MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng to tiếng quát mắng khi con lỡ làm sai, MC 4 con dần "sửa mình" chỉ nhờ 1 hành động nhỏ

29-12-2023 - 22:07 PM | Sống

Từng to tiếng quát mắng khi con lỡ làm sai, MC 4 con dần "sửa mình" chỉ nhờ 1 hành động nhỏ

Đôi khi, hành động của cha mẹ sẽ gây ảnh hưởng đến tính cách hay cách đối xử của trẻ với những người khác.

Khi con chẳng may làm rơi đồ, khay ăn hay cốc nước xuống sàn, điều đầu tiên cha mẹ nói chắc chắn sẽ là trách móc, quát mắng, thậm chí là phạt con. Thế nhưng, điều đó không làm cho sự việc trở nên tốt hơn mà chỉ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, dẫn đến không dám tự làm việc gì. Điều này vô tình tước đi cơ hội để trẻ thử thách bản thân.

Mới đây, bà mẹ 4 con Minh Trang cũng đã chia sẻ câu chuyện của bản thân mình trên hành trình dạy con. Nữ MC cũng đã từng quát mắng khi con lỡ may làm đổ khay ăn xuống sàn. Lúc đó, con chỉ biết khóc vì sợ. Thế nhưng, sau này chỉ vì một hành động nhỏ của các con, bà mẹ trẻ đã dần thay đổi cách suy nghĩ của bản thân.

Từng to tiếng quát mắng khi con lỡ làm sai, MC 4 con dần sửa mình chỉ nhờ 1 hành động nhỏ - Ảnh 1.

"Vì sao mình không mắng mỏ, trách móc các bạn nhỏ nhà mình khi các bạn ấy lỡ chẳng may làm sai hỏng, đổ vỡ các thứ?

Hồi còn chập chững bước vào hành trình làm cha mẹ, mình cũng như rất nhiều bạn, lúc con còn nhỏ, lóng ngóng làm rơi vỡ, đổ đủ, mình bực lắm, cáu lắm, nghĩ đến việc phải dọn dẹp trong khi đã đủ bận bao nhiều việc, chỉ muốn trút hết cái sự bực tức đó vào những lời trách móc liên hồi, có bao nhiêu mệt mỏi trước đó cũng tuôn ra bằng hết, xả cho bằng sạch.

Nhưng rồi có những khoảnh khắc đã khiến mình nhận ra...

Đó là hồi Daisy 3 tuổi, đang tập ăn đũa, tay còn lóng ngóng, loay hoay 1 hồi rồi văng nguyên cả khay ăn xuống sàn, nguyên bữa cơm hôm đó kết thúc trên sàn nhà, mình thì đang ốm nghén vì bầu bạn Bánh Mì, mình quát to lắm, Daisy khi ấy chắc là rất sợ, òa lên khóc nấc không thành tiếng, mắt cứ thế ầng ậng nước. Sau này khi bình tĩnh lại, mình hỏi thăm con thì bạn ấy nói lúc vừa làm đổ khay ăn, chính bạn cũng rất sợ và tiếc lắm, còn chưa biết phải làm gì thì bị mẹ mắng cho 1 tràng...

Đó là hồi chính mình vô ý đánh rơi vỡ 1 chiếc bát sứ rất đẹp, tìm mãi mới sưu tập được, họa tiết thỏ Peter Rabbit xinh lắm… Rơi vỡ xong, mình cứ đứng như bất động vài giây vì vừa bất ngờ vừa tiếc, còn chưa biết sẽ làm gì lúc đó thì đã thấy Daisy nhanh nhẹn đi lấy chổi xẻng, Bánh Mì thì lùa 2 em đứng gọn lên ghế salon vì đang có nhiều mảnh vụn rơi rải rác trên sàn nhà. Không có bạn nào bực bội hay trách móc gì mẹ nửa lời, mà chỉ rất khẩn trương và tập trung chia nhau xử lý, hỗ trợ mẹ, còn an ủi mẹ nữa chứ!

Hoá ra vụng về và lóng ngóng là một phần tất yếu của quá trình học hỏi, luyện tập và làm quen với bất kỳ 1 kỹ năng mới nào.

Mà thực ra là kể cả khi thành thạo, sẽ không thể tránh khỏi những lúc giời xui đất khiến kiểu gì đó mà chúng ta có thể lỡ tay làm rơi hỏng, đổ vỡ.

Người lớn chúng mình còn ối lần lỡ tay chẳng vì bất kỳ lí do cụ thể nào cả. Nếu tự mình làm đổ, mình cũng chỉ thở dài rồi tự dọn thôi, chỉ có thể tự trách mình bất cẩn. Vậy nên nếu các bạn nhỏ còn vụng về, thì thay vì quát nạt, mình sẽ rút kinh nghiệm lần sau phải có cách "quản lí rủi ro" tốt hơn, hoặc nhân cơ hội bị rơi hỏng đổ vỡ đó để chỉ cho con thấy con cần cải thiện thế nào, con đã làm sai ở đâu, rồi mình sẽ hướng dẫn con cách dọn dẹp.

Làm sai, làm chưa tốt, thậm chí là thất bại cũng có mặt tích cực của nó nhé. Đó là chúng ta sẽ dạy được con cách đối diện với vấn đề của chính mình và những người xung quanh, biết cách xử trí hợp lý và thái độ phù hợp. Mọi thứ đều có sự tiếp nối trao truyền. Cha mẹ ở nhà có thể bao dung và cùng con đối diện với lỗi sai của con một cách tích cực, thì chính con sau này ra đời, cũng sẽ có thái độ tương tự với những lỗi sai của chính mình và mọi người xung quanh... Nếu làm được như vậy, thì mỗi lần làm sai, làm hỏng của con ngày hôm nay, cũng có giá trị riêng đó nhé!

Hồi xưa lúc chưa có con nhỏ, nghe câu thành ngữ 'don't cry over spilled milk' với đọc câu chuyện về bà mẹ để cho đứa con nhỏ được chơi 1 lúc cùng vũng sữa con vừa làm đổ ra sàn, mình cũng chưa hiểu hết ý nghĩa đâu. Giờ thì cũng thấm thía rồi…

Vừa hôm qua thôi, mình tự làm 1 bát sữa chua với việt quất và chuối sấy để ăn đêm, xong xuôi đẹp đẽ rồi, chỉ bê từ bếp ra bàn ăn mà chẳng hiểu sao lỡ tay đánh đổ".

Từng to tiếng quát mắng khi con lỡ làm sai, MC 4 con dần sửa mình chỉ nhờ 1 hành động nhỏ - Ảnh 2.

Cha mẹ thế nào - con cái thế đó

Rất nhiều gia đình thấy con đánh đổ nước sẽ lập tức la lối "trời ơi có mỗi thế mà cũng làm đổ", "không làm được cái gì nên hồn"...

Sau mỗi lần bị mắng như thế, trẻ sẽ cảm thấy rất sợ hãi mỗi khi mắc lỗi. Về lâu về dài, con nảy sinh tâm lý ngại làm bất kì việc gì, che giấu để không bị mắng. Có rất nhiều trường hợp con phải ăn cơm trong nước mắt chỉ vì phạm phải lỗi nhỏ.

Cách ứng xử của cha mẹ trong những lúc con phạm sai lầm là cực kỳ quan trọng, là cơ sở hình thành tâm lý và tính cách của con sau này. Nếu bố mẹ quát tháo, bực dọc sẽ hình thành nên đứa con sợ hãi, không dám làm việc gì. Ngược lại, bố mẹ kiên nhẫn, bình tĩnh giúp con học được cách xử lý tình huống tốt hơn, đồng thời con cũng sẽ rất biết ơn vì cảm nhận được rằng bất kì chuyện gì cũng đều có cách giải quyết của nó.

Cha mẹ thế nào - con cái thế đó. Trẻ con học không phải điều bạn dạy mà là điều trẻ nghe, điều trẻ thấy bạn làm. Khi bạn la mắng quát tháo ai đó thì đừng mong đứa trẻ sẽ nói chuyện lễ phép với bạn và ai đó. Khi bạn thất hứa hết lần này đến lần khác với trẻ thì rất khó bắt trẻ sẽ nói thật với bạn và người khác. Khi bạn và chồng bạn lục đục cãi vã mỗi ngày thì khó mong trẻ là 1 người lắng nghe và chia sẽ tốt sau này.

Cha mẹ sẽ bất ngờ khi đôi lúc nhìn thấy chính bản thân mình qua con cái. Cách hành xử và nuôi dạy của ba mẹ sẽ ngấm từ từ vào tâm lý, tính cách con. Sẽ thật tuyệt nếu con nói rằng ba/ mẹ là hình mẫu lý tưởng mà con muốn hướng tới.

Đó là những điều tất yếu xảy ra trên hành trình trưởng thành của con

Trẻ em học hỏi qua việc khám phá thế giới xung quanh. Đặc biệt giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn con cực kỳ tò mò với thế giới xung quanh, con luôn khát khao tự làm mọi việc như người lớn. Con luôn mong muốn biết về thế giới xung quanh con và tự bản thân con được trải nghiệm thế giới đó.

Tuy nhiên, với quá nhiều quy tắc trong môi trường sống, cộng thêm vóc dáng cơ thể nhỏ bé và những động tác vụng về, con khó lòng có thể thực hiện chúng một cách trọn vẹn. Điều đó dẫn tới những đổ vỡ không mong muốn mà ngay cả bản thân con cũng không hề mong như vậy.

Vậy nên, trong trường hợp này, các ba mẹ phải hết sức bình tĩnh và xem đó là chuyện bình thường. Chúng ta hãy khuyến khích, động viên con thay vì quát mắng con, bởi hình phạt lớn nhất lúc này chính là cảm giác ăn năn trong lòng trẻ.

Hãy cứ để cho con tự trải nghiệm, tự vấp ngã và học hỏi từ chính những vấp ngã đó. Đó là một cách học thông minh và hiệu quả hơn nhiều so với việc nhồi nhét vào đầu con những quy tắc, cấm đoán. Nếu cha mẹ đối diện và xem chuyện xảy ra là điều tất yếu trong quá trình trưởng thành của con thì mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Theo An Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên