Tướng Cương nói về vụ ông Phan Văn Vĩnh: Ranh giới tốt xấu mong manh, qua trăm trận vẫn sa ngã
Theo các tướng, việc xử lý, bắt ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa thể quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trong việc làm trong sạch lực lượng, xử lý không có vùng cấm.
- 08-04-2018Hành vi ông Phan Văn Vĩnh đang bị điều tra có khung hình phạt cao nhất 15 năm
- 07-04-2018Vì sao cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị bắt?
- 07-04-2018Khám xét nhà ông Phan Văn Vĩnh trong đêm
- 06-04-2018Đường sự nghiệp của cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh vừa bị bắt
Quyết tâm rất cao làm trong sạch bộ máy
Vụ án Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố đang được Công an tỉnh Phú Thọ mở rộng điều tra làm rõ.
Liên quan vụ án này đã có gần 90 người bị khởi tố, trong đó có hai cựu công an cấp tướng. Họ là Phan Văn Vĩnh - cựu Trung tướng, cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an).
Chia sẻ góc nhìn về vụ việc này, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho biết ông thấy rất buồn, đau xót khi chứng kiến có tới 2 cán bộ từng là sĩ quan cấp tướng, lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng công an bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án đánh bạc xuyên quốc gia.
Tướng Thành cho rằng, việc khởi tố ông Vĩnh và ông Hóa thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong việc làm trong sạch bộ máy và lực lượng.
"Đảng, Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm, dù là ai, ở bất cứ cương vị nào như ông Hóa, ông Vĩnh là rất tốt. Việc đó góp phần làm trong sạch bộ máy, tạo niềm tin cho nhân dân", tướng Thành nói.
Cùng tâm trạng với tướng Nguyễn Việt Thành, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) bày tỏ, ông thấy đau đớn khi chứng kiến 2 cán bộ từng là cấp tướng của lực lượng công an bị bắt vì liên quan đến vụ án đánh bạc quy mô lớn.
Khi mà hàng trăm nghìn chiến sĩ công an đang ngày đêm đấu tranh với các tổ chức, băng nhóm tội phạm thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật của ông Vĩnh, ông Hóa không chỉ khiến tôi mà cả lực lượng cảm thấy bị xúc phạm - tướng Cương chia sẻ.
"Việc xử lý ông Hóa, ông Vĩnh cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, mà như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, không có vùng cấm trong xử lý cán bộ, dù là bất cứ ai", ông Cương nói.
Ông Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Thanh Hóa.
Đừng vì "con sâu" mà nghĩ sai về lực lượng
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, môi trường hoạt động của lực lượng công an rất đặc thù, không giống bất cứ ngành, nghề nào.
Lực lượng công an phải lặn sâu vào trong thế giới ngầm, thế giới đen để tìm ra tội phạm, giữ bình yên cuộc sống cho người dân. Khi đã lặn trong môi trường đó sẽ dễ bị cám dỗ, mua chuộc nếu không có đủ bản lĩnh, ý chí, quyết tâm.
Tuy còn có những 'con sâu' trong ngành, nhưng người dân, xã hội không nên có suy nghĩ xấu, đánh giá sai về lực lượng công an. Các chiến sĩ công an vẫn đang ngày đêm túc trực, phối hợp với các lực lượng bảo vệ bình an cho Tổ quốc, nhân dân.
Chưa kể, nhiều chiến sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm, tham gia triệt phá, thu giữ hàng tấn ma túy mỗi năm để cứu biết bao con người thoát khỏi cái chết "trắng" - tướng Cương bày tỏ.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an cho rằng, giữa cái tốt - cái xấu rất mong manh. Có người đã trải qua hàng trăm trận đánh án nhưng vẫn có thể sa ngã như ông Vĩnh, ông Hóa - đó là bình thường.
Trong cuộc đời, tiền và quyền lực có sức hút với nhiều người, nhưng cần có điểm dừng đúng lúc. Khi đã vượt qua ranh giới mong manh giữa cái tốt - cái xấu thì dù có công lao, có trải qua trăm trận đánh án rồi sẽ bị phát hiện, xử lý giống như ông Vĩnh, ông Hóa - tướng Cương nói.
Con đường, sự nghiệp của ông Phan Văn Vĩnh.
Thời Đại