MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ Con Cưng, Khaisilk...: Quản lý thị trường "không biết", "không thấy"?!

29-07-2018 - 08:33 AM | Thị trường

Vụ Con Cưng, Khaisilk, Mumuso và hầu hết các vụ gian lận thương mại xảy ra thời gian qua đều do khách hàng tố giác, trong khi lực lượng quản lý thị trường lại... "không biết", "không thấy"!

Gần 1 tuần sau khi có quyết định kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Con Cưng của Công ty CP Con Cưng (TP HCM), cơ quan quản lý thị trường (QLTT) vẫn chưa có kết luận chính thức xung quanh nghi vấn liên quan dấu hiệu vi phạm của các cửa hàng này về ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ… Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự chậm trễ của lực lượng QLTT trong công tác quản lý.

Trước Con Cưng, năm 2017, thương hiệu Khaisilk gây chấn động thị trường bởi hành vi "đánh lận con đen" - nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác Việt Nam bán cho khách hàng với giá hàng hiệu trong thời gian dài.

Gần đây hơn, người tiêu dùng thêm một phen choáng váng trước thông tin chuỗi cửa hàng Mumuso nhập đến 99,3% hàng hóa từ Trung Quốc (số còn lại mua từ nguồn trong nước) nhưng quảng cáo xuất xứ Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Tại hội nghị mới đây, Tổng cục Hải quan báo động tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa, như doanh nghiệp (DN) Việt Nam đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc đem về gắn nhãn mác "Made in Vietnam" để trà trộn với hàng hóa xuất xứ trong nước. Cũng có tình trạng các đối tượng nước ngoài móc nối với DN trong nước làm giả xuất xứ Việt Nam đối với các mặt hàng không phải Việt Nam sản xuất nhằm được hưởng các ưu đãi thuế quan ở những nước nhập khẩu.

Các vụ sai phạm lớn bị phanh phui thời gian qua đã đánh trực diện vào niềm tin của người tiêu dùng, bởi nhìn đâu cũng thấy "có vấn đề", nhìn đâu cũng nghi ngờ.

Từ vụ Con Cưng, Khaisilk...: Quản lý thị trường không biết, không thấy?! - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm tại một cửa hàng Con Cưng Ảnh: NGUYỄN HẢI

Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu cửa hàng "treo đầu dê bán thịt chó" lừa dối người tiêu dùng, qua mặt cơ quan chức năng đang hoạt động trên thị trường chưa bị phát hiện, xử lý? Lực lượng QLTT ở đâu và vì sao "không biết", "không thấy"? Có hay không chuyện cán bộ QLTT "cai đầu dài", tiếp tay, dung dưỡng cho vi phạm?

Những câu hỏi trên đặt ra trong bối cảnh gian lận thương mại tràn lan, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương nhiều lần chỉ đạo phải kiểm tra gắt gao, không có "vùng cấm" đối với tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng lậu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ DN làm ăn chân chính. Việc phòng chống gian lận thương mại cũng phải thực hiện nghiêm từ nội bộ cơ quan quản lý nhà nước.

Từ vụ việc của Con Cưng hay Khaisilk, Mumuso, hàng loạt nghi vấn đưa ra nhưng khó có câu trả lời thỏa đáng. Cục trưởng Cục QLTT Trịnh Văn Ngọc từng công khai thừa nhận cơ quan này chưa chủ động trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ chuyên môn của công chức QLTT ở một số đơn vị chưa đồng đều; không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, thậm chí một số người buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Lực lượng QLTT còn mỏng, trong khi tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi, phức tạp.

Kiểm tra chéo để tránh tiêu cực

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, nhiệm vụ của cơ quan QLTT là kiểm tra, giám sát, đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại. Chống hàng gian, hàng giả là cuộc chiến dài hơi, không chỉ đòi hỏi chuyên môn, năng lực mà còn phải có trách nhiệm, bản lĩnh lẫn đạo đức của mỗi cán bộ quản lý nhà nước. Vì vậy, rất cần có cơ chế kiểm tra chéo nhằm gia tăng hiệu quả kiểm tra, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong lĩnh vực này.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT:

Một mình QLTT khó có thể quán xuyến

Tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại diễn biến vô cùng phức tạp. Do đó cần đến các cơ quan chức năng cũng như các hiệp hội/hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc để cùng nhau tham gia góp phần đẩy lùi vấn nạn này.

Lực lượng QLTT cho dù đã nỗ lực cố gắng kiểm tra, kiểm soát trên thị trường nhưng khó có thể quán xuyến được hết mọi thứ. Vì thế, rất cần người dân cung cấp thông tin để QLTT tổ chức kiểm tra, xử lý nhanh các thông tin gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả hiệu quả và nhanh nhất nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật sư Lê Ngọc Luân, Đoàn Luật sư TP HCM:

Luật không nghiêm, khó tránh gian lận hoành hành

Vụ việc của Khaisilk đã chuyển qua cơ quan điều tra (CQĐT) để xác minh từ tháng 12-2017 đến nay, tức gần 8 tháng nhưng chưa thấy có kết luận chính thức, theo tôi là chậm trễ. Điều 147 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong thời hạn 20 ngày, kể từ khi chuyển hồ sơ qua CQĐT, nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp có thể gia hạn tối đa khoảng 4 tháng, CQĐT phải ban hành 1 trong 3 kết luận: Khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án hình sự; tạm đình chỉ việc giải quyết thông tin tội phạm. Theo thông tin do báo chí cung cấp, chính Khaisilk đã thừa nhận sai phạm nên vấn đề này không quá khó với CQĐT. Vì thế, CQĐT cần nhanh chóng ban hành kết luận vụ việc để người dân có niềm tin vào pháp luật. Sai đến đâu thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Còn ở vụ Mumuso và Con Cưng, chính 2 đơn vị này đã thừa nhận sai phạm. Pháp luật quảng cáo, cạnh tranh và các quy định khác đã quy định rất rõ về mức xử phạt hành chính. Trường hợp các vi phạm này ở mức nghiêm trọng thì bị khởi tố hình sự và căn cứ vào hành vi, có thể bị điều tra, truy tố các tội như lừa dối khách hàng, hay sản xuất, buôn bán hàng giả… Luật không nghiêm thì skhó tránh gian lận hoành hành.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM:

Vụ Con Cưng: Chưa thể quy trách nhiệm

Về vụ Con Cưng, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để đi đến kết luận. Vấn đề trước mắt của Con Cưng là chưa làm đúng quy định về nhãn phụ; những vấn đề khác vẫn đang tiếp tục làm rõ.

Từ kết luận vụ việc có thể xác định lỗi thuộc về khâu nào: nhà sản xuất, nhà phân phối hay phía quản lý của hệ thống Con Cưng. Về trách nhiệm quản lý địa bàn, trước mắt vẫn chưa thể quy kết trách nhiệm thuộc về cơ quan nào. Do chưa có kết luận chính thức vụ việc nên chưa thể nói trách nhiệm thuộc về ai, có sự buông lỏng trong quản lý hay không. Khi vụ việc xảy ra, dư luận có đặt vấn đề về sự buông lỏng quản lý nhưng cơ quan nhà nước làm việc theo pháp luật, xử lý vi phạm căn cứ vào quy định của pháp luật.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương:

Cần công khai quy trình kiểm tra, giám sát

Việc cơ quan QLTT kiểm tra các cửa hàng Con Cưng cũng như các vụ vi phạm lớn thời gian qua đặt ra câu hỏi trước đây đã từng kiểm tra các cửa hàng này chưa? Nếu có thì kiểm tra thế nào, thời gian bao lâu, tiêu chí ra sao, có phát hiện vi phạm gì không? Tôi xem trên báo, đài thì thấy lần này, cán bộ QLTT kiểm tra kỹ từng sản phẩm và ghi nhận nhiều nghi vấn liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thương mại, cạnh tranh.

Lâu nay, nhiều DN phản ánh tình trạng các đoàn kiểm tra nhũng nhiễu, vòi vĩnh DN, buộc phải chung chi để được "cho qua" các vi phạm, nếu không sẽ bị làm khó dễ hoặc xử lý thẳng tay. Vậy nên mới có chuyện các vụ vi phạm lớn, có tính hệ thống đều bắt nguồn từ phản ánh, khiếu nại của người dân chứ không phải từ quá trình kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền. Nhân cơ hội này, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là QLTT, cần công khai cho người dân biết bộ máy này đang hoạt động thế nào, quy trình kiểm tra, giám sát ra sao…

Vụ việc lần này cũng bộc lộ tính thụ động của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ở các nước phát triển, hiệp hội/hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động rất hiệu quả. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có. Chúng ta cũng lập ra các hiệp hội/hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hội đang hoạt động bằng ngân sách nhà nước nhưng khi cần vẫn không thấy lên tiếng, phản ứng gì.

T.Nhân - Ng.Ánh - N.Hải ghi

Theo Phương An

Người lao động

Trở lên trên