Tuổi 30 từng đứng trên bờ vực phá sản, nhà đầu tư tiết lộ bí quyết xây dựng lại sức khỏe tài chính từ "con số âm"
Sức khỏe tài chính tốt không phải trong ngày một ngày hai mà có thể hình thành, nó là sự đúc kết từ việc rèn luyện và tuân thủ nguyên tắc tài chính qua nhiều năm tháng.
- 27-11-2022Câu chuyện ít biết về 'cha đẻ' thương hiệu đồng hồ nổi tiếng Thụy Sĩ
- 27-11-2022Siêu xe Praga Bohema giá hơn 1,3 triệu USD có gì đặc biệt?
- 27-11-2022Định luật làm giàu - người càng nhiều tiền càng thích chi tiêu kiểu “thắt lưng buộc bụng"
- 27-11-2022Lương cứng 10 triệu vẫn là mơ ước của nhiều người trẻ
- 27-11-2022Dừng chân ở xứ Nẫu, thưởng thức bánh canh hẹ nức tiếng dành cho hội yêu màu xanh
Một người có tài chính khỏe năm 20 tuổi không đồng nghĩa với việc tài chính người đó sẽ khỏe mãi đến năm 50 tuổi. Ngược lại, còn trẻ nhưng tài chính chưa tốt, chỉ cần chăm chỉ thực hành những "bài tập", sức khỏe tài chính sẽ dần được cải thiện.
Vì vậy, người ta mới ví sức khỏe tài chính cũng giống như sức khỏe thể chất. Bạn cần quan tâm đủ, tập luyện hàng ngày, bắt đầu càng sớm càng tốt và cho dù bạn ở bất cứ độ tuổi nào,việc thực hành cũng không bao giờ là quá muộn. Từ những thực hành tài chính nhỏ, qua rèn luyện, chúng ta sẽ có được một chìa khóa rất quan trọng, đó chính là những thói quen tốt để đạt được tự do tài chính.
Là một người từng đứng trên bờ vực phá sản, trắng tay và gánh trên lưng nhiều khoản nợ nần, nhà báo Bùi Hà cũng chia sẻ với chương trình MONEYTalk số 47 về những kinh nghiệm trong quá trình vực dậy sức khỏe tài chính của bản thân.
“Trong suốt hơn 20 năm làm việc, tôi đã trải nghiệm qua nhiều trạng thái khác nhau của hoạt động quản lý tài chính cá nhân, trong đó có kiếm tiền, tiêu tiền, mất hết tiền và ngày ngày trả nợ. Đó trở thành những kinh nghiệm để hiểu hơn vai trò quan trọng của gymoney”, cô chia sẻ.
“Từ 25 đến 30 tuổi, tôi từng kiếm được rất nhiều tiền, đến mức mỗi năm tôi đều có thêm được những tài sản giá trị như bất động sản, xe hơi… Điều đó khiến tôi nảy ra một suy nghĩ kiêu ngạo là: Kiếm tiền thật dễ. Cứ mang tâm lý đó, tôi gặp gỡ một dự án lớn vào năm 35 tuổi và quyết định ‘tất tay’ toàn bộ tài sản của mình. Tôi bỏ hết mọi thứ đang làm để tập trung tham gia dự án, thậm chí mang nhà đi thế chấp để dồn hết tiền bạc.
Tuy vậy, dự án cuối cùng lại đi đến thất bại. Tôi không có việc làm, mất trắng toàn bộ, trên vai còn gánh một đống nợ từ ngân hàng cũng như người quen. Cùng lúc đó, tôi đổ bệnh rất nặng. Mọi thứ kéo sụp tôi xuống và khiến quãng thời gian đó trở nên vô cùng kinh khủng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình từng thành công đến thế, nhưng 35 tuổi lại rơi vào khủng hoảng thậm tệ.”
“Lòng tham và sự kiêu ngạo khiến mình nghĩ mình luôn thành công, ngày càng thành công rực rỡ và đổi đời. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải”, cô đúc kết.
Những kinh nghiệm thuở trẻ khiến cô nhận ra sai lầm tai hại của mình đến từ việc thiếu kiến thức về sức khỏe tài chính. Do đó, khi được lựa chọn 3 cuốn sổ cần thiết nhất với bản thân, nhà báo Bùi Hà đã lựa chọn: Sổ đỏ, sổ tiết kiệm ngân hàng và sổ bảo hiểm.
“Sổ đỏ đương nhiên là quan trọng vì chúng ta luôn cần phải có một ngôi nhà. Sổ tiết kiệm sẽ là khoản tiền khẩn cấp, có tính thanh khoản cao nhất mà bản thân luôn cần phải có. Cuối cùng, vì bản thân từng trải qua những lúc bệnh nặng, tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của bảo hiểm. Đó sẽ là nền tảng giúp mình đi qua khoảng thời gian khó khăn nhất về thể chất mà không quá lo lắng về tiền bạc”, nhà báo Bùi Hà lý giải.
Trong chương trình, cả chuyên gia và nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm đều khẳng định rằng, rèn luyện về kỷ luật và cảm xúc khi đầu tư là nhân tố vô cùng quan trọng.
Anh Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc huấn luyện và hỗ trợ kinh doanh Công ty CP chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), cho rằng: “Cảm xúc là yếu tố ‘bất lợi’ vì khi chúng ta tự tin quá, kiêu ngạo quá thì sẽ luôn phải ‘trả giá’. Chẳng hạn như, bản thân tôi làm trong ngành tài chính nên đôi khi nhận được nhiều thông tin hơn người khác. Đặc biệt là có những thông tin khiến tôi chắc chắn mình kiếm được rất nhiều tiền vậy là dồn hết mọi thứ vào. Cuối cùng, chính sự kiêu ngạo đó đã khiến tôi mất tiền như vậy tận 3 lần.”
Do đó, anh nhận định: “Đầu tư là một quá trình, chứ không thể mong ‘đánh liều đổi đời’. May mắn chỉ là một yếu tố rất hiếm hoi xảy ra, dành cho một số rất ít người có thể gặp được. Do đó, đại đa số chúng ta nên tập trung chạy đường dài, rèn luyện sức khỏe tài chính của bản thân trở nên bền bỉ hơn, vững vàng hơn.”
Chuyên gia khẳng định rằng, “gymmoney” - rèn luyện sức khỏe tài chính rất vui, chứ không áp lực như khi tập gym. Quá trình này giúp bạn học được cách thu xếp cuộc sống hợp lý hơn, chú đáo hơn và đó cũng là quá trình mà bạn ngày càng trở nên thông thái hơn.
Trí Thức Trẻ