MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai đạt 'đẳng cấp Châu Á' của thành phố thuộc top thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam

Về tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Về tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Tương lai đạt 'đẳng cấp Châu Á' của thành phố thuộc top thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định ngày 2/11 phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu quy hoạch TP Đà Nẵng phát triển đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ...

Về tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Theo Quy hoạch, Đà Nẵng sẽ triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.

Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.

Tương lai đạt 'đẳng cấp Châu Á' của thành phố thuộc top thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Sông Hàn lung linh về đêm. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại.

Đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột:

Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị gia tăng cho trụ cột du lịch.

Kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Trung tâm dịch vụ chất lượng cao. Định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chuẩn "chất lượng cao" ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.

Tương lai đạt 'đẳng cấp Châu Á' của thành phố thuộc top thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Bên cạnh đó, Đà Nẵng được quy hoạch trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước, phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.

Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng cao thứ 6 cả nước, trong đó, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương tại thành phố Đà Nẵng đạt hơn 7,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 15,3% so với năm 2021.

Năm 2022, GRDP bình quân đầu người ở Đà Nẵng đạt 102,6 triệu đồng, tăng 13,8% so với năm 2021.

Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 200-220 triệu đồng (giá hiện hành), gấp đôi so với năm 2022.

Theo Duy Anh

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên