Từ Beer Club đến Mỳ cay Hàn Quốc: Chuỗi nhà hàng tại Việt Nam quá dựa dẫm theo "sóng" nên khó có thể thành công
Đó là nhận xét của ông Trần Anh Quốc, giám đốc công ty tư vấn dịch vụ nhà hàng Abele HRS, chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm vận hành thực tế và tư vấn hoạt động cho rất nhiều thương hiệu nhà hàng nổi tiếng như Tập đoàn ẩm thực Lã Vọng, chuỗi nhà hàng Đệ Nhất, Buffet Sứ.
Kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam đang quá dựa theo "sóng"
Vào sáng ngày 26/11 vừa qua, hội thảo “Kinh doanh F&B: Nâng cao doanh số - Giữ chân khách hàng” do công ty iPOS.vn tổ chức đã được diễn ra tại khách sạn Legend Metropole với hơn 140 khách mời tham dự.
30% các khách mời là đại diện của nhiều công ty cung cấp giải pháp đầu vào cho ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) như ví điện tử Momo, giải pháp giao tiếp không dây nhà hàng Ecall.vn, công ty tư vấn kinh doanh đồ uống Asyking, mạng xã hội ẩm thực Feedy.vn hay giải pháp vận chuyển đồ ăn chuyên nghiệp Ahamove,…
70% còn lại là các thương hiệu F&B nổi tiếng trên thị trường hiện nay như chuỗi trà sữa TocoToco, chuỗi nhà hàng Vị Quảng, chuỗi nhà hàng Phố Biển, chuỗi nhà hàng Đệ Nhất,...
Với kinh nghiệm hơn 20 năm vận hành thực tế và tư vấn vận hành cho nhiều thương hiệu F&B có tiếng như Tập đoàn ẩm thực Lã Vọng, chuỗi nhà hàng Đệ Nhất, Buffet Sứ,... giám đốc công ty tư vấn dịch vụ nhà hàng Abele HRS Trần Anh Quốc cho rằng hiện nay các concept về ăn uống thường theo trào lưu và mang tính copy rất cao, đơn cử như sự xuất hiện của các làn sóng về Beer Club, Bánh mỳ hay gần đây nhất là Mỳ cay Hàn Quốc.
Nhưng theo “sóng” thì chắc chắn có lúc “chìm” nếu không có sự đột phá hay thích nghi theo thời gian. “Không có mô hình nào là vĩnh cửu, không có trào lưu nào là bất biến. Đặc biệt trong ngành ẩm thực.” - đó là khẳng định chắn chắn của chuyên gia F&B Trần Anh Quốc.
Ông Trần Anh Quốc (cầm mic)
Cũng theo ông Quốc, kinh doanh F&B cũng phải tuân theo những quy trình như mọi ngành kinh doanh khác: Phải biết “chúng ta bán cho ai” và “bán cái gì”. Các khâu tìm hiểu thị trường nghiêm túc, từ đó lên concept, lên thực đơn, định ra phân khúc khách hàng và xây dựng hình mẫu khách hàng tiêu biểu là bắt buộc chứ không thể dựa theo cảm tính hay xu hướng.
Một trong những yếu điểm của những người làm kinh doanh ẩm thực chính là bị bó buộc với concept “món ăn ngon là tự khắc có khách, giảm giá tốt thì thế nào cũng đông”. Trong khi hiện nay, sức ép cạnh tranh ngày một lớn, sự chênh lệch độ ngon của các món ăn/ thức uống giữa các cơ sở kinh doanh ngày một thấp và giữ chân khách hàng bằng dịch vụ và trải nghiệm tổng thể mới là điều các nhà hàng cần hướng tới. Công nghệ chính là một giải pháp hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng kinh doanh ẩm thực.
Muốn thành công với chuỗi, chắc chắn phải có sự tham gia của công nghệ
Chị Hoàng Minh Nhật – CEO & Founder chuỗi Bánh Mì Minh Nhật chia sẻ, trước khi áp dụng hệ thống công nghệ bài bản, việc vận hành chuỗi fastfood gặp rất nhiều khó khăn. Concept bánh mỳ có những yêu cầu đặc biệt về việc quản lý các “điểm” giao tiếp đặt hàng của thực khách như số hotline, website hay app di động, bên cạnh đó là yêu cầu trong mảng vận chuyển.
"Nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ, đi kèm với quy trình nhân viên được chuẩn hóa, hiện nay các khách hàng chỉ cần gọi điện tới đặt hàng là nhân viên của Bánh Mì Minh Nhật đã biết khách đang gọi tới tên là gì, lịch sử đã đặt những món gì, bao nhiêu lần, để cá nhân hóa thực khách ngay khi bốc máy.
Tuy nhiên vấn đề vận chuyển đồ ăn cũng là một bài toán nan giải cho các concept delivery và cho chính Bánh Mì Minh Nhật khi tính toán tỷ lệ chi phí giao hàng/ giá trị đơn hàng cũng như đảm bảo thời gian vận chuyển đơn hàng thành công", Minh Nhật chia sẻ.
Và để hệ thống vận hành trơn tru, vai trò của các đơn vị thứ 3 đang ngày càng quan trọng.
Các công ty công nghệ Việt Nam cung ứng dịch vụ cho ngành F&B như iPOS.vn, Momo, Ahamove, Meete, NomNom, Kitfe, v.v… đang ngày càng được các hệ thống nhà hàng chú trọng.
Huỳnh Quang Trung, Digital Director của chuỗi The Coffee House cho biết việc chuẩn hóa quy trình quản trị thông tin là vô cùng quan trọng để tăng trải nghiệm của thực khách và giữ chân các khách hàng trung thành. Hệ thống CRM và Ecommerce của The Coffee House đều được cân nhắc và đầu tư rất bài bản để phục vụ cho việc phát triển lâu dài.
Một trong những chiến dịch tiêu biểu chính là chiến dịch “Uber Cà Phê Sáng” được triển khai trong mùa hè vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự kết hợp của 3 đơn vị: Uber, The Coffee House và iPOS.vn đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ thực khách.
"Kinh doanh F&B hiện nay phải hướng đến trải nghiệm tổng thể của thực khách : Họ bỏ ra gì và họ thu lại được gì, cả về phương diện ăn uống, dịch vụ, cảm xúc,... Và công nghệ hiện hỗ trợ rất nhiều để tạo nên những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn", anh Trung nhận định.
Trí thức trẻ