MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai u ám trong bức tranh tiêu thụ đường

28-05-2017 - 20:24 PM | Thị trường

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khoẻ và ý thức việc giảm sử dụng đường, đúng thời điểm giá đường tăng cao càng làm giảm sử dụng đường để chuyển sang những sản phẩm thay thế...

"Cuộc chiến trên thị trường đường" đang bùng nổ khi các chính phủ và người tiêu dùng đồng loạt e ngại đối với tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng như bệnh tiểu đường khiến tăng trưởng nhu cầu đường trên toàn cầu chậm lại đáng kể, trong bối cảnh một số yếu tố khác cho thấy tiêu thụ đường có thể sẽ có những sự thay đổi đáng kể trong tương lai.

Theo kết quả phân tích của một nhóm nghiên cứu thuộc Platts Kingsman, tiêu thụ đường trong năm marketing 2017/18 có thể chậm nhất trong vòng 7 năm, chỉ tăng khoảng 1,04%, bằng một nửa mức tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm suốt thập kỷ qua.

“Tiêu dùng nhìn chung trì trệ ở tất cả các nước phát triển”, Tom McNeill, giám đốc công ty phân tích hàng hóa Green Pool cho biết.

Ở các thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khoẻ và ý thức việc giảm sử dụng đường, đúng thời điểm giá đường tăng cao càng làm giảm sử dụng đường để chuyển sang những sản phẩm thay thế như syrô ngô có hàm lượng fructose (high-fructose corn syrup (HFCS) tại các nước đang phát triển.

Nhu cầu đường từ các nhà sản xuất đồ uống và nước giải khát trên toàn cầu cũng giảm sút, tất cả cùng lúc tạo nên một “nền tảng vững chắc” để thay đổi cơ bản việc tiêu thụ đường trên toàn cầu. Trong báo cáo công bố ngày 7/5, Tropical Research Services cho biết: “Rõ ràng xu hướng dài hạn là tăng trưởng nhu cầu đường toàn cầu đã thay đổi hướng đến tốc độ chậm hơn”.

Có ít nhất 17 nước và một số thành phố ở Mỹ đã tăng thuế đánh vào nước giải khát có lượng đường cao, và 11 quốc gia khác đang xem xét hành động tương tự. Một số quốc gia thậm chí còn mạnh tay hơn trong vấn đề này: nước Pháp ngoài tăng thuế đối với nước giải khát có lượng đường cao còn bổ sung những biện pháp khác như cấm máy bán hàng tự động tại các trường học. Chile năm ngoái cũng đã đưa ra những nhãn hiệu cảnh báo dán trên những thực phẩm có lượng đường, muối và dầu mỡ cao.

Tại Mexico, nơi 1/3 người trưởng thành bị béo phì, Chính phủ đã đánh thuế vào nước giải khát có đường từ năm 2014. Mặc dù tác dụng của hành động này còn phải mất nhiều năm mới có thể đánh giá được, nhưng những dữ liệu ban đầu cho thấy tiêu dùng nước giải khát ở Mexico đã giảm 12% kể từ khi áp thuế nêu trên. Năm 2016, Anh – nơi có tỉ lệ người bị béo phì thuộc hàng nghiêm trọng nhất châu Âu - cũng bắt đầu đánh thuế đối với những loại nước giải khát hay nước ngọt có hàm lượng đường quá mức trong vòng hai năm nhằm giảm tỉ lệ trẻ em béo phì.

Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil đều đang giảm tốc độ sử dụng đường

Ở những quốc gia có thu nhập cao như Nauy và Canada, tiêu thụ đường đã giảm, theo số liệu của Euromonitor. Và ngay cả ở những nước đang phát triển, nơi dân số tăng nhanh và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, sự “yêu thích” đường cũng đang suy yếu dần.

Sử dụng đường ở Ấn Độ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng 1 triệu tấn trong niên vụ này, theo Hiệp hội Mía đường Ấn Độ (ISMA), do giá trong nước tăng quá cao và khủng hoảng tiền mặt sau khi Thủ tướng ra lệnh ngừng lưu hành tiền có mệnh giá lớn để chống tham nhũng. Đầu năm nay Chính phủ Ấn Độ quyết định ngừng trợ giá đường cho các gia đình nghèo cũng góp phần làm giảm tiêu dùng. ISMA dự báo tiêu thụ đường ở quốc gia này có thể hồi phục trong năm tới khi sản lượng tăng trở lại mức bình thường và giá giảm, nhưng các nhà phân tích cho rằng sẽ vẫn chưa thể chắc chắn về tốc độ tăng tiêu thụ trong dài hạn vì Chính phủ tăng thuế và quy định chặt chẽ hơn về dán nhãn đối với các thực phẩm có đường. Và “nếu Ấn Độ - nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới - cũng tham gia vào phong trào kiềm chế sử dụng đường thì sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng tiêu thụ trên toàn cầu”, nhà phân tích cấp cao của F.O. Licht cho biết.

Nhu cầu đường ở Trung Quốc – nước tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới – cũng trì trệ do giá các chất ngọt như HFCS giá rẻ hơn ngày càng trở nên phổ biến. Ngày 22/5 Trung Quốc đã công bố quyết định cuối cùng sau cuộc điều tra về mặt hàng đường nhập khẩu vào nước này, theo đó Bắc Kinh sẽ bắt đầu đánh thuế trong ba năm đối với lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất đường trong nước. Mức thuế mà Trung Quốc sẽ áp dụng là 45% từ ngày 22/5/2017 đến ngày 21/5/2018, sau đó sẽ giảm xuống còn 40% và 35% trong mỗi năm kế tiếp.

Các mức thuế này sẽ không áp dụng đối với lượng đường nhập khẩu nằm trong hạn ngạch 1,95 triệu tấn cho năm 2017. Hiện tại, Trung Quốc đang cho phép nhập khẩu 1,94 triệu tấn tương đương 15% như một phần cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quy định thuế mới sẽ ảnh hưởng tới 1/3 lượng đường nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc. Giá đường tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với giá thế giới do động thái của Chính phủ, và điều đó có thể sẽ càng khích lệ người tiêu dùng gia tăng sử dụng HFCS.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tháng trước đã hạ khoảng 10% mức đánh giá về nhu cầu đường của Trung Quốc trong các năm 2015/16 và 2016/17 bởi những dấu hiệu cho thấy mức tăng ít hơn so với các dự báo trước đây.

“Người dân Trung Quốc vẫn ăn kem và uống nước giải khát”, nhà phân tích hàng hóa John Stansfield của công ty Group Sopex cho biết, nhưng “trên thực tế những sản phẩm này ngày càng sử dụng chất ngọt là syrô thay vì từ đường”.

Brazil, nước tiêu thụ đường lớn thứ 3 thế giới cũng giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu đường trong 3 năm vừa qua do cuộc suy thoái kinh tế kéo dài làm giảm thu nhập của nhiều người dân nước này. Tiêu thụ đường tại đây chỉ tăng khoảng 2-3% so với thập kỷ trước.

Các hãng giải khát giảm đường trong sản phẩm

Trong trào lưu chống lại sử dụng đường, các hãng giải khát và thực phẩm đang nỗ lực cải cách sản phẩm của mình.

Coca-Cola đã cam kết giảm đường trong các sản phẩm đồ uống của mình, với hơn 200 sáng kiến cải cách đang được tiến hành. Từ năm 2000, công ty này đã tăng tỷ lệ các sản phẩm nước giải khát không gas từ 10 lên 30%. Với các sản phẩm đồ uống truyền thống, công ty này cũng giảm lượng đường và calories. Thay vào đó, công ty đầu tư thêm các loại nước uống trái cây, cà phê và nước đóng chai.

Pepsi cũng cho biết đến năm 2025 sẽ có ít nhất 2/3 các sản phẩm nước giải khát của công ty bán trên toàn cầu có chỉ có 100 calo hoặc ít hơn trên mỗi 12-oz làm từ đường. PepsiCo đã thay đổi hoàn toàn một số đồ uống của mình trong thời gian gần đây, ngừng sản phẩm Pepsi Max và thay thế nó với Pepsi không đường. Pepsi đang tung ra các sản phẩm như nước uống Gatorade, nước Aquafina hương vị mới, và máy bán hàng các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tương tự như vậy, CocaCola sẽ ra mắt Minute Maid và nước uống Smartwater.

Hãng Nestle năm 2016 cũng tuyên bố đang phát triển công nghệ để giảm tới 40% lượng đường trong một số sản phẩm bánh kẹo mà không ảnh hưởng tới hương vị.

“Trên toàn cầu, mặt hàng đường đang giảm dần sức hấp dẫn. Sẽ có ngày càng nhiều các quy định chặt chẽ hơn, và nếu thông minh thì các công ty giải khát và thực phẩm phải đi trước một bước trong việc giảm sử dụng đường nguyên liệu”, nhà phân tích dinh dưỡng Sara Petersson của Euromonitor nhận định.

Vân Chi

Thời Đại

Trở lên trên