“Tướng” Viglacera: Nhu cầu bùng nổ, lãi 20%...quá xứng đáng để đầu tư
Đầu tư kinh doanh kính tiết kiệm năng lượng (kính Low-E) là “hiện tượng” của Tổng Công ty Viglacera trong năm 2015.
- 26-04-2016ĐHCĐ Viglacera: Sẽ rót khoảng 10.000 tỷ đồng vào dự án BĐS mới, dự kiến tăng vốn lên 3.500 tỷ
- 11-04-2016Lãi tăng gấp 10 lần sau cổ phần hoá, Viglacera sẽ còn tiến xa nhờ sản phẩm đột phá này
Không chỉ có gạch, gói, thiết bị vệ sinh, xây dựng nhà ở để bán,…những sản phẩm vốn quen thuộc, tiên phong của Tổng Công ty Viglacera trong nhiều năm qua, nhưng kính mới là sản phẩm “hốt bạc” của doanh nghiệp này.
Lần đầu tiên “tướng” Viglacera chia sẻ về những cơ hội đầu tư kinh doanh, cũng như hiệu quả đầu tư vào sản phẩm kính với các cổ đông công ty. Tại ĐHCĐ thường niên 2016 của Viglacera vừa diễn ra, trước việc băn khoăn về những kế hoạch đầu tư kinh doanh của Công ty, ông Nguyễn Anh Tuấn tiết lộ, riêng mảng kinh doanh kính tiết kiệm năng lượng tại nhà máy kính ở Bình Dương trong năm 2015 đã đem lại 150 tỷ đồng trên khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu.
“Đó chỉ là con số trong sổ sách, còn số thực tế lãi của nhà máy trong năm qua là khoảng 200 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận tới 20%, quá xứng đáng để đầu tư tiếp. Nhà cao tầng phủ kính đang tăng mạnh hàng năm. Xu hướng các chủ dự án bất động sản sử dụng kinh hộp, tối thiểu cũng là kính dán 2 lớp và tương lai sẽ là kính siêu trắng, kính năng lượng mặt trời…nhu cầu này sẽ bùng nổ.” Ông Tuấn chia sẻ.
Được biết, nhà máy kính của Viglacera được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu năm 2015. Dự án có quy mô 5.000.000m2/năm, được xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, xây dựng tại Bình Dương có công suất 2,3 triệu m2/năm, giai đoạn 2 xây dựng công suất khoảng 2,7 triệu m2/năm tại Bắc Ninh.
Trong năm 2016, Viglacera đưa ra kế hoạch đầu tư tiếp vào mảng kính này, theo đó một nhà máy kính tiết kiệm năng lượng 2,3 triệu m2/năm có tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng được xây dựng ở Bình Dương, dự kiến hoạt động vào quý 3 năm 2016.
Ngoài ra, Viglacera sẽ hợp tác thành lập công ty cổ phần với đối tác có đất là Tổng Công ty Idico và một đối tác nước ngoài để đầu tư nhà máy kính nổi siêu trắng tại KCN Phú Mỹ (cảng Cái Mép) ở Vũng Tàu, có công suất 600 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 1.200-1.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công ngay trong năm 2016.
Cũng theo chia sẻ của ông Tuấn, Viglacera hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị cao, trong đó, kính Low-E là một sản phẩm như vậy. Theo tính toán thì Kính Low-E có giá khoảng 13.000 đồng/1kg sản phẩm, trong khi gạch Ceramic khoảng 6.000 đồng, gói Hạ Long khoảng 5.000 đồng, gạch granite khoảng 9.000 đồng và sứ vệ sinh khoảng 20.000 đồng…
“Do vậy, theo ông Tuấn chủ trương của Viglacera là đầu tư vào lĩnh vực có giá trị cao, sản phẩm có giá trị cao bởi việc tiêu hao năng lượng đầu vào của các sản phẩm là tương đương nhau. Đặc biệt, lĩnh vực kính tiết kiệm năng lượng, kính năng lượng mặt trời cả thế giới đang sôi sục loại kính này. Viglacera làm kính siêu trắng là để phục vụ đối tượng đầu tiên là xuất khẩu ra nước ngoài.
Chia sẻ thêm về thị trường này, ông Tuấn cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang hướng tới việc đầu tư nhà máy ở Việt Nam, mà cụ thể theo khảo sát của Viglacera là tại Bắc Giang với công suất đang làm đáp ứng nhu cầu khoảng 13 triệu m2/năm, nếu tính cả nhu cầu đang có ý định đầu tư tiếp khoảng 10 triệu m2/năm, tương đương công suất khoảng 400 tấn/ngày. Vì thế, đây là một xu thế mới trong kinh doanh kính những năm tới.
Nhiều cổ đông quan ngại về giá dầu tăng trong những năm tới sẽ ảnh hưởng đến hiệu của của việc kinh doanh, ông Tuấn cho rằng theo dự báo của ngành dầu khí thì ít nhất trong 5 năm tới, giá dầu khó có thể tăng đột biến, không thể tăng lên cao như trước đây, dự báo cũng chỉ tăng lên khoảng 50-600 USD/thùng. Do vậy, việc giá dầu tăng không tác động nhiều tới các nhà máy của Viglacera.
Trí Thức Trẻ