MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyến thăm Tổng thống Obama, nhìn về những con số biết nói

Dự kiến, trong một tuần tới Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Việt Nam, đặt ra nhiều kỳ vọng nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ.

21 năm kể từ khi Việt Nam – Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ. Nhìn từ góc độ kinh tế, những dấu ấn về thương mại và đầu tư một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của Hoa Kỳ trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Cũng bởi, một trong những sự kiện có tầm ảnh hưởng quan trọng trong công cuộc đổi mới kể từ năm 1986, đó là việc hai nước chính thức ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA) vào năm 2000, đã trở thành một trong những dấu mốc quan trọng trong thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam với các nước đối tác lớn.

Chỉ hai năm sau khi thực hiện BTA, Hoa Kỳ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Từ mức 1,5 tỷ USD sau khi ký BTA, thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã bùng nổ trong những năm gần đây, lên tới trên 41,3 tỷ USD vào cuối năm 2015 – con số cao hơn nhiều so với dự báo được đưa ra trước đó chỉ khoảng 40 tỷ USD theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Việc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng hóa của Việt Nam đã giúp cho quan hệ thương mại giữa hai nước luôn duy trì trạng thái xuất siêu. Cụ thể, trong năm 2015 Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ 33,5 tỷ USD, trong khi chỉ nhập khẩu từ nước này 7,8 tỷ USD.

Nhờ vậy, cán cân thương mại nghiêng chủ yếu sang hoạt động xuất khẩu đã giúp cho Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu với Hoa Kỳ lên tới 25,7 tỷ USD. Cán cân thương mại ở trạng thái xuất siêu với Hoa Kỳ đã giúp dần cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam, trước tình trạng nhập siêu lớn ở nhiều thị trường như Trung Quốc, ASEAN…

Không những là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ còn là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, các nhà đầu tư Mỹ đã rót trên 11,3 tỷ USD vào Việt Nam, với tổng số 781 dự án và xếp vị trí thứ 8 trong tổng số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù vốn đầu tư của Mỹ rót vào Việt Nam được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung là 14,5 triệu USD/dự án. Đặc biệt, nhiều dự án chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, chế biến chế tạo, dịch vụ… của Mỹ đang góp phần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.

Theo báo cáo khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại các nước thuộc ASEAN được Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore (AmCham Singapore) công bố, Việt Nam hiện là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ thứ hai trong ASEAN, sau Indonesia.

Những thế mạnh trong mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, thị trường lao động dồi dào với chi phí thấp và môi trường vĩ mô ổn định chính là nền tảng giúp cho các nhà đầu tư thêm tin tưởng khi rót vốn vào Việt Nam. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Cùng với chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm ngoái, thì việc Tổng thống Barack Obama chính thức thăm Việt Nam trong 1 tuần tới, đã đặt ra nhiều kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước. Theo đó, cùng với kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sẽ rộng cửa hơn để vào thị trường Mỹ, thì hàng loạt các dự án tỷ đô của nhà đầu tư Mỹ sẽ được rót vào Việt Nam nhiều hơn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên