[TTCK tuần 23/10 - 29/10] Chứng khoán Việt “bất ngờ” chinh phục mốc 840 điểm, TTCK thế giới duy trì mức tăng đồng thuận
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa bất ngờ chinh phục thành công cột mốc 840 điểm trong phiên cuối tuần, bên cạnh đó thị trường chứng khoán thế giới vẫn duy trì mức tăng điểm tích cực và khá đồng thuận…
- 28-10-2017Sau VNM, VCG có thể là đợt thoái vốn lớn nhất tiếp theo của SCIC trong năm 2017
- 28-10-2017Liên tục giao dịch "chui" cổ phiếu DPS và SVN, một cá nhân vừa bị phạt nặng
- 28-10-2017Nghịch lý VN-Index tăng 20 điểm nhưng tài khoản nhà đầu tư đều... giảm
TTCK Việt Nam chinh phục đỉnh mới 840 điểm
Thị trường đã có những diễn biến vô cùng bất ngờ khi lực cầu tăng cao vào cuối phiên giao dịch cuối tuần khiến chỉ số thị trường tăng mạnh, hơn thế nữa VN-Index còn bứt phá thành công ngưỡng kháng cự 840 điểm, điều mà trước đó vào những phiên đầu tuần ít nhà đầu tư có thể tưởng tượng tới.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 840,37 điểm, tăng 13,53 điểm (+1,64%) và HNX-Index chốt phiên ở 106,45 điểm, giảm 1,69 điểm (-1,56%) so với tuần liền trước. Mặc dù những phiên trong tuần bên bán đều chiếm ưu thế khiến thị trường liên tiếp gặp khó khăn nhưng với dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột với tâm điểm ROS, VCB, MSN, VIC,VNM… hòa cũng sức nóng của nhóm Large Cap vào phiên thứ 6 đã khiến VN-Index bứt phá lên tận 10 điểm và chinh phục thành công mốc 840 điểm ngay sau khi kết thúc phiên ATC.
Tuy nhiên thanh khoản không thực sự mạnh và vẫn chỉ tập trung tại một số mã cổ phiếu có vốn hóa lớn. Theo đó, phiên tăng điểm hôm thứ 6 có tính chất khá đột ngột và chưa thực sự đáng tin cậy khi giá trị khớp lệnh trong phiên khá thấp, dòng tiền chưa có tính lan tỏa dù các mã cổ phiếu vẫn có xu hướng tăng điểm bất ngờ.
ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) vẫn là cổ phiếu nổi bật nhất trên thị trường trong tuần qua. Với ảnh hưởng vốn hóa rất lớn của mình, chuỗi bứt giá không ngừng của ROS liên tiếp trong suốt 5 phiên giao dịch liên tiếp trong tuần chính là động lực chủ đạo tô đểm thêm cho sắc xanh của VN-Index, góp phần không thể thiếu khi là nhân tố kích thích tâm lý hưng phấn của thị trường đi qua những phiên đầu tuần có phần hơi “leo lét”.
Bên cạnh đó, cặp đôi VIC (Tập đoàn Vingroup) và SDI (CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng) cũng đồng loạt bứt phá trong phiên cuối tuần với kỳ vọng Vincom Retail chuẩn bị lên sàn. Theo thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán thì Vincom Retail ( mã CK là VRE) sẽ giao dịch hơn 1,9 tỷ cổ phiếu lần đầu tiên vào ngày 06/11 tới đây với mức giá tham chiếu 33.800 đồng/cổ phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, Vincom Retail là công ty quản lý các trung tâm thương mại của tập đoàn Vingroup với các thương hiệu Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+ nổi tiếng trải dài khắp dọc Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý tuần qua là VRC (CTCP Bất động sản và đầu tư VRC) ghi nhận 2 phiên tăng điểm mạnh mẽ lên tới 15,2% so với giá đóng cửa phiên đầu tuần. Nguyên nhân VRC tăng mạnh trong tuần qua có thể đến từ dòng tiền đầu cơ dự đoán về kết quả kinh doanh quý 3 sắp được công bố ở cổ phiếu DN này. Chốt phiên cuối tuần, VRC giao dịch xung quanh ngưỡng 22.350 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần qua, cũng chứng kiến những phiên đồng loạt giảm điểm của một số cổ phiếu khi báo cáo ra và đón nhận thông tin không mấy khả quan như HSG, FCM, CTS,…
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng “tích cực” về điểm số trong phiên cuối tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn, lại có những diễn biến đảo chiều nhanh chóng khá “căng não” trong phiên, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch ngay trong phiên giao dịch. Bên cạnh đó, dòng tiền trên thị trường đổ vào cũng sôi động không kém. Thanh khoản liên tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh và không ngừng vươn đến các mốc đỉnh mới trong thời gian qua.
TTCK thế giới vẫn duy trì mức tăng điểm tích cực
Tại Mỹ, hầu hết các chỉ số chính đã đóng cửa cao hơn tuần trước và phá các kỷ lục cũ. Chỉ số S&P 500 đã đạt 2.580 điểm, mức tăng tốt nhất trong gần ba năm qua. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh nhờ sự kết quả kinh doanh tốt của các công ty Microsoft, Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google), và Intel. Cổ phiếu ngành công nghiệp dẫn đầu trong các ngành tăng điểm, trong khi cổ phiếu ngành chăm sóc sức khoẻ có một tuần giao dịch kém tích cực.
Các báo cáo quan trọng đều công bố vào ngày thứ ba, khiến cổ phiếu các công ty như Caterpillar, 3M, General Motors, và Corning tăng mạnh mẽ, thúc đẩy đà tăng điểm trên thị trường chung. Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ giảm do các nhà đầu tư đã thất vọng về xu hướng bán hàng của một số nhà sản xuất dược phẩm lớn. Thông tin Amazon đã nộp đơn xin giấy phép phân phối thuốc ở một số tiểu bang cũng là một tác nhân gây sức ép lên các nhà phân phối dược phẩm.
Tại châu Âu, báo cáo thu nhập của các công ty, các động thái của ngân hàng trung ương và chính trị là những tác nhân chính ảnh hưởng đến các cổ phiếu châu Âu trong tuần qua. Chỉ số STOXX 600 đóng cửa đạt mức cao hơn tuần trước, với nhóm cổ phiếu công nghệ và hàng tiêu dùng đồng loạt tăng điểm vào cuối tuần. Chỉ số DAX 30 của Đức đạt mức cao kỷ lục 13.219 điểm sau những tin tức kinh tế tốt và một chuỗi các báo cáo lợi nhuận khả quan. Trong khi đó chỉ số FTSE 100 của Anh không có nhiều biến động trong tuần. Tại Tây Ban Nha, căng thẳng chính trị leo thang đã khiến chỉ số IBEX của nước này giảm 2% vào cuối tuần.
Tại Nhật Bản, cổ phiếu trên thị trường Nhật Bản vẫn duy trì ở mức cao, đánh dấu bảy tuần tăng điểm liên tiếp, đó là chuỗi thành công dài nhất của chỉ số Nikkei và đạt mức cao nhất trong 21 năm trở lại đây. Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 550 điểm (2,6%) và đóng cửa ở mức 22.008 điểm. Cho đến nay, chỉ số Nikkei đã tăng 15,1%, và chỉ số TOPIX Index tăng 16,6%.
Đúng như dự đoán của nhiều nhà phân tích, đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác trong liên minh của Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố chiến thắng vang dội tại cuộc tổng tuyển cử Hạ viện vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 10. Ngay sau khi tuyên bố chiến thắng, Thủ tướng Abe nói rằng chính phủ sẽ đẩy mạnh việc tăng thuế dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019 trừ khi nền kinh tế bị sốc lớn. Chính phủ ban đầu dự định tăng thuế doanh thu của nước này lên 10% so với mức hiện tại là 8% vào năm 2017. Sự chậm trễ này là một nỗ lực để tăng cường tài chính cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn.