MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ một người vô lo vô nghĩ, tôi đã trưởng thành hơn từng ngày nhờ tình nghề, tình người ngân hàng

17-08-2017 - 14:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Cuộc chiến trên thương trường chưa bao giờ hết khốc liệt, và điều này cũng không là ngoại lệ đối với những người “buôn tiền”. Hơn mười năm trong nghề ngân hàng đã tôi luyện tôi, từ một người vô tư vô lo, thành một người biết làm và biết nghĩ.

LTS: Ban tổ chức cuộc thi viết Nghề ngân hàng: Thử thách và Vinh quang xin giới thiệu bài dự thi của độc giả Đoàn Thị Mộng Dung – Quyền trưởng phòng KHDN hội sở ngân hàng Indovina viết về tình người và tình nghề ngân hàng.

Ngân hàng - Tình người và tình nghề

Cuộc chiến trên thương trường chưa bao giờ hết khốc liệt, và điều này cũng không là ngoại lệ đối với những người “buôn tiền”. Hơn mười năm trong nghề ngân hàng đã tôi luyện tôi, từ một người vô tư vô lo, thành một người biết làm và biết nghĩ. Tôi đã học được nhiều bài học từ thành công và thất bại của chính mình và từ đồng nghiệp, để trưởng thành hơn từng ngày, không chỉ là những bài học chuyên môn nghiệp vụ, mà bài học tâm đắc nhất của tôi qua bao năm trong nghề chính là “Tình người”.

Tình người trong cuộc sống vốn đã khó tìm, huống chi trong cái nghề “sảy một ly là đi nghìn dặm” như nghề kinh doanh tiền bạc. Chỉ một con số, chỉ một dấu chấm dấu phẩy, chỉ một từ thôi thì bao công lao có thể đổ sông đổ biển. Đời người mấy ai tránh khỏi những sai lầm, đặc biệt trong môi trường tiền bạc đầy cám dỗ. Bao nhiêu người trong nghề đã phải trả giá cho những sai lầm của mình, dù vô tình hay hữu ý. Mỗi câu chuyện về những người từng là đồng nghiệp của chúng tôi trên báo mỗi ngày chưa bao giờ làm những người làm nghề thôi day dứt, hoang mang. Nhưng trên hết, chúng tôi vẫn yêu nghề, vẫn trụ lại với nghề, với khách hàng, với đơn vị, đó chính là nhờ tình người tha thiết giữa chúng tôi.

Những khách hàng ở lại với chúng tôi hàng chục năm với bao biến động thị trường, không phải vì lãi cao lãi thấp, không phải là những con số lời lỗ, mà chính là niềm tin chúng tôi dành cho nhau từ những ngày loay hoay trong khó khăn khởi nghiệp và thất bại, những lần vấp ngã và đứng lên cùng nhau. Tôi cũng như các anh chị em đồng nghiệp, chắc không thể quên những cụ già như bà tôi, dành dụm cả đời từng đồng tiền mồ hôi và nước mắt, gửi cả niềm tin và hy vọng cuối đời vào những khoản tiền tiết kiệm nhỏ nhoi. Nếu không làm ngân hàng, làm sao tôi có thể hiểu được tình người trong từng câu chuyện kinh doanh, trong từng hoàn cảnh của khách hàng đến với chúng tôi mỗi ngày.

Rồi những đối tác cùng chúng tôi đi qua những tháng ngày vui buồn, những phút giây “vinh quang và tuyệt vọng”. Tôi không sao quên được chị nhân viên duyệt lệnh Citad của Ngân hàng Nhà nước cách đây hơn 10 năm. Chị đã không bỏ qua câu khẩn cầu tha thiết của tôi “Chị ơi, đợi em một phút nữa thôi chị nhé!”. Một phút thôi khi đã quá giờ đóng cổng thanh toán trên hệ thống, nhưng là một phút quyết định lệnh thanh toán hàng chục tỷ đồng cho đối tác thành công, hoặc không, mọi thứ sẽ là quá muộn. Ngân hàng tôi có thể sẽ đánh mất uy tín với đối tác, sẽ bị phạt thanh toán với số tiền không nhỏ, trách nhiệm thật quá lớn đối với một nhân viên mới vào nghề không lâu là tôi.

Có lẽ chị đã quên lời cầu khẩn của tôi rất lâu rồi, chỉ là một cuộc điện thoại từ Sài Gòn tới Hà Nội, của những người chưa từng biết mặt nhau, nhưng lòng biết ơn tôi dành cho chị, cũng như bài học làm nghề có lẽ cả đời tôi không thể quên.

Tôi cũng không thể quên những giọt nước mắt và nụ cười cùng đồng nghiệp khi giải xong những bài toán kinh doanh tưởng như là bế tắc. Những anh chị đi trước đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá và lời dặn dò “Giữ lấy chữa tâm mà làm nghề”, đã cho tôi mỗi ngày thấy yêu nghề hơn, và để tôi hiểu thế nào là hai chữ “duyên nghiệp”!

Ngân hàng cũng như bao nghề khác, cũng có những niềm vui nỗi buồn. Người làm ngân hàng luôn hiểu mình mang trọng trách giữ nguồn nước ngọt lành, thông suốt cho nền kinh tế. Tuy vậy, chỉ mới hơn ba mươi năm phát triển theo định hướng thị trường, những điểm đen trong ngành đã làm cho truyền thông dư luận đang có cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho một công việc cũng đáng được trân trọng như bao ngành nghề khác. Những con số thu nhập bị thổi phồng lên cùng với vẻ ngoài hào nhoáng của công việc, những bản án kèm theo những con số thất thoát khủng gây tâm lý căm phẫn trong xã hội. Mấy ai hiểu được người làm ngân hàng như những con ong chăm chỉ, ngày đêm rèn luyện không ngừng để chia sẻ với khách hàng những cơ hội và thử thách, giữa muôn vàn khó khăn vất vả để từng đồng vốn của khách hàng đến được đúng nơi đúng chỗ.

Một tay không vỗ nên kêu, ngành ngân hàng còn đó những bộn bề khó khăn, những bài toán không hề dễ giải. Nhưng trên tất cả, những người làm nghề chúng tôi vẫn tìm thấy những niềm vui, niềm tin vào tình người – tình nghề, để bước qua những áp lực, thử thách và cùng nhau gắn bó với “nghiệp” của chúng tôi. Niềm tin ấy đủ để chúng tôi tiếp tục truyền lửa cho những thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, với một niềm tin không xa vào vị thế của ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam trên thương trường thế giới.

Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.

Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn.

Cơ cấu giải thưởng như sau:

- 1 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng

- 2 giải nhất: 15 triệu đồng mỗi giải

- 2 giải nhì: mỗi giải 10 triệu đồng

- 3 giải ba: mỗi giải 5 triệu đồng

- 5 giải khuyến khích: mỗi giải 1 triệu đồng

Các giải thưởng sẽ do Ban tổ chức lựa chọn dựa trên chất lượng bài viết, tiếng vang, viral, lượng người đọc và chia sẻ trên FB.

Ngoài các giải thưởng trên, các bài viết được đăng tải cũng sẽ được thanh toán nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Đoàn Thị Mộng Dung (Ngân hàng Indovina)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên