MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK Việt Nam: Địa chỉ đầu tư triển vọng

“Môi trường đầu tư được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã và đang tìm đến Việt Nam như là một địa chỉ đầu tư triển vọng”.

LTS: Tiếp tục chuyên đề “TTCK VN – 20 năm hình thành và phát triển”, hôm nay chúng tôi xin gửi tới độc giả bài viết của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI).

TTCK đã có những bước phát triển nhanh

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, từ đó tạo tiền đề cho sự thành lập của Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Tiếp theo đó trung tâm giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh chính thức được đưa vào hoạt động 4 năm sau vào ngày 28/07/2000. Sau đó, ngày 08/03/2005, Trung tâm GDCK Hà Nội chính thức được thành lập (từ năm 2009 chuyển đổi thành Sở GDCK Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động.

Đến nay, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức giao dịch chứng khoán sơ cấp với hai hoạt động chính là đấu giá cổ phần và đấu thầu trái phiếu. Giao dịch chứng khoán thứ cấp với 3 thị trường gồm thị trường chứng khoán niêm yết (HSX, HNX), thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCoM) và thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cùng với UBCK cũng đã lập đề án triển khai và phát triển TTCK phái sinh kết hợp với 2 sở giao dịch – cùng với các đổi mới về thời gian giao dịch, mua bán trong ngày, sản phẩm T+0…sẽ là làn gió mới thúc đẩy TTCK Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới.

Quy mô thị trường và số lượng các công ty niêm yết gia tăng

HSX ngày đầu hoạt động chỉ có 2 Chứng khoán niêm yết (CKNY) nhưng đến cuối tháng 6/2016 nâng lên thành 347 chứng khoán niêm yết (CKNY), HNX từ 2005 có 6 CKNY đến nay là 378, tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đã là khoảng 42 tỷ cổ phiếu HSX trong khi đó HNX là 10,5 tỷ cổ phiếu.

Làn sóng cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành tiếp tục diễn ra nhanh trong 3 năm gần đây – Các công ty lớn cũng đã chú ý hơn đến kênh huy động vốn và tiếp tục lên 2 sàn HSX, HNX và kể cả UPCoM. Nhiều DN nhà nước cũng như tư nhân cũng được định hướng cổ phần hóa và niêm yết trong tương lai gần. Quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt khoảng 60 – 75 % GDP trong các năm tới.

TTCK Việt Nam đang được phân loại thuộc nhóm thị trường cận biên (2 thị trường còn lại là mới nổi và phát triển). Việc phấn đấu để đạt chuẩn thị trường mới nổi không chỉ là mục tiêu của cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư và sự tham gia đầu tư của các Quỹ nước ngoài, đây cũng là động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tốt lên sàn.

Số lượng nhà đầu tư tổ chức và các quỹ giao dịch theo chỉ số đã bắt đầu gia tăng, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài như PYN elite, RRH, các quỹ ETFs (FTSE VN, VNM ETF) cũng như 2 quỹ ETFs nội cũng đã tham gia vào TTCK VN và con số này sẽ tiếp tục gia tăng.

Tiêu chí để nâng hạng của TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi mà MSCI đề cập đến là phải có ít nhất 3 công ty vốn hóa tối thiểu 1.260 triệu đô la cũng như tỷ lệ chuyển nhượng tự do của từng cổ phiếu phải đạt 630 triệu đô. Việt Nam đáp ứng được tiêu chí kể trên (VIC, HPG, MSN…). Cùng với các văn bản, Nghị định, Thông tư của Bộ Tài chính, UBCK cũng nỗ lực khai thông dòng vốn, thu hút dòng vốn ngoại, đáp ứng yêu cầu nâng hạng mà MSCI đã đưa ra. Điều này đã cho thấy TTCK đang sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn hơn, quy mô hơn.

Nhận thức, niềm tin của nhà đầu tư cũng thay đổi tích cực hơn

TTCK Việt Nam từ những buổi sơ khai với nhiều doanh nghiệp đua nhau niêm yết, nhà nhà người người đua nhau đầu tư, thực hiện đấu giá mua bán, chuyển nhượng cổ phiếu dưới hình thức OTC. Tại thời điểm đó, phong cách đầu tư thường chỉ tập trung vào những cổ phiếu đầu cơ, lướt sóng mà ít quan tâm đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các con sóng đầu cơ “điên loạn” đã dần dần phải nhường chỗ cho những đợt tăng giá từ từ, bền vững của các cổ phiếu cơ bản chẳng hạn như: CSM, HSG, HPG, CTD, VNM… Điều này đã phản ánh xu hướng đầu tư và quan điểm đầu tư của đại bộ phận các nhà đầu tư cá nhân cũng như là tổ chức.

Qua quan sát từ giai đoạn 2012 đến nay, có thể thấy trào lưu mới hợp với sự phát triển trong thời kỳ giai đoạn 2 của TTCK. Các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đầu tư cổ phiếu bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn hoặc thậm chí có thể nắm giữ lâu dài cổ phiếu hơn là trào lưu “lướt sóng cổ phiếu” của giai đoạn trước. Môi trường đầu tư thay đổi, nhiều “Market maker – Người tạo lập thị trường” xuất hiện nhiều hơn đóng vai trò ổn định thị trường. Đây chính là điều cần thiết mà mọi TTCK nào cũng phải trải qua.

Kỳ vọng tương lai

Từ những thay đổi và kết quả đạt được của TTCK trong thời gian qua, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai và thành quả sẽ đạt được thời gian tới. Môi trường đầu tư được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã và đang tìm đến Việt Nam như là một địa chỉ đầu tư triển vọng.

Giai đoạn triển khai nền tảng hạ tầng, công nghệ phục vụ cho việc phát triển các sản phẩm tài chính như giao dịch T+0, phái sinh đã và đang triển khai gấp rút cũng như kết hợp đồng bộ với các cải cách về hành chính, luật chứng khoán, quy định về công bố thông tin….sẽ là những yếu tố làm cho TTCK Việt Nam ngày càng trở nên hiện đại hơn, minh bạch hơn và hấp dẫn hơn.

Theo Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư CTCP Chứng khoán Maritime (MSI)

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên