MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chảy máu thực quản đến xơ gan, suy gan: Bùng vỡ đủ các bệnh cấp cứu nặng sau Tết khiến bác sĩ cũng... "hãi"

16-02-2021 - 15:16 PM | Sống

Từ chảy máu thực quản đến xơ gan, suy gan: Bùng vỡ đủ các bệnh cấp cứu nặng sau Tết khiến bác sĩ cũng... "hãi"

Theo TS Đào Việt Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm nội soi, BV Đại học Y Hà Nội, bắt đầu từ mùng 2 Tết số ca nhập viện lại dồn dập, đặc biệt là các bệnh liên quan tới tiêu hoá.

Bùng vỡ sau Tết

TS Hằng cho biết năm nào cũng thế hầu như trước kỳ nghỉ Tết các phòng khám, bệnh viện rất vắng người nhưng từ mùng 2 trở đi là các phòng khám, khoa cấp cứu lại rất đông.

 Bệnh nhân tới mà đa số là bệnh nhân nặng với đủ các bệnh lý tiêu hoá từ chảy máu dạ dày, chảy máu thực quản, xơ gan, suy gan do rượu, viêm gan, viêm tuỵ cấp. Đủ các mặt bệnh cấp cứu nặng khiến các bác sĩ đều thấy sợ hãi.

Sở dĩ có sự thay đổi này, theo TS Hằng trong quá trình chuẩn bị đón Tết từ liên hoan tất niên, hội họp cho tới ngày Tết mọi người đều uống rượu, liên hoan nhậu nhẹt rất nhiều. Đến tầm Mùng 2 Tết thì cơ thể đã quá mệt mỏi, hệ tiêu hoá bắt đầu xuất hiện "bùng nổ" đủ các bệnh lý. Vì vậy, số bệnh nhân tuần đầu sau Tết luôn đông, dồn dập.

Ví dụ trường hợp của N.V.N. 43 tuổi, quê Ninh Bình. Trong mấy ngày Tết ông N. vẫn đau bụng nhưng chủ quan và đến mùng 1 Tết đi ngoài phân đen nên gia đình vội vàng đưa vào viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị chảy máu tiêu hoá.

Trước đó, bệnh nhân này có tiền sử viêm loét dạ dày nhưng dịp Tết vẫn tranh thủ uống rượu dẫn tới chảy máu tiêu hoá. Ông N. có tiền sử chảy máu tiêu hoá dạ dày 3 lần và tới lần này rất nặng nên gia đình đưa thẳng ra Hà Nội.

Một bệnh nhân khác, sau khi đi nhậu về nôn cả ra xô máu. Bệnh nhân này bị giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan nhưng vẫn không thể bỏ rượu và trong đợt Tết lại uống quá nhiều tạo áp lực lên tĩnh mạch thực quản gây vỡ tĩnh mạch.

Từ chảy máu thực quản đến xơ gan, suy gan: Bùng vỡ đủ các bệnh cấp cứu nặng sau Tết khiến bác sĩ cũng... hãi - Ảnh 1.

Ăn nhậu liên miên dịp Tết làm gia tăng gánh nặng bệnh lý tiêu hoá.

Với những bệnh nhân như này, TS Hằng cho biết việc điều trị khó khó khăn. Bác sĩ phải rất cố gắng mới có thể nội soi cầm máu vùng vỡ.

Bệnh tiêu hoá không chỉ do rượu

TS Hằng cho biết mặt bệnh tiêu hoá những ngày này rất nhiều. Nhiều bệnh nhân bị các triệu chứng của bệnh tiêu hoá nhưng vẫn âm thầm cố gắng chịu đựng. Khi vào viện thì tình trạng bệnh đã nặng. Lúc này, dù bác sĩ có cố gắng cứu bệnh nhân nhưng tia hi vọng vẫn mong manh bởi bệnh đã rất nặng.

Hay như trường hợp của một nữ bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng đau bụng quằn quại, da xanh tái nhợt. Khi nội soi bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày cấp. Bệnh nhân cho biết trước đó về quê ăn Tết và luôn cảm thấy căng thẳng, stress không biết làm gì. Việc ăn uống thất thường dẫn tới viêm dạ dày cấp.

Theo TS Hằng ngày Tết thói quen sinh hoạt thay đổi, dạ dày luôn ở tình trạng lúc đói, lúc no. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đau dạ dày.

Khi đói, axit và protease trong dạ dày sẽ không được trung hòa vì thiếu thức ăn nên nồng độ rất cao, sẽ khiến niêm mạc dạ dày tự tiêu hóa. Nếu ăn no quá, sẽ phá hủy cơ chế tự bảo vệ của dạ dày, làm thành dạ dày bị căng ra, thức ăn đọng lại ở dạ dày lâu hơn.

BS Hằng cho rằng dù ngày Tết mọi người vẫn cần cố gắng duy trì thói quen ăn uống đúng giờ để dạ dày và đường ruột được hoạt động và nghỉ ngơi có quy luật. Tránh thói quen xấu ăn thức ăn nóng lẫn với thức ăn lạnh, vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương ở các mức độ khác nhau; hạn chế lượng rượu bia "nạp" vào cơ thể.

Khi có các dấu hiệu của đường tiêu hoá cần vào viện ngay không nên chờ đợi, kiêng kỵ dịp Tết vì có thể dẫn tới những biến chứng đáng tiếc. Bệnh nhân vào viện muộn thì bác sĩ cũng khó cấp cứu hơn.

Theo N.Anh

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên