Từ vụ đại gia Trịnh Văn Quyết, mua bán 'chui' cổ phiếu sẽ bị phạt ra sao ở Mỹ, Trung Quốc?
Thực tế, việc các cá nhân, tổ chức có hành vi mua bán "chui" cổ phiếu như trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết thời gian vừa qua không phải là hiếm gặp. Ví dụ ở Mỹ, Ủy ban Giao dịch chứng khoán (SEC) quy định, mức phạt cao nhất cho hành vi mua bán "chui" cổ phiếu có thể lên đến 20 năm tù giam.
- 12-01-2022Cảnh tượng ‘thích mắt’ nhưng khiến Tổng Giám đốc Vietnam Airlines muốn quên nhất năm 2021!
- 12-01-2022Các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào?
- 12-01-2022Người mua phải bồi thường thế nào khi tự ý bỏ cọc mua đất?
Vào chiều ngày 10/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Đến ngày 11/1, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, HoSE).
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1/2022, thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.
"Mua bán chui" là cụm từ được nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sử dụng để nói về việc lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan mua, bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trước tối thiểu ba ngày làm việc theo quy định của pháp luật, cụ thể văn bản có hiệu lực hiện nay là Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính.
Quốc tế quy định thế nào về hành vi vi phạm việc mua bán "chui"?
Thực tế, việc các cá nhân, tổ chức có hành vi mua bán "chui" cổ phiếu không phải là hiếm gặp. Ở nước ngoài, đơn cử như ở Mỹ, Ủy ban Giao dịch chứng khoán (SEC) năm 2013 đã đưa ra quy định xử phạt dân sự và hình sự với những trường hợp có hành vi mua bán "chui", hay giao dịch nội gián.
Cụ thể, những cá nhân vi phạm sẽ phải chịu mức phạt hành chính gấp 3 lần số tiền lãi (lỗ) kiếm được từ việc giao dịch nội gián. Còn đối với các tổ chức, doanh nghiệp, nếu vi phạm có thể phải đối mặt với mức phạt gấp 3 lần số tiền lãi (lỗ) mà doanh nghiệp, tổ chức đó kiếm được từ các giao dịch nội gián, nhưng không được quá 1 triệu USD.
Thậm chí, trong một số trường hợp, đối tượng vi phạm còn phải đối mặt với các mức án hình sự. Cụ thể, SEC quy định, mức án hình sự cho các đối tượng vi phạm là tối đa 20 năm tù giam; đồng thời, cá nhân sẽ bị phạt 5 triệu USD và 25 triệu USD đối với tổ chức.
Còn ở Trung Quốc, nhằm tăng cường răn đe tội phạm chứng khoán, cuối năm 2020, nước này cũng đã sửa đổi luật hình sự để ban hành khung phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi gian lận, cung cấp sai thông tin và thao túng thị trường. Theo đó, mức án tối đa dành cho tội phạm gian lận phát hành chứng khoán và cung cấp thông tin sai lệch được nâng lên lần lượt 15 năm và 10 năm tù giam.
Các vụ án mua bán "chui" cổ phiếu nổi tiếng
Năm 2001, nhân vật truyền hình nổi tiếng Martha Stewart bán toàn bộ cổ phần của mình tại công ty công nghệ sinh học ImClone. Chỉ hai ngày sau, cổ phiếu của ImClone đã giảm 16% sau khi có thông báo công khai rằng FDA đã không chấp thuận sản phẩm dược phẩm chính của ImClone, Erbitux. Bằng cách bán cổ phần của mình trong công ty trước khi công bố và giá trị cổ phiếu giảm sau đó, Stewart đã tránh được khoản lỗ 45.673 USD.
Tuy nhiên, cô không phải là người duy nhất hưởng lợi từ việc mua bán nhanh chóng. Giám đốc điều hành ImClone vào thời điểm đó, Sam Waksal, cũng đã ra lệnh bán cổ phần rộng rãi của mình trong công ty, chính xác là 5 triệu USD cổ phần, trước khi tin tức được công khai.
Hậu quả, Cựu Giám đốc điều hành ImClone Samuel Waksal đã bị kết án 87 tháng tù giam và bị phạt 3 triệu USD sau khi nhận tội sáu tội danh, bao gồm giao dịch nội gián và gian lận. Còn Martha Stewart kết án 10 tháng tù giam và bị phạt 30 nghìn USD.
Cựu Giám đốc điều hành ImClone Samuel Waksal (trái) và nhân vật truyền hình nổi tiếng Martha Stewart (phải) Nguồn: CNBC.
Một trường hợp khác, Cựu giám đốc quỹ đầu cơ người Mỹ gốc Sri Lanka Raj Rajaratnam từng kiếm được khoảng 60 triệu USD thông qua việc trao đổi thông tin mật với các nhà giao dịch, giới quản lý quỹ đầu cơ và nhân viên chủ chốt của các tập đoàn IBM, Intel Corp và McKinsey & Co (đều của Mỹ). Với 14 tội danh, trong đó có âm mưu và gian lận chứng khoán, Rajaratnam bị tuyên 11 năm tù giam cùng án phạt 92,8 triệu USD vào năm 2009.
Ngoài ra, vào tháng 9/2017, cựu chuyên gia phân tích tài chính của Amazon.com Inc. (AMZN), Brett Kennedy đã bị buộc tội giao dịch nội gián. Cụ thể, Kennedy đã cung cấp cho cựu sinh viên Đại học Washington, Maziar Rezakhani thông tin về tình hình tài chính quý 1/2015 của Amazon trước khi phát hành.
Rezakhani đã trả cho Kennedy 10 nghìn USD để biết thông tin này. SEC cho biết, Rezakhani đã kiếm được 115.997 USD khi giao dịch cổ phiếu Amazon dựa trên tiền boa từ Kennedy. Hậu quả, Brett Kennedy đã bị kết án kết án 6 tháng tù giam, phạt 2500 USD và 2 năm thả tự do có giám sát.