Từ chuyện trí tuệ nhân tạo suýt được giải văn chương Nhật, đến nỗi lo của hàng triệu người Việt phải làm gì để không bị cướp việc
Mới đây, một cuốn tiểu thuyết do trí tuệ nhân tạo viết đã suýt nhận được giải thưởng văn chương. Điều này dường như đang minh chứng cho việc robot và trí tuệ nhân tạo ngày một trở nên thông minh hơn, thậm chí có thể "lấn sân" sang những lĩnh vực vốn chỉ thuộc về con người.
- 11-12-2016Bộ Lao động đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu "không gây xáo trộn"
- 05-12-2016Đây là lý do khiến những doanh nghiệp như Samsung khó chuyển giao công nghệ cho người lao động Việt!
- 26-11-2016Làm ra 1,74 tỷ đồng/người/năm, đây là ngành có năng suất lao động cao gấp 21,9 lần mức trung bình của Việt Nam!
- 25-11-2016Hàng triệu lao động Việt Nam đối mặt với nguy cơ phải chuyển việc trong tương lai?
Tiểu thuyết do trí tuệ nhân tạo viết suýt được vinh danh
“Tôi quặn đau vì sung sướng, niềm sung sướng lần đầu tiên được trải nghiệm, và tiếp tục viết với niềm hứng khởi ấy. Cái ngày mà một máy tính viết tiểu thuyết. Cái máy tính đã dành sự ưu tiên vào việc theo đuổi niềm vui của chính nó, chấm dứt chuyện phục vụ cho loài người…”.
Đây là một đoạn văn trích ra từ cuốn sách “The day computer writes a novel” (tạm dịch: Ngày máy tính viết tiểu thuyết) do chương trình máy tính trí tuệ nhân tạo (Al) làm đồng tác giả. Cuốn sách này đã lọt qua vòng đầu của giải thưởng văn chương quốc gia ở Nhật Bản.
Chương trình này được GS. Hitoshi Matsubara của đại học Future University Hakodate cùng các đồng sự thiết kế. Nhóm này đã giúp Al định hướng, quyết định nội dung cốt truyện, giới tính các nhân vật và hỗ trợ trong việc chọn lựa câu cú để Al có thể sử dụng tự động trong quá trình “viết sách”.
Chia sẻ với báo giới, GS. Hitoshi cho biết ông muốn mở rộng thêm tiềm năng của Al, để nó có thể giống với khả năng sáng tạo của con người.
Mặc dù cuốn sách do Al viết chưa giành được giải thưởng nhưng thành tích của nó cho thấy một tiềm năng rộng lớn của máy móc ở những lãnh địa vốn chỉ dành cho con người.
Tương lai nào cho việc làm con người?
Hồi đầu năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố báo cáo với tiêu đề "The Future of Jobs" (Tương lai nghề nghiệp) với những cảnh báo rằng con người đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thị trường lao động đã và có sự biến đổi lớn so với một thập kỷ trước đây.
Theo đó, robot và trí tuệ nhân tạo đang ngày một thông minh hơn và thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Không chỉ thông minh hơn, mà như nhận xét của ông Andy Puzder, CEO của chuỗi thức ăn nhanh Carl’s Jr thì “Không giống như con người, robot luôn lịch sự, đúng giờ, hoà nhã, không bao giờ xin nghỉ phép, không bao giờ đi làm trễ, không bao giờ lỡ tay làm đổ vỡ và không bao giờ phân biệt chủng tộc”. Bởi thế, lực lượng lao động có thể sẽ dần bị rơi vào thế bị động và mất đi việc làm.
WEF dự báo có khoảng 5 triệu người tại 15 nền kinh tế phát triển và mới nổi bị mất việc trước năm 2020 dù đã có khoảng 2,1 triệu việc làm mới trong các lĩnh vực chuyên biệt như khoa học máy tính, toán học, kiến trúc, kỹ thuật... bù đắp vào.
Nỗi lo trên đã được cụ thể hoá bằng sự kiện nhà máy Foxconn đặt ở Côn Sơn - đối tác sản xuất chính của Apple đã cắt giảm hơn 60.000 người, tức hơn một nửa số công nhân nhà máy (110.000 người) để thay thế bằng robot cuối tháng 5/2016.
Do đó, nhiều chuyên gia đã cho rằng nếu không có những hành động khẩn cấp và cụ thể để quản lý quá trình chuyển đổi trong ngắn hạn và xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, nhiều chính phủ sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, sự bất bình đẳng và thu hẹp quy mô thị trường.
Hiện, theo đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ như ở một số nước phát triển hơn. Nguyên nhân là vì giá lao động ở Việt Nam vẫn còn cạnh tranh và chi phí đầu tư công nghệ vẫn tương đối đắt đỏ.
Nhưng, ILO mạnh mẽ chỉ ra đây không còn là câu hỏi “có hoặc không” mà là vấn đề “khi nào”. Tổ chức này khẳng định trong những năm tới sẽ có sự chuyển dịch vì chi phí công nghệ sẽ giảm trong khi chi phí lao động tăng lên. Cụ thể, trong một thông điệp phát đi trước đó (7/2016), ILO ước tính có khoảng 86% lao động Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày, tương ứng khoảng 2,3 triệu người sẽ mất việc trong 20 năm nữa.
Tại Việt Nam, ngành dệt may – da giày và ngành chế tạo các sản phẩm điện – điện tử là hai ngành quan trọng và đang tăng trưởng. Đó là những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, ngành dệt may – da giày có đặc điểm chủ yếu là thâm dụng lao động và kỹ năng tay nghề thấp. Trong khi đó, không giống như tên gọi của ngành, ngành sản phẩm điện – điện tử lại hướng tới sản xuất có giá trị thấp và các công việc lắp ráp kỹ năng thấp. Phần lớn người lao động trong ngành này là phụ nữ, đặc biệt là trong các công việc cần ít kỹ năng tay nghề.
Hiện tại trong ngành này đã có một số tiến bộ đáng kể và hứa hẹn được cải thiện trong thời gian tới. Dù vậy, với bối cảnh trên, Việt Nam cần phải tập trung ưu tiên vào kỹ năng nghề cho lực lượng lao động.
Theo đó, ILO khuyến nghị người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo cần hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc và những đổi mới công nghệ; Khuyến khích thế hệ trẻ đam mê theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học việc quan trọng.
ILO cũng đặc biệt nhấn mạnh đến phụ nữ, những người dễ bị nguy cơ mất việc hơn nam giới khi tự động hóa trở nên phổ biến hơn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.