Từ “Á hậu cọ toilet” đến Giám đốc ViettelPay HCM: “Người ta luôn hoài nghi mặt xinh thì có năng lực hay không?”
Danh hiệu Á hậu Việt Nam năm 1996 không đưa Vũ Minh Thúy đến với showbiz. Thúy chọn công việc cửa hàng trưởng tại một chi nhánh của Viettel với mức lương chỉ 2,5 triệu đồng/tháng.
Sở hữu chiều cao ấn tượng, gương mặt thanh tú và vóc dáng thanh mảnh, Vũ Minh Thúy từng gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam năm 1996. Chung cuộc, Thúy giành ngôi vị Á hậu ở tuổi 18, khi mới chập chững bước vào cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, Minh Thúy không gắn bó với sàn diễn hay những hoạt động giải trí. Á hậu Việt Nam lập gia đình, sinh con và bắt đầu công việc mới tại Viettel. Chia sẻ về mức lương ngày mới đi làm ở công ty quân đội, Vũ Minh Thúy nói: "2 triệu rưỡi ngày xưa ở Viettel là xịn đó. Người mới vào thời ấy lương chỉ khoảng 1 triệu thôi. Tôi từng làm ở công ty nước ngoài, sang đây mới được hưởng mức lương chuyên gia như thế đó".
Sau 15 năm, Vũ Minh Thúy từ cửa hàng trưởng lên Giám đốc trung tâm Chăm sóc Khách hàng HCM kiêm Phó Giám đốc trung tâm chăm sóc khách hàng toàn quốc của Viettel. Hiện, Thúy được biết tới với vai trò mới – Giám đốc ViettelPay của địa bàn TP. HCM, thuộc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel.
Người ta thường nghĩ phụ nữ sẽ rất khó thích nghi với môi trường quân đội kiểu như Viettel. Chị còn là Á hậu Việt Nam 1996, thời gian đầu, chị cảm thấy thế nào, thích ứng ra sao?
Việc vào Viettel với tôi như một cái duyên. Tôi từng làm ở Công ty liên doanh Mỹ phẩm LG-Vina, sau đó nghỉ ở nhà để sinh em bé. Khi muốn trở lại với công việc, tôi đọc được quảng cáo tuyển người trên báo Sài Gòn Giải Phóng, thấy Công ty điện tử viễn thông quân đội (tiền thân của Tập đoàn Viettel bây giờ - PV) tuyển nhân viên kinh doanh nên nộp hồ sơ. Sau đó trúng tuyển và đi làm.
Bản thân tôi là người có tính kỷ luật cao, mong muốn sự chỉn chu và tươm tất. Không biết mọi người thấy khó khăn thế nào, chứ với tôi thì rất bình thường.
Ở Viettel, tôi luôn nhìn thấy khát vọng xây dựng một thương hiệu lớn của các cấp lãnh đạo. Các anh, chị đều rất giỏi, có tầm nhìn, làm tới cùng. Được quyết định công việc mình yêu thích, được làm việc với những người sếp có tầm, mọi thứ sẽ rất thuận lợi.
Thời còn làm cửa hàng trưởng nhưng phải cọ toilet và rửa ấm chén như nhân viên theo lịch trực, chị có nghĩ "Mình là Á hậu mà phải làm vậy sao" không?
Không đâu. Cọ toilet hay rửa ấm chén đấy là tôi lựa chọn và làm cùng với các bạn nhân viên của mình, không ai bắt tôi phải làm việc đó. Còn danh hiệu đó là của một cuộc thi sắc đẹp, bạn không thể mang tới một công ty viễn thông rồi suy nghĩ, tôi là Á hậu nên được quyền nọ quyền kia. Khi chọn công việc là nhân viên văn phòng, bạn cũng như bao người khác, được giao chỉ tiêu và phải hoàn thành. Chẳng ai châm trước cả.
Chưa kể, người làm cấp trên còn phải làm gương cho nhân viên. Ở cơ quan bảo nhân viên phải chịu khó, hết mình với khách hàng, coi bức xúc của khách hàng như bức xúc của chính mình mà xử lý, phục vụ nhưng bạn không gương mẫu thì ai nghe? Những bạn khác vẫn phải hoàn thành kinh doanh, hút bụi, lau cửa kính, dọn nhà vệ sinh thì tại sao mình không làm? Tôi nghĩ đơn giản như vậy nên thấy rất bình thường.
Thời điểm đó, sự nổi tiếng và danh hiệu có từng mang lại phiền phức cho chị không?
Đôi khi người ta hoài nghi về khả năng của mình, hoài nghi cô này mặt xinh xắn liệu có năng lực không. Còn phiền phức thì chưa thấy. Đó là một danh hiệu, là quãng đời tuổi trẻ rất vui. Sau này về già, tôi còn khoe được với con cháu: "Ngày xưa bà cũng là Á hậu đó", rất vui phải không? (cười).
Khi đi phỏng vấn xin việc, tôi không bao giờ chia sẻ mình là Á hậu Việt Nam nhưng mọi người cũng biết bởi hồi đó chưa có nhiều cuộc thi sắc đẹp. Tôi vào Viettel và làm cửa hàng trưởng của một trong 5 cửa hàng đầu tiên ở HCM tại vị trí đẹp, rất lớn. Một vài người làm ở Viettel đi công tác thường ghé qua cửa hàng với lý do kiểm tra nhưng thực chất là xem bên ngoài cô ấy như thế nào. Mọi người cũng có chút tò mò.
Thật ra sau này tự họ nói tôi mới biết, chứ tôi chỉ nghĩ là cơ quan của Tổng Công ty đi kiểm tra thôi, mà tôi cũng không rõ là nói đùa hay nói thật. Chỉ như vậy thôi, không có phiền toái gì.
Trước đây làm việc trong môi trường chăm sóc khách hàng ở Viettel toàn nữ, tới hàng nghìn người, chị có gặp thị phi khi còn có danh Á hậu nữa không?
Tôi làm quản lý CSKH năm 28 tuổi. Thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên non trong quản lý, ứng xử. Tôi nói rất thật, dù không xuất phát từ động cơ gì, nhưng khó nghe quá nên gây hiểu nhầm không cần thiết. Sự thẳng thắn, chân thật rất cần thiết nhưng phải biết nói dễ nghe một chút. Mình lại bộc toạc quá.
Rồi sau mỗi chuyện, tôi dần rút ra kinh nghiệm và mọi thứ cũng tốt dần. Tôi luôn tâm niệm rằng sống tử tế, cầu thị và lạc quan là sẽ gặp may mắn. Sao phải xoắn!
Từ Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng HCM chuyển sang làm Giám đốc ViettelPay của địa bàn HCM, chị suy nghĩ bao lâu cho sự thay đổi này?
Không nhiều đâu (cười). Ở Viettel có triết lý là "thứ duy nhất không thay đổi là sự thay đổi". Tôi làm Viettel đến 3/11 năm nay là 15 năm, đổi vị trí 3-4 lần. Mỗi khi sếp trao đổi, tôi suy nghĩ lâu nhất là một ngày. Có những trao đổi, nghe xong tôi nhận lời luôn.
Nói là vậy nhưng thời gian đầu mới qua tôi rất e ngại. Tôi tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, được đào tạo về kinh doanh nhưng nhiều năm làm CSKH thì quản lý đơn vị nghiệp vụ. Giờ chuyển sang làm kinh doanh thì chẳng biết có làm được không. Nhưng tôi luôn có suy nghĩ là người khác làm được thì mình làm được. Chẳng có gì khó cả.
Nếu chưa hiểu, mình sẽ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những người có kiến thức ở lĩnh vực này. Học hỏi từ sếp, từ đồng nghiệp, từ bạn bè đang làm ở những đơn vị khác bên ngoài. Tôi nhận ra, mọi việc sẽ không khó nếu bạn có sự cầu tiến và tinh thần học hỏi.
Ngân hàng số là một lĩnh vực rất mới ở Viettel, chị gặp khó khăn gì với công việc mới?
Khó khăn của tôi cũng như của bộ máy là ViettelPay là ứng dụng mới do Viettel phát triển, có nhiều nhân sự chuyển dịch từ trung tâm CSKH, các đơn vị khác tại Viettel. Bên dưới tôi lúc này có khoảng 90 nhân viên, cả nam và nữ. Họ làm trong các đơn vị nghiệp vụ lâu nên cần phải học cái mới và làm cái mới. Cộng với việc chính tôi cũng là người mới nên cấp trên cũng khá e ngại: Liệu rằng những cô làm ở lĩnh vực CSKH có làm được kinh doanh, lại liên quan đến tài chính điện tử hay không?
Sau một thời gian xây dựng bộ máy, vận hành, tôi thấy cũng chẳng có gì khó. Nếu bảo tôi vào viết lập trình ứng dụng thì là điều không thể. Còn bảo sản phẩm đây, bán đi thì không khó. Quan trọng là mình có muốn làm hay không. Muốn làm thì sẽ học, muốn học thì có ý thức và sẽ làm được.
Chưa kể, tôi tin vào sức mạnh của tập thể. Sự thành công của tôi là sự thành công của cả team. Tôi luôn may mắn vì ở team nào tôi cũng có các công sự có chuyên môn tốt, nhiệt tình và trách nhiệm. Tôi là người lead để mọi người thực hiện, tổ chức, phân công, giám sát và điều chỉnh để cả team hoàn thành một nhiệm vụ được giao.
Đặc thù công việc khác biệt có khiến công tác quản lý của chị phải linh động theo không?
Có sự khác biệt một chút. Làm ở trung tâm CSKH thì thiên về quy trình, nghiệp vụ nhiều hơn. KPI theo dõi theo giờ, ngày, tuần, tháng. Sang kinh doanh thì thiên về chỉ tiêu, con số kinh doanh theo ngày. Ngày cuối tháng là tôi cũng nhìn theo giờ đấy.
Làm nghiệp vụ thì cần có sự tỉ mỉ, theo dõi phản ánh, sự cố phải theo dõi theo giờ. Chúng tôi phải coi phản ánh, bức xúc của KH như bức xúc của mình, đòi hỏi sự điều hành quyết liệt. Làm kinh doanh cũng phải quyết liệt nhưng lại đòi hỏi sự nhanh nhẹn, sắc bén, nhận định nhu cầu KH và đối thủ trên thị trường.
Dù làm quản lý kinh doanh hay quản lý nghiệp vụ thì điều cần thiết nhất là có tố chất quản lý, phải linh hoạt và không được cứng nhắc. Ngoài ra, các kỹ năng cũng phải được hoàn thiện dần dần. Người ta nói thông minh chỉ đóng góp 1% thành công, 99% là sự cố gắng, nỗ lực học hỏi hàng ngày.
Bản thân tôi không phải người thông minh, xuất sắc. Tôi là người may mắn vì luôn có các cộng sự tốt. Tôi chăm chỉ, biết điều và luôn thông cảm cho người khác nhưng trong giới hạn. Lười nhác, vô trách nhiệm, phạm kỷ luật thì không thông cảm được, phải xử lý thôi.
Với công việc mới, chị ước mơ điều gì?
Ước mơ tôi nghĩ nó xa xôi quá. Mục tiêu trước mắt của tôi là hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Một là phải đạt chỉ tiêu kinh doanh, hai là phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn mình phụ trách. Phát triển thuê bao, phát triển hạ tầng thanh toán như các điểm nạp rút tiền, các nơi mà khách hàng có thể tiêu dùng.
Mong muốn của tôi cũng giống như của Tổng công ty (Vũ Minh Thúy chuyển từ Viettel Telecom sang Viettel Digital Services) là người dân trên mọi miền đất nước có thể dùng ViettelPay để chi trả những khoản thanh toán viễn thông, thanh toán hóa đơn như tiền điện, tiền nước, đóng học phí, viện phí, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, các dịch vụ mua sắm, du lịch, đặt vé máy bay,… thay vì sử dụng tiền mặt.
Sau nhiều năm làm quản lý ở Viettel, theo chị, yếu tố nào giúp lãnh đạo khiến nhân viên phục?
Để nhân viên phục thì trước mắt, khi họ khó khăn, bạn phải đứng ra giải quyết được cho họ. Phải gỡ rối cho họ, chứ lãnh đạo mà không giải quyết được thì thua, nhân viên sẽ khó chịu khi làm việc cùng. Có thể không giải quyết hết 100% vì vượt tầm tay, thuộc cấp trên theo cơ chế chính sách nhưng ít nhất cũng xử lý được 85%-90%, phần còn lại báo lên cấp trên và đeo bám cùng với họ.
Quyết liệt là cần thiết nhưng cũng phải linh hoạt. Tôi là người có nguyên tắc rõ ràng nhưng vào những tình huống cảm thấy cần xoay chuyển tình thế, tôi sẽ xoay luôn. Không nên vì mình quyết rồi mà không ai có thể thay đổi được. Nếu được phân tích hợp tình hợp lý thì nên linh hoạt, không cứng nhắc trong những tiêu chuẩn mình đặt ra.
Tôi không bao giờ nói "Không" khi được giao các nhiệm vụ, ngay cả khi bản thân thấy không hợp lý. Cách của tôi là đề xuất các phương án, nêu ưu nhược điểm và đề xuất việc lựa chọn. Với các bạn trong nhóm, tôi cũng yêu cầu như vậy. Đưa việc mà họ "Say No" là cực kỳ khó chịu. Nên nhớ, mọi việc đều có thể giải quyết nếu mình thực sự muốn làm.
Việc kiên trì "đeo bám" cấp trên để được giải quyết có phải lúc nào cũng thành công không?
Quan trọng là bạn phải biết ý kiến phù hợp với thời điểm. Không phải lúc nào cũng nói, cũng kêu gào. Tôi hiểu chỉ huy của mình quyết định như vậy là có cái lý của họ, cũng như tôi có quyết định điều hành theo cái lý của tôi.
Không phải tất cả đều thấu hiểu những gì chỉ huy muốn làm. Và đương nhiên, không phải quyết định nào cũng làm hài lòng tất cả. Thậm chí, có những quyết định, không được số đông chấp nhận suốt một thời gian dài.
Là chỉ huy, mình phải chấp nhận và để thời gian trả lời, chứng minh tất cả. Rồi mọi người sẽ hiểu ra. Mỗi người có một vai trò, một nhiệm vụ cần hoàn thành. Quan trọng, họ làm vì cái chung.
Á hậu làm sếp ở công ty quân đội như chị, ngoài chuyện cương nhu đúng lúc, còn gặp những khó khăn gì?
Với phụ nữ, họ có thể có nhiều khát vọng nhưng ngoài công việc và sự nghiệp, họ còn phải có gia đình, có những đứa con để chăm sóc. Với đàn ông, họ cũng có gia đình nhưng phía sau lưng họ là những người phụ nữ. Tôi may mắn khi có ông xã khá là văn minh, luôn ủng hộ vợ đi làm ở ngoài môi trường xã hội, cũng không phàn nàn sao lại làm vất vả thế, hay về muộn thế. Tôi rất sợ những câu hỏi vì sao nên anh ấy ủng hộ là ok rồi.
Nhiều người cho rằng, cần cân bằng cuộc sống và công việc. Số khác lại nói buộc phải lựa chọn một trong hai. Còn chị thì sao?
Tôi hơi tham nên chọn cả hai. Nếu là người có đầu óc tổ chức, bạn sẽ lên kế hoạch rất tốt công việc ở cơ quan cũng như gia đình. Làm gì cũng phải biết cách sắp xếp, tổ chức, đừng bao giờ nói câu không có thời gian. Ví dụ như một tuần bạn có thể đi chợ, siệu thị 1 lần, thậm chí chẳng cần đi, chỉ cần ngồi ở bất cứ đây mà đặt thực phẩm, họ sẽ giao đến nhà cho bạn.
Hay nếu có đầu óc tổ chức tốt, bạn có thể nhờ một cô quản gia tốt chuẩn bị đồ ăn cho gia đình dĩ nhiên là thời gian đầu bạn sẽ mất công để "tập huấn". Tôi chỉ vào bếp vào ngày cuối tuần hoặc khi nào về sớm.
Tôi may mắn vì đa phần những người quản gia đều ở cùng từ 3-5 năm, trừ một số việc riêng cần về quê thì họ mới về. Các quản gia của gia đình tôi cũng rất thông minh và đầu óc tổ chức công việc rất ổn.
Chị lựa chọn người giữ vai trò quản gia trong gia đình thế nào?
Tôi luôn hỏi hai câu: Một là chị làm theo ý của chị hay chị làm theo ý của em. Nguyên tắc là nhập gia phải tùy tục. Hai là em cần nhất là sự ngăn nắp, sạch sẽ, trung thực, chị có đáp ứng được không? Tôi gặp mặt người ta và nói chuyện 15-30 phút thấy ổn là đồng ý. Và sau đó, tôi và ông xã thống nhất họ là vai trò quản gia, nói họ hiểu họ tầm quan trọng của họ với chúng tôi như thế nào, coi họ như người trong nhà, như người chị, người em, không phân biệt đối xử. Khi bạn đối xử với họ như đang ở nhà, họ sẽ gắn bó dài lâu.
Cũng như ở công ty vậy, một ông sếp giỏi mà không có nhân viên tốt thì những ý tưởng, quyết định của không thể triển khai đến nơi đến chốn. Sếp giỏi đến mấy cũng phải tổ chức được những nhân viên tốt thì mới thành công được. Không ai thành công một mình, trừ những người họ làm công việc rất độc lập. Tôi suy nghĩ mọi thứ đơn giản như vậy và may mắn là luôn gặp được những người bên cạnh có thể đi đường dài với mình.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Sống cùng đam mê
Xem tất cả >>- NTK váy cưới hàng đầu Việt Nam: 12 năm tâm huyết để biến “giấc mơ” của mọi cô dâu thành hiện thực, từng bước vươn mình ra thế giới
- “Phù thuỷ sân khấu” đứng sau loạt sự kiện đình đám của làng mốt Việt, được Vogue khen ngợi: “Show đến tay tôi đều không đơn giản, nếu dễ dàng các NTK đã không tìm đến tôi”
- Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn
- Cựu giảng viên Ngoại ngữ đứng sau chuỗi cafe chục tỷ Hầm Trú Ẩn: 6 tháng lỗ ròng để "trả học phí", lao đao suýt bỏ cuộc thì nhận cơ hội đắt giá
- Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè