Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng Covid-19: ‘Chìa khóa’ thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước?
Ngày 2/10/2021, tại Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lần thứ 18, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam, ông Huỳnh Thành Đạt đã kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng Covid-19.
- 04-10-2021Hải Phòng từ chối mở lại các đường bay nội địa
- 04-10-2021Nikkei Asia: Giải mã xu hướng 'chuộng' sản phẩm thương hiệu như Zara, Starbucks, Circle K... của người Việt trong thập kỷ qua
- 04-10-2021Danh sách 6 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại trước khi cơ chế giá ưu đãi hết hạn
Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19
Phát biểu tại Hội nghị, theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, đại dịch Covid-19 đặt nhân loại trước bài toán sinh tử, chưa có tiền lệ nên đòi hỏi phải có các giải pháp đặc biệt, mang tính ngoại lệ.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam, ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để đảm bảo cho mọi người được tiếp cận công bằng và sớm nhất có thể đối với vaccine phòng Covid-19, cần rút ngắn thời gian và trình tự đề xuất, trình và phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu, khuyến khích thử nghiệm và chấp nhận thất bại, đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở.
Bộ trưởng cũng kêu gọi ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 nhằm mở rộng và tăng cường sản xuất vaccine trên phạm vi toàn cầu.
Ông Huỳnh Thành Đạt đề xuất, hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới.
Đặc biệt, Bộ trưởng Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề lựa chọn ưu tiên và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân, trong đó, cần đặt người dân và con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&CN Nhật Bản Inoue Shinji khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quốc gia, hướng tới các lợi ích chung trên toàn thế giới.
Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 là "chìa khóa" giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước?
Theo một báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU), nền kinh tế thế giới có thể thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, do sự chậm trễ và thiếu đồng đều trong việc tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển chịu thiệt hại nhiều nhất.
Hiện tại, các nước giàu đang dẫn trước về tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19, thậm chí tính tới việc tiêm mũi nhắc lại, và bắt đầu mở lại nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia nghèo hơn bị tụt lại phía sau khá xa.
Dữ liệu từ Our World in Data công bố, tính tới ngày 23/8, toàn cầu có khoảng 5 tỷ liều vaccine Covid-19 được tiêm, nhưng các nước thu nhập thấp chỉ chiếm 15,02 triệu liều trong số này.
EIU cho biết, chiến dịch tiêm vaccine tại các nước thu nhập thấp đang diễn với tốc độ chậm, gần như đóng băng. Tình trạng bất bình đẳng vaccine xảy ra do thiếu hụt về năng lực sản xuất toàn cầu, thiếu vật liệu thô, khó khăn trong khâu vận chuyển và bảo quản vaccine cũng như việc nhiều người còn do dự vì không tin tưởng vào vaccine.
Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia đang phát triển không đủ điều kiện tài chính để mua vaccine cho người dân của mình, và đang tìm kiếm nguồn vaccine viện trợ từ các nước giàu hơn. Tuy nhiên, các sáng kiến toàn cầu chưa hoàn toàn thành công trong việc phân phối vaccine cho những nơi cần đến.
EIU nhấn mạnh, các nước nghèo hơn có thể sẽ phục hồi chậm hơn sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt là khi phải tiếp tục các biện pháp hạn chế do tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Bà Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU nhận định: "Một lần nữa sự đối nghịch giữa nước giàu và nước nghèo càng rõ ràng: nước giàu với tỷ lệ tiêm vaccine cao có các lựa chọn, còn nước nghèo với tỷ lệ tiêm thấp không có mấy lựa chọn".
Bàn về tình trạng này, ngày 23/9/2021, bất công bằng trong việc phân phối vaccine COVID-19 cũng trở thành trọng tâm trong phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính đến nay chỉ có 15% số lượng vaccine được các nước giàu có với nguồn cung dồi dào hứa tặng cho các nước nghèo đã được chuyển giao.
WHO cũng bày tỏ mong muốn rằng, các nước giàu nên thực hiện cam kết chia sẻ vaccine của mình "ngay lập tức" và cung cấp số lượng lớn vaccine cho các chương trình hỗ trợ các nước nghèo và đặc biệt là ở châu Phi.
Tỷ lệ tiêm phòng ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới, bao gồm Haiti và Cộng hòa Dân chủ Congo, là dưới 1%.