MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần giao dịch cuối tháng 3: Lo ngại chiến tranh thương mại lan rộng toàn cầu, VnIndex liệu có phá đỉnh?

HSC đánh giá cả nền kinh tế và TTCK Việt Nam không chịu nhiều ảnh hưởng từ việc áp thuế. Cho dù vậy, có thể thấy rõ ràng là lực kháng cự đang tăng lên khi VnIndex tiến dần tới mốc 1200.

Tuần giao dịch vừa qua diễn ra với tâm lý lạc quan của giới đầu tư trong những ngày đầu tuần. Việc FED tăng lãi suất thêm 0,25% không còn quá lo ngại và các TTCK trên Thế giới, bao gồm Việt Nam đều bứt phá khá mạnh sau thông tin này. Trong phiên 22/3, chỉ số VnIndex đã chạm tới 1.180,44 điểm, mức cao nhất trong lịch sử TTCK Việt Nam.

Tuy vậy, tâm lý thận trọng của giới đầu tư tại vùng đỉnh lịch sử, và đặc biệt quyết định áp thuế quan 60 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc của Mỹ dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu nổ ra đã ảnh hưởng tiêu cực tới xu hướng TTCK Việt Nam.

Theo đó, kết tuần giao dịch, VnIndex chỉ dừng tại 1.153,59 điểm, giảm hơn 2% so với mức cao nhất đạt được. Dù vậy, so với đầu năm, VnIndex vẫn tăng 17,21% và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Các nhóm cổ phiếu tăng "nóng" trong thời gian qua như ngân hàng, chứng khoán đã bị chốt lời khá mạnh. Ngược lại, vẫn có một vài cổ phiếu hiếm hoi như VIC, DHG, VHC…đi ngược xu hướng và điều này giúp tâm lý thị trường trở nên không quá tiêu cực.

Giao dịch khối ngoại cũng là điểm nhấn đáng chú ý khi họ tiếp tục mua ròng hơn 400 tỷ trên toàn thị trường. Việc khối ngoại mua ròng trong bối cảnh FED tăng lãi suất, cũng như biến động khó lường từ TTCK quốc tế góp phần quan trọng giúp thị trường ổn định hơn trong những phiên biến động mạnh cảu thị trường.

Tuần giao dịch cuối tháng 3: Lo ngại chiến tranh thương mại lan rộng toàn cầu, VnIndex liệu có phá đỉnh? - Ảnh 1.

TTCK Việt Nam sẽ ra sao trong tuần giao dịch mới?

Trong nước, thông tin vĩ mô trong quý 1 vẫn khá tích cực và đa số các dữ liệu sẽ được cập nhật trong tuần tới, cùng với KQKD sơ bộ quý 1, cũng như những thông tin về ĐHCĐ, kế hoạch kinh doanh, cổ tức sẽ giúp ổn định tâm lý và giúp thị trường hồi phục sau phiên biến động đột ngột cuối tuần qua.

Giao dịch khối ngoại cũng là điểm nhấn đáng lưu ý, cho thấy dòng vốn liệu có rút ra hay tiếp tục bơm vào Việt Nam, bất chấp những biến động thị trường quốc tế gần đây. Nếu xu hướng mua ròng của khối ngoại tiếp tục duy trì sẽ là điều tích cực cho thị trường và việc giảm sâu là khó có thể diễn ra.

Giá dầu Thế giới những phiên gần đây đang bứt phá khá mạnh lên sát ngưỡng 66 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 tới nay. Việc giá dầu hồi phục đang mang đến hy vọng cho các nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chú ý tới khả năng thực hiện các dự án nói riêng của các doanh nghiệp dầu khí, thay vì chỉ nhìn vào giá dầu.

Bên cạnh đó, thông tin về vấn đề thuế quan giữa Mỹ, Trung Quốc và với các quốc gia khác sẽ tiếp tục là thông tin nhạy cảm trong thời gian tới. Xu hướng TTCK toàn cầu, có thể cả Việt Nam sẽ phụ thuộc vào những thông tin này.

Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK HSC cho rằng tác động từ thông tin áp các loại thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã thể hiện rõ, đặc biệt là tại thị trường châu Á. Tuy nhiên những phiên giảm mạnh như cuối tuần trước thường không kéo dài vì hiện vẫn còn thời hạn 30 ngày trước khi chính thức áp thuế. Ngoài ra nhiều khả năng một giải pháp sẽ đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua đàm phán. Đồng thời, ảnh hưởng của những loại thuế trên đối với nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ không lớn.

Theo đó, HSC cho rằng phiên giảm cuối tuần trước chỉ là động thái điều chỉnh ngắn hạn. HSC đánh giá cả nền kinh tế và TTCK Việt Nam không chịu nhiều ảnh hưởng từ việc áp thuế. Cho dù vậy, có thể thấy rõ ràng là lực kháng cự đang tăng lên khi VnIndex tiến dần tới mốc 1200. Hiện tại, mặt bằng định giá đã cao đồng đều ở các ngành cho dù cổ phiếu nhóm ngành dẫn dắt thị trường là ngành ngân hàng đã điều chỉnh vài phiên vừa qua.

Trong khi đó, CTCK BSC lại có nhận định có phần lạc quan hơn. Theo BSC, mặc dù VnIndex mất vùng đỉnh tâm lý, nhưng diễn biến thị trường không quá tiêu cực khi (1) Lực bán tháo không quá mạnh trong khi lực cầu tranh thủ bắt giá thấp khiến giao dịch ở mức trung bình khá, (2) Thị trường phân hóa, một số cổ phiếu chủ chốt vẫn giữ nhịp và (3) Tốc độ vào lệnh ở không cao và thị trường vẫn có tính đàn hồi tốt.

Do vậy, BSC cho rằng xu hướng và tâm lý tích cực của thị trường vẫn chưa thay đổi, thị trường suy yếu tạm thời chỉ do tác động nhất thời từ thông tin quốc tế. Thị trường sẽ sớm hồi phục lại vào đầu tuần tới, nhịp điều chỉnh tiếp tục là cơ hội cho NĐT tăng vị thế đầu tư cho chu kỳ tăng trưởng giá sắp tới.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên