý để quay trở lại thị trường.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá sôi động, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short. Trước sự điều chỉnh của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh short với khối lượng lớn . So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự cải thiện đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 21.760 hợp đồng (tăng gần 35% so với tuần liền trước).

TTCK thế giới cùng tăng điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng vững chắc trong tuần vừa qua. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.656 điểm (tăng 1,49%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.360 điểm (tăng 1,34%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.106 điểm (tăng 1,94%).

Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn tương đối thận trọng vì các nhà đầu tư dường như đang chú ý nhiều vào môi trường chính trị hỗn loạn chứ không phải là mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý I. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh nhờ sự phục hồi của Facebook khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với buổi điều trần của của CEO Mark Zuckerberg của trước Quốc hội Mỹ vào thứ ba và thứ tư. Cùng với cổ phiếu công nghệ tăng trưởng tốt, cổ phiếu ngành năng lượng đã dẫn dắt chỉ số S&P 500, nhờ giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Cổ phiếu bất động sản và dịch vụ tiện ích tụt dốc khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng, khiến cổ tức của các ngành này ít hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Mặc dù căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, thị trường chứng khoán châu Âu kết thúc tuần vẫn cao hơn tuần trước khi có những tin tức kinh tế tích cực từ Đức và Anh. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.264 điểm (tăng 1,13%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.442 điểm (tăng 1,06%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.315 điểm (tăng 0,83%). Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của cả thị trường vẫn khá thấp. Cũng giống như ở Mỹ, các nhà đầu tư có những quan ngại về nguy cơ cuộc chiến thương mại hoặc những hậu quả của đối đầu quân sự tại Syria.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong tuần qua, nhưng nhóm cổ phiếu nhỏ lại không có nhiều sự thay đổi. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.778 điểm (tăng 1,0%) và TOPIX Index đóng cửa ở 1.729 điểm (tăng 0,75%). Tất cả các chỉ số chính của thị trường Nhật Bản đều chưa đạt được mức đỉnh hồi đầu năm. Đồng Yên giảm nhẹ và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 107.7 yên/ đô la Mỹ, cao hơn 4,6% so với cuối năm 2017. Tại một cuộc họp báo sau khi được tái bổ nhiệm cương vị đứng đầu Ngân hàng trung ương Nhật Bản, ông Kuroda đã cho biết vẫn còn một khoảng cách khá xa để Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát, điều này khiến các nhà đầu tư tin tưởng rằng sẽ không có thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong thời gian gần.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong tuần qua khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt, khi cả hai bên đều nỗ lực để đạt được một giải pháp. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.159 điểm (tăng 1,09%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.808 điểm (tăng 2,34%).

Ngoài ra, thị trường còn đón nhận một tín hiệu tích cực khi Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng các điều kiện đối với dòng tiền đầu tư từ nước ngoài trong thời gian tới. Trong một bài phát biểu tại một diễn đàn kinh tế khu vực vào thứ Ba, chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài và sẽ giảm bớt các hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực khác.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên