Tường thuật từ nơi vỡ đập thủy điện Lào: Chỉ còn cách dùng trực thăng, ca-nô để cứu người
Nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đang ghi nhận tại khu vực đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, tỉnh Attapeu, Lào sau sự cố vỡ đập khiến hàng trăm người mất tích.
Nước đã rút dần nhưng giao thông vẫn bị chia cắt
Các phương tiện chở hàng cứu trợ mắc kẹt không thể đi tiếp, đành huy động các xuồng chở lương thực
Trưa 25-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại khu vực bị ảnh hưởng bởi việc vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, tỉnh Attapeu, miền Đông Nam Lào để ghi nhận tình trạng ngập lụt khiến hàng trăm người mất tích.
Hiện nước đang rút dần nhưng trời vẫn rất âm u, có khả năng xảy ra mưa lớn vào tối nay.
Việc tiếp cận khu vực bị nước lũ chia cắt đang gặp nhiều khó khăn. Chính quyền Lào chỉ có thể sử dụng trực thăng hoặc ca-nô để đưa người còn mắc kẹt ra khu vực an toàn.
Khu vực xảy ra vỡ đập, bầu trời âm u, khả năng mưa lớn.
Chính quyền tỉnh Attapeu vừa thông báo ngắn gọn: "Trong sáng nay phải đưa hết những người còn mắc kẹt về nơi an toàn. Song song đó là công tác cứu hộ được đẩy nhanh".
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith có mặt tại khu vực vỡ đập chỉ đạo lực lượng cứu hộ.
Theo thông tin mới nhất, khu vực bị ngập có nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc nhưng chưa có thống kê chính xác.
Khu vực bị ảnh hưởng thuộc 6 bản gồm: bản Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin và Samong. Hơn 6.600 người của khoảng 1.300 hộ gia đình đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Một nhóm người Việt đang làm ăn sinh sống tại Attapeu do anh Trần Đình Thông dẫn đầu kêu gọi góp tiền mua gạo, mì, nước uống... Trong chiều nay, họ sẽ đi 3 xe tải vào vùng bị nạn để kịp thời hỗ trợ thực phẩm cho các nạn nhân của vụ vỡ đập thuỷ điện lịch sử.
Đường vào bản Tampaloi bị chia cắt
Tác động đến Việt Nam sau 5-6 ngày nữa
Trả lời Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy đang trong quá trình thi công, đã bắt đầu tích nước.
Dung tích thiết kế là 1,034 tỉ m3. Lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định được nên chưa thể có thông số chính xác. Khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay.
Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian nước từ thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày.
* Báo Người Lao Động tiếp tục cập nhật.
Người Lao động