Từ ông trùm BĐS giàu thứ 4 châu Á trở thành con nợ sau 5 năm: Cay đắng vì "gió đổi chiều", ngập trong khối nợ 1 tỷ USD, đến tòa nhà chọc trời cũng "dính vòng siết nợ"
Gió đổi chiều, chỉ trong vòng 5 năm, ông trùm bất động sản Hồng Kông Pan Sutong từ Top 4 người giàu nhất châu Á phải lao đao vì nợ nần.
- 14-03-2022Hơn 30 tuổi, tôi mất khả năng giao tiếp và chẳng muốn kết hôn với ai chỉ vì việc "vạch áo cho người xem lưng" mẹ tôi đã làm 15 năm trước
- 14-03-2022Đại gia quận 7 Đoàn Di Băng review phòng Tổng thống 15 triệu đồng/đêm ở khách sạn sang trọng bậc nhất Việt Nam: Đi mãi chưa hết phòng vì quá rộng!
- 14-03-2022Khối tài sản "khủng" của "đả nữ" Ngô Thanh Vân và vị hôn phu CEO kém 11 tuổi: Xứng danh cặp đôi tài sắc vẹn toàn, kết hôn xong khéo còn giàu hơn!
Theo Bloomberg Billionaires Index, đây là một cú trượt dài đối với Pan, 57 tuổi, người từng lọt top 4 tỷ phú giàu nhất châu Á vào năm 2015 với giá trị tài sản 27 tỷ USD. Thế nhưng, sau khi cổ phiếu của Goldin Financial Holdings Ltd. do ông làm chủ lao dốc, hầu hết tài sản đều trở thành tài sản đảm bảo cho các khoản vay khiến vị tỷ phú ngày nào này bị "đánh bay" khỏi danh sách 500 người giàu nhất thế giới.
Quá khứ huy hoàng và thực tại nghiệt ngã
Theo đó, khối tài sản "kếch xù" ban đầu của ông Pan không đến từ bất động sản mà đến từ việc kinh doanh và sau đó là sản xuất đồ điện tử - một lĩnh vực mà ông đã mạo hiểm đầu tư sau khi từ California chuyển đến Hong Kong. Tỷ phú này chuyển sang lĩnh vực đầu tư bất động sản kể từ năm 2008, thời điểm mà thị trường bất động sản vừa có đợt bùng nổ, tạo ra cơn sốt đỏ lửa đem đến vô số vận may ở Hồng Kông, biến nơi này trở thành một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Ông trùm bất động sản Hong Kong một thời: Pan Sutong
Tuy nhiên giờ đây, tỷ phú này cùng các nhà đầu tư đã từng đi vay "quá tay" trong suốt thời kỳ bùng nổ phải quay cuồng, khốn đốn vì bị mất rất nhiều tiền sau nhiều tháng bất ổn dân sự và đại dịch Covid-19 diễn ra ở Hồng Kông, đẩy nơi này vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử.
Tang Shing-bor, một nhà đầu tư kỳ cựu được mệnh danh là "Vua mua sắm" với lượng tài sản bán lẻ khổng lồ đang tìm cách bán các bất động sản trị giá hàng tỷ USD. Một nhóm các nhà đầu tư đã từng chi 5,2 tỷ USD để mua tòa The Center - thương vụ văn phòng đắt giá nhất thế giới cũng lao đao vì thị trường bất động sản Hong Kong đóng băng một năm trước đó.
Trước tình hình đó, Edward Chan, một nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings ở Hồng Kông, cho biết: "Nếu việc tịch thu tài sản xảy ra thì những công ty đó sẽ lâm vào tình trạng tài chính rất tồi tệ, với nợ nần và đòn bẩy tài chính cao". Ông cũng từ chối bình luận cụ thể về tình hình của Goldin Financial vì S&P không đưa tin về nhà phát triển.
Theo hồ sơ và dữ liệu của sàn giao dịch chứng khoán do Bloomberg tổng hợp, Pan và Goldin Financial đã phải gánh khoản nợ khoảng 38 tỷ đô la Hồng Kông (4,9 tỷ USD) từ tháng 5 năm 2017 đến tháng 9 năm 2020 cho bốn bất động sản ở Hồng Kông. Ít nhất 1 tỷ USD trong số nợ đó vẫn chưa thanh toán và là của Goldin.
Các số liệu khác cũng cho thấy hệ số nợ/EBITDA của Goldin là khoảng 9 lần vào cuối năm 2018. trong khi đó, của Sun Hung Kai Properties Ltd. - nhà phát triển lớn nhất Hong Kong là 2,3 và của HKR International Ltd. là 2 lần. Thậm chí, ngay cả khoản vay 1,1 tỷ USD vào tháng 9 từ CK Asset Holdings Ltd. được tỷ phú Lý Gia Thành hỗ trợ cũng không đủ để giúp Goldin Financial.
Ông Pan chuyển từ sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại di động và máy nghe nhạc MP3 sang bất động sản vào năm 2008. Khi đó, tỷ phú này cũng đổi tên công ty điện tử của mình thành Goldin Properties Holdings Ltd. và mua một công ty niêm yết, đặt tên là Goldin Financial. Năm 2017, Goldin Properties bị hủy niêm yết và Pan đều giữ cổ phần kiểm soát ở cả hai công ty này.
Những bước đi sai lầm là nguồn cơn của sự sụp đổ
Người ta cho rằng, sự sụp đổ của Goldin Financial có thể bắt nguồn từ chiến lược chia tách quyền sở hữu tài sản giữa công ty và lợi ích cá nhân của vị tỷ phú này.
Từ năm 2011 đến năm 2020, ông Pan và Goldin Financial đã mua một trung tâm thương mại và hai bất động sản dân cư. Trong đó, Goldin Financial nắm giữ 60% quyền sở hữu, ông Pan giữ 40% còn lại. Cơ cấu sở hữu cũng tương tự đối với lô đất thứ ba.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2018, ông Pan quyết định muốn có toàn quyền sở hữu một trong những bất động sản dân cư và một phần lớn cổ phần trong một bất động sản khác, nằm trong một khu phố danh tiếng tại Kowloon có tiềm năng sinh lời tốt.
Đổi lại, ông bán cổ phần của mình trong hai bất động sản còn lại cho Goldin Financial, bao gồm 40% cổ phần tại Goldin Financial Global Centre và một khu đất đắt đỏ gần sân bay Kai Tak trước đây.
Do đó, ông Pan trở thành người bảo lãnh duy nhất cho khoản vay 7,19 tỷ đô la Hồng Kông cho một trong những dự án phát triển khu dân cư. Ít nhất bốn ngân hàng liên quan đến khoản vay đã không đồng ý với các điều khoản của thỏa thuận và đã từ chối cho tỷ phú này vay tiền. Điều này khiến Goldin Financial gặp khó khăn trong việc tiếp cận các hạn mức tín dụng tiếp theo.
Dự án Kai Tak sau đó đã thất bại. Vào cuối năm 2019, Goldin Financial cũng không thể huy động được khoản vay nào để tài trợ cho dự án này. Sau đó, công ty đành phải bán lô đất này với giá rẻ khoảng 3,5 tỷ đô la Hồng Kông, chưa bằng một nửa số tiền họ đã trả vào năm 2018.
Tòa nhà chọc trời cùng tên của công ty cũng trở thành "tài sản" để các chủ nợ xâu xé sau khi Goldin Financial không thanh toán kịp thời các khoản nợ. Vào tháng 7 năm 2020, chủ nợ cho vay khoản vay 3,4 tỷ đô la Hồng Kông đã yêu cầu công ty hoàn trả ngay lập tức. Trong khi đó, nhóm chủ đầu tư nắm giữ trái phiếu cao cấp trị giá 6,8 tỷ đô la Hồng Kông của công ty này đe dọa tịch thu khối văn phòng vốn đã được thế chấp này.
Cuối cùng, những người có liên quan đến số trái phiếu kia đã nộp đơn thành công lên Tòa án Tối cao Hồng Kông để được quyền tiếp quản tòa nhà 27 tầng này và được cấp quyền sở hữu vào tháng 9 năm đó. Sau đó, toàn nhà cũng nhanh chóng được bán đi sau nhiều tháng dài đấu thầu.
Được biết, việc bán tòa nhà này đủ để trả cả trái phiếu lần các khoản vay. Hội đồng quản trị của họ tin tưởng rằng một khi thương vụ mua bán này hoàn tất, các thủ tục pháp lý liên quan đến trái phiếu và khoản vay cũng "sẽ được giải quyết một cách êm đẹp."
Tuy nhiên, sau vụ mua bán này, Goldin Financial lâm vào tình thế trớ trêu, từ vị trí chủ nhà chuyển sang đi thuê bởi tòa nhà cũng chính là trụ sở của công ty.
(Theo economictimes, indiatimes)