Từ "kẻ sao chép" đến nước tiên phong về nền kinh tế kỹ thuật số - Bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc
Như trong nhiều lĩnh vực khác, ngành kỹ thuật số của Trung Quốc đang thay đổi chóng mặt cả về quy mô và tốc độ. Thị trường thanh toán điện tử tại Trung Quốc bùng nổ với quy mô lớn gấp 50 lần của Mỹ.
- 26-03-2017'Manhattan Trung Quốc': Từ Tây Hồ đến sông Tiền Đường
- 23-03-2017Chính sách thuế của ông Trump có thể đóng cửa hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc?
- 20-03-2017Nhìn Baidu đi xuống ai cũng nghĩ họ chỉ là hổ giấy, nhưng"Google Trung Quốc" đang nuôi mộng bá vương với hướng đi rất bài bản
Những ai cho rằng Trung Quốc chỉ mãi chạy theo công nghệ của phương Tây sẽ phải nghĩ lại khi quan sát hình ảnh một ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải. Tại đây, hầu hết hành khách, cả già lẫn trẻ, bóng bẩy hay lôi thôi, đều dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh. Điều đáng kinh ngạc không chỉ là sự “phổ cập” của điện thoại thông minh mà còn là việc nó len lỏi sâu rộng vào cuộc sống của họ.
Khi di chuyển tại ga tàu, hành khách có thể đặt mua thực phẩm, nhắn tin với bạn bè, chuyển tiền, đặt dịch vụ du lịch, nhận tiền bảo hiểm… chỉ với các “siêu ứng dụng” tích hợp nhiều chức năng. Thậm chí một số người ăn xin trên phố cũng nhận tiền bố thí qua cổng thanh toán điện tử Alipay.
Như trong nhiều lĩnh vực khác, ngành kỹ thuật số của Trung Quốc đang thay đổi chóng mặt cả về quy mô và tốc độ. Theo các số liệu chính thức, đến năm 2016, Trung Quốc có khoảng 731 triệu người dùng internet, trong đó 95% truy cập qua điện thoại di động. Đây chính là nhân tố thúc đẩy hệ sinh thái di động năng động nhất thế giới của nước này.
Thị trường thanh toán điện tử tại Trung Quốc bùng nổ với quy mô lớn gấp 50 lần của Mỹ. Chính việc khai thác thị trường này đã giúp Alibaba xây dựng được Yu’e Bao trở thành một trong những quỹ thị trường tiền tệ ảo lớn nhất thế giới.
“Tương lai của tiền đang được xây dựng ở Trung Quốc”, Duncan Clark, một nhà tư vấn công nghệ sống tại Bắc Kinh nhận định. “Bạn sẽ có cảm giác rằng như đang trở về quá khứ khi rời Trung Quốc”.
Lãnh đạo Trung Quốc xác định mục tiêu phát triển công nghệ làm chiến lược ưu tiên hàng đầu. Trong cuộc họp quốc hội gần đây, nhiều kế hoạch đầu tư mạnh tay cho công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo, được đưa ra.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng chẳng cần nhiều những động thái như vậy từ chính phủ. Họ đã tự mình đầu tư phát triển và cải tiến công nghệ, tạo nên thị trường công nghệ trị giá hơn 500 tỷ USD, đứng đầu là Tencent và Alibaba.
Hãng công nghệ Tencent hiện đang dùng ứng dụng WeChat làm nền tảng cho các dịch vụ khác bao gồm thanh toán điện tử. Tương tự, Alibaba, công ty sở hữu sàn thương mại điện tử khổng lồ có mặt trên khắp thế giới, cũng mở rộng sang nhiều thị trường trực tuyến khác và dịch vụ tài chính. Với 120 triệu người Trung Quốc đi du lịch mỗi năm, Alipay của của Alibaba đang nhanh chóng trở thành một trong những dịch vụ thanh toán điện tử phổ biến nhất thế giới.
Một trong những lý do khiến các công ty kỹ thuật số của Trung Quốc tăng trưởng phi mã là việc thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ và tài chính. Điều đó khiến các ứng dụng điện tử trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng.
Richard Liu, nhà sáng lập hãng bán lẻ trực tuyến JD.com cho biết các chuỗi cửa hàng truyền thống của Trung Quốc tương đối yếu kém so với cửa hàng cùng loại như Carrefour hay Walmart. “Chúng tôi có thể chiếm lĩnh thị phần thậm chí còn nhanh hơn Amazon làm ở Mỹ bởi các cửa hàng truyền thống rất yếu”.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài không ngại rót tiền vào các hãng công nghệ mới hòng chiếm được một “miếng bánh” của thị trường béo bở này. Một doanh nhân Thượng Hải cho biết giờ đây bất cứ ai cũng có thể gom tiền đầu tư từ “bạn bè, gia đình, hay những tay gà mờ”. Dù nhiều phần trong số tiền này bị lãng phí, phần còn lại vẫn sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của thế hệ các công ty nền tảng di động mới.
Tuy nhiên, thành quả cuối cùng là các hãng công nghệ tăng trưởng nhanh là có thể khai thác sâu hơn nguồn dữ liệu khổng lồ và mang lại những cơ hội kinh doanh hoàn toàn mới. “Dữ liệu không phải thứ gì đó giúp bạn tối đa hóa hoạt động kinh doanh. Nó chính là hoạt động kinh doanh”, một chuyên gia trong ngành cho biết.
Khi đó, trên thị trường nội địa, các hãng công nghệ Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ và hầu như không có các quy định về dữ liệu.
Chi nhánh tài chính của Alibaba đã tung ra dịch vụ xét điểm tín dụng trực tuyến Zhima, hoạt động dựa trên các hoạt động điện tử, lịch sử giao dịch và mạng xã hội của người dùng. Zhima cho phép các công ty mở rộng sang các dịch vụ liên quan như cho vay và nhiều thứ khác nữa.
Ở lĩnh vực này, sức mạnh của Trung Quốc gấp 10 lần Mỹ