MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần 8-12/7: Xu hướng tăng điểm tiếp tục duy trì, rung lắc là cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu?

Các CTCK như SHS, BVSC, VDSC…đều chung quan điểm tích cực với thị trường và cho rằng nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở những nhịp rung lắc.

Tuần giao dịch đầu tháng 7 diễn ra khá tích cực, đặc biệt trong 2 phiên giao dịch cuối tuần với sự bứt phá của các chỉ số. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,7% so với tuần trước lên 975,34 điểm và là mức điểm cao nhất đạt được trong hơn 1 tháng qua. Những thông tin tích cực từ cuộc gặp Mỹ - Trung bên lề G20, cùng với kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất, hay Dow Jones lập đỉnh mọi thời đại đã tác động tích cực tới tâm lý giới đầu tư trong nước.

Đà tăng tuần qua có sự đóng góp không nhỏ từ nhóm VinGroup (VIC, VHM, VRE), nhóm ngân hàng (tiêu biểu VCB), hay nhóm dầu khí (GAS tăng "bù" tuần trước). Ngoài ra, các cổ phiếu khu công nghiệp, dệt may, chứng khoán…cũng thu hút dòng tiền khá tốt.

Cùng với sự cải thiện về điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện với giá trị khớp lệnh bình quân HoSE đạt 2.682 tỷ đồng/phiên, tăng 4,2% so với tuần trước đó.

Các quỹ ETFs sau giai đoạn phát hành chứng chỉ mạnh trong tháng 6 đã khởi đầu tháng 7 khá trầm lắng. Ngoại trừ VFMVN30 ETF phát hành ròng 6 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng 87 tỷ đồng, các quỹ ETFs khác như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, KIM KINDEX VN30 ETF không có hoạt động nào trong tuần qua. Có lẽ việc chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ FED, cũng như Ngày độc lập Mỹ (4/7) đã khiến dòng vốn ETFs chững lại trong tuần qua.

Tuần 8-12/7: Xu hướng tăng điểm tiếp tục duy trì, rung lắc là cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu? - Ảnh 1.

VFMVN30 ETF tiếp tục phát hành chứng chỉ quỹ tuần qua

Dù dòng tiền ETFs trầm lắng, nhưng khối ngoại vẫn mua ròng gần 50 tỷ đồng trên toàn thị trường tuần qua, tập trung vào PLX (298 tỷ đồng), VJC (69 tỷ đồng), E1VFVN30 (65,3 tỷ đồng)…

Về diễn biến giá dầu, sau giai đoạn hồi phục mạnh cuối tháng 6, giá dầu đã điều chỉnh trong tuần đầu tháng 7. Có thời điểm, giá dầu WTI đã về mốc 56 USD/thùng, nhưng đến phiên 5/7, giá dầu đã hồi phục lên mốc 57,72 USD/thùng, giảm nhẹ 0,74% so với tuần trước.

Xu hướng tăng điểm tiếp tục duy trì, điều chỉnh là cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu?

Trong tuần giao dịch tiếp theo (8-12/7), thị trường không có quá nhiều thông tin trực tiếp tác động. Tâm điểm thị trường sẽ đến vào cuối tháng 7 với những quyết định về lãi suất của FED. Vào cuối tuần trước, báo cáo việc làm của Mỹ đã cho những con số lạc quan khi tạo ra thêm 224.000 việc làm trong tháng 6, cao hơn dự báo 165.000 việc làm của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức 3,7%, cao hơn so với dự báo là 3,6%. Do đó, kỳ vọng FED hạ lãi suất trong tháng 7 (hoặc tháng 9) không phải không có cơ sở. Ước tính của Bloomberg cho thấy khả năng FED hạ 0,25% lãi suất trong kỳ họp tháng 7 này.

Tuần 8-12/7: Xu hướng tăng điểm tiếp tục duy trì, rung lắc là cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu? - Ảnh 2.

Trong nước, những thông tin về KQKD bán niên sẽ dần hé lộ, đây là yếu tố hỗ trợ không nhỏ cho thị trường trong giai đoạn thiếu vắng thông tin hiện nay.

Về xu hướng thị trường, với việc bứt phá mạnh trong tuần qua, VN-Index được kỳ vọng sẽ chấm dứt chuỗi 3 tháng điều chỉnh. Thanh khoản cải thiện, cũng như xuất hiện nhiều dòng cổ phiếu lớn dẫn dắt (nhóm VinGroup, ngân hàng, dầu khí), cùng với việc khối ngoại vẫn mua ròng đang ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, trước mắt VN-Index sẽ những kháng cự "cứng" như vùng 990 điểm (đỉnh tháng 5) hay 1.015 điểm (đỉnh tháng 3). Do đó, những nhịp rung lắc mạnh là điều khó tránh khỏi.

Tuần 8-12/7: Xu hướng tăng điểm tiếp tục duy trì, rung lắc là cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu? - Ảnh 3.

Xu hướng tăng điểm của thị trường được đánh giá cao

Đánh giá về thị trường lúc này, CTCK SHS cho rằng tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn đã khiến cho giao dịch trở nên cởi mở hơn với việc nhà đầu tư sẵn sàng nâng giá cao hơn khi mua vào. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý hiện tại là việc thanh khoản trong tuần qua vẫn chưa quá cải thiện và dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở một số cổ phiếu trụ cột chứ không thực sự lan tỏa trên toàn thị trường. Điều này khiến cho việc tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư vẫn là khó khăn ngay cả khi thị trường tăng điểm tích cực. Khả năng chọn lọc cổ phiếu vào giai đoạn này sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả đầu tư trong giai đoạn thị trường không thực sự sôi động.

SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (8/7-12/7), VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên các ngưỡng cao hơn mà gần nhất là vùng 990 - 1.000 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong tuần tới để giải ngân thêm.

Cũng có cái nhìn tích cực, CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá xu hướng thị trường đã có sự chuyển biến tương đối tích cực và chỉ số hoàn toàn có thể hướng tới vùng cản mạnh 989-992 điểm trong thời gian tới. Khối ngoại duy trì hoạt động mua ròng cùng sự tham gia trở lại của dòng tiền nội trong bối cảnh kỳ công bố kết quả kinh doanh quý 2 đang đến gần, sẽ là những yếu tố tạo động lực cho diễn biến thị trường trong ngắn hạn.

Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ có diễn biến khởi sắc với sự dẫn dắt của VCB, còn nhóm dầu khí như PVS, GAS nhiều khả năng sẽ quay lại xu thế tăng điểm trong tuần tới. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG, VHM, VJC, PLX, SSI…, và các nhóm ngành hưởng lợi từ vĩ mô như dệt may, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực và thu hút được sự quan tâm của dòng tiền.

BVSC cho rằng nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để nâng tỷ trọng danh mục lên mức 55-60% cổ phiếu trong giai đoạn này, tập trung vào các nhóm cổ phiếu được dự báo có kết quả lợi nhuận tích cực trong quý 2.

Chung quan điểm, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng xu hướng tăng điểm tích cực đang diễn ra trên TTCK, phiên cuối tuần có biên độ dao động nhẹ do có phần chốt lời của nhà đầu tư và tâm lý xem xét lại danh mục. VDSC đánh giá xu hướng tích cực này vẫn có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Quý nhà đầu tư có thể xem xét tìm kiếm cơ hội giải ngân hợp lý.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên