Từ độc thân tới lập gia đình, chìa khóa vàng giúp bà mẹ 2 con ở Sài Gòn đạt được vững vàng về tài chính, chỉ vỏn vẹn trong hai từ "TIẾT KIỆM"
Với mức lương khởi điểm khi ra trường chỉ 1,5 triệu/tháng năm 2017, chị Hà đã tích lũy tiền trăm triệu, mua được nhà, 3 hợp đồng bảo hiểm cho bản thân và gia đình. Bí kíp làm được điều đó chính là từ cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả bằng vỏn vẹn trong hai từ 'TIẾT KIỆM'.
- 15-03-2022Trả nợ gần 7 tỷ chỉ trong 3 năm mà không cần bán mạng làm việc hay nhịn ăn nhịn mặc, cô gái chỉ cần 3 quy tắc tiết kiệm đơn giản giúp làm được việc này
- 15-03-2022Gen Z đem tiền "ôm mộng làm giàu", từ chứng khoán, mua vàng đến gửi tiết kiệm đều thử qua: Mất sạch tiền với 4 bài học đau thương
- 11-03-20226 bí quyết đầu tư của 'thần chứng khoán' Warrent Buffett giúp bạn tiết kiệm được 10 năm đi vòng: Thành công không chỉ nằm ở 2 chữ 'lãi kép'
Ra trường lương chỉ 1,5 triệu/tháng, sau 3 năm đi làm tiết kiệm được gần 200 triệu
"Cuộc sống xa gia đình từ năm 16 tuổi, có lẽ vì vậy những suy nghĩ đơn giản là phải cố gắng học hành, tiết kiệm để đỡ đần cho bố mẹ hình thành từ đó. Thế nên mình đã lựa chọn cách học và thay đổi, làm tất cả mọi thứ để kiếm tiền và mình cảm thấy vui và thoải mái về những điều mình đã trải qua", chị Hà chia sẻ.
Chị Hải Hà nhớ như in ngày thử việc đầu tiên ở Ngân hàng ACB vào tháng 09/2007 với mức lương là 1,5 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, giá vàng lúc đó chỉ khoảng 13 -14 triệu đồng/lượng chứ không cao như bây giờ. Kể từ khi có tiền lương để trang trải cuộc sống, chị cũng không xin thêm tiền của bố mẹ hàng tháng.
Cuộc sống nhà thuê nên chị Hải Hà rất cần kiệm, có tiền thưởng từ công việc chị không đổi điện thoại hay mua sắm vô tội vạ. Hàng tháng chị Hà có thói quen bỏ tiền tiết kiệm được vào một tài khoản 1 số cố định.
Và kết quả là sau 3 năm đi làm chỉ đơn thuần từ đồng lương nhân viên văn phòng và không làm thêm ngoài thì chị đã mua được cho mình 1 hợp đồng bảo hiểm và tiết kiệm được gần 200 triệu trước khi lập gia đình. Song song đó, chị còn tự học thêm được một văn bằng 2 đại học.
Lập gia đình vẫn tiết kiệm để mua chung cư, mua bảo hiểm
Gia đình hạnh phúc của chị Hải Hà.
Sau khi lập gia đình thì hai vợ chồng chị Hà vẫn ở nhà thuê thêm 3 năm nữa. Với hai đầu lương anh chị vẫn tiếp tục duy trì thói quen tiết kiệm và tiếp tục tích lũy.
"Lúc này hai vợ chồng mình có nhu cầu mua nhà và đã kế hoạch tìm một căn hộ chung cư phù hợp với tài chính của gia đình mình. Cũng thuận lợi là hai vợ chồng đều làm ngân hàng nên không khó để tính toán thu nhập chi phí cân đối.
Nếu trong trường hợp vay ngân hàng mà xấu nhất 1 trong 2 thất nghiệp thì cũng không ảnh hưởng nhiều. May mắn mỉm cười với hai vợ chồng khi mua được dự án của Đất Xanh với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và ưu đãi lãi suất 5%/năm cố định trong 10 năm.
Tiêu chí trong đầu vợ chồng mình đặt ra là không cố mua căn diện tích lớn, không cố vay ngân hàng nhiều. Vợ chồng mình dồn 1 phần mua nhà và vay ngân hàng 60%, còn dư tiền tích lũy để phòng khi ốm đau bệnh tật", chị Hà chia sẻ.
Là tay hòm chìa khóa của gia đình, chị Hà luôn cân đối thu chi cẩn thận để không ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của gia đình. Chị chia sẻ một số cách chị đã và đang áp dụng:
- Hàng tháng sau khi nhận lương chị bắt đầu phân bổ nguồn tiền vào từng ví riêng (chi phí sinh hoạt, tiền học cho con, thanh toán nợ vay, tiền bảo hiểm, các chi phí khác), phần còn dư trong lương chị sẽ cắt để riêng một tài khoản (khoản này thường chị đã lên kế hoạch từ trước và đăng ký dịch vụ tự động trừ của ngân hàng). Chị bật mí chị đang sử dụng dịch vụ của ACB.
- Mọi người thường có thói quen và hay lãng quên những đồng tiền lẻ. Với chị Hà, bất cứ tiền lẻ đi chợ, siêu thị mua sắm chị sẽ gom để lại 1 túi riêng. Mẹo này chị bật mí học được từ một chị bạn trong hội mẹ bỉm sữa và đem lại sự bất ngờ sau khi áp dụng. Đến cuối năm số tiền này nó không hề là con số nhỏ. Hai ba triệu đến cũng làm chị vui khi mua sắm trong dịp Tết.
- Các khoản thưởng, thu nhập bất thường trong tháng, quý chị sẽ tạm thời không dùng đến ngay (sau khi lên kế hoạch sử dụng) cho vào 1 tài khoản khi cần thì sẽ trích 10% đến 20% tùy vào mục đích và có kế hoạch cụ thể. Chính từ những nguồn này chị đã phân bổ để duy trì 1 quỹ dự phòng khẩn cấp phòng khi có những việc đột xuất cần đến (khoản này ít nhất bằng với chi phí sinh hoạt từ 3 - 6 tháng của gia đình).
- Phụ nữ đặc biệt rất hay mua sắm nhưng chị Hà chỉ mua những đồ nào thật sự cần thiết và thiết yếu. Chị bật mí một số mẹo nhỏ để có thể kiểm soát được bệnh mua sắm của phụ nữ. Một là hãy tắt hết các chế độ ưu tiên thông báo của những trang mua sắm mà mình yêu thích để chúng không xuất hiện trong tầm mắt của mình, đặc biệt khi có thời gian rảnh hãy hạn chế lướt các trang bán hàng thay vì đó chị chọn nấu ăn, đọc sách, cùng đi chơi với các con.
Hai là áp dụng quy tắc 7 ngày (khi đi siêu thị hay lướt web bỗng thấy thích và muốn mua ngay một món đồ, tuy nhiên đừng quyết định vội, bạn hãy suy nghĩ về quyết định này trong vòng 7 ngày xem có thực sự cần thiết đối với mình không. Sau 7 ngày bạn vẫn muốn mua nó thì bạn hãy vui vẻ vì nó thực sự cần thiết đối với bạn). Bí kíp của chị nằm ở chỗ “chỉ nên mua những gì bạn cần chứ không nên mua những gì bạn muốn”.
- Đối với thẻ tín dụng rất hiếm khi chị Hà dùng đến. Lãi suất thẻ tín dụng rất cao nên chị chỉ dùng khi mua những món hàng điện tử, tận dụng những chính sách ưu đãi từ ngân hàng (chính sách hoàn tiền khi giao dịch bằng thẻ tín dụng) và của cửa hàng (trả trước bao nhiêu % để được lãi suất 0% và phần còn lại trả bằng thẻ). Chị chia sẻ thêm một kinh nghiệm nữa là sau 45 ngày giao dịch thẻ tín dụng mình nên thanh toán toàn bộ số tiền để được hưởng chính sách miễn lãi của sản phẩm.
- Một năm sẽ soát lại trong nhà có đồ đạc nào cần thanh lý, bán lại cho nhà khác trong chung cư và kiếm được tiền từ những món đồ này (đồ chơi của con, sách truyện của con, quần áo mới ít mặc, túi xách, giầy, quà tặng từ các cửa hàng khi mua đồ điện tử…).
- Đồ đạc trong nhà hư hỏng chưa vội vứt mà tìm cách sửa để khắc phục.
"Tiết kiệm là một thói quen theo mình khá tốt. Rất may mắn là hai vợ chồng mình đều có đồng quan điểm này. Hai vợ chồng chỉ là người làm văn phòng có nguồn thu nhập từ lương nhưng với thói quen tiết kiệm giúp gia đình có tài chính vững vàng và khá tốt trong những năm qua.
Thậm chí có giai đoạn khắc nghiệt nhất vào năm 2012 - 2015 khi ngành ngân hàng bị ảnh hưởng bởi lạm phát của nền kinh tế, hai vợ chồng bị giảm lương cùng lúc nhưng cũng đã vượt qua".
Tiết kiệm là một phương pháp truyền thống mà cha mẹ đã dạy chúng ta từ khi còn rất bé. Và đến bây giờ chúng ta không thể phủ nhận hiệu quả mà nó mang lại. Với thói quen đó 25 tuổi chị Hà đã tích lũy được cho bản thân mình một hợp đồng bảo hiểm từ rất sớm, khi gia đình có điều kiện hơn chị đã chuẩn bị thêm cho gia đình mình được hai hợp đồng. Khi mua bảo hiểm chị chọn đóng phí theo năm và chọn thời gian đóng các hợp đồng khác nhau để không bị áp lực về tài chính.
Để làm được tất cả những điều này thì bí quyết quản lý chi tiêu của chị Hà sẽ là:
- Xây dựng thói quen tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất, nếu bạn đã có gia đình hãy chia sẻ điều đó với con mình. Các nguyên tắc chi tiêu tiết kiệm: dùng đúng số tiền đã quy định, không mua sắm dư thừa, ưu tiên dùng đồ đa năng, áp dụng quy tắc 7 ngày, tiết kiệm từng đồng lẻ…
- Con đường xây dựng thói quen tiết kiệm là kỷ luật của bản thân. Phải tự đặt ra cho mình những nguyên tắc, tôn trọng bản thân và nghiêm túc thực hiện.
- Khi quyết định mua sắm hay một vấn đề ảnh hưởng đến gia đình đều lên kế hoạch cân đối chi phí thu nhập rất kỹ.
- Chỉ có thay đổi tư duy thì mới thay đổi được cuộc đời mình. Tư duy đúng quyết định cảm xúc đúng và cảm xúc đúng sẽ đem lại cho ta một quyết định đúng.
"Mình vẫn còn chưa bằng lòng với hiện tại vì cảm thấy bản thân vẫn có thể làm tốt hơn. Điều mình đang quan tâm nhất hiện nay là tập trung để tăng thu nhập hơn nữa trong thời gian tới. Hiện tại mình thấy nhiều bạn trẻ rất giỏi, tư duy tốt và kiếm tiền bằng nhiều kênh khác nhau từ chính những sở trường/chuyên môn của mình, đó cũng là điều mình đang trau dồi và học hỏi thêm", chị Hà chia sẻ.
Ảnh: NVCC
Nhịp sống Việt