Tuyên bố của Donald Trump ảnh hưởng ra sao đến vốn FDI vào Việt Nam?
Vốn FDI của Việt Nam liên tiếp giảm nhẹ trong 3 tháng gần đây, về mức thấp trong tháng 11/2016, dẫn đến dự báo thu hút FDI Việt Nam năm nay khó đạt được mục tiêu 23 tỷ USD.
- 27-11-2016“Hút” hơn 18 tỉ USD vốn FDI trong 11 tháng: Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu
- 26-11-2016[Infographics] 11 tháng cả nước thu hút hơn 18 tỷ USD vốn FDI
- 24-11-2016Thu hút FDI 11 tháng giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2015
- 17-11-2016FDI 2016 liệu có về đích đúng hẹn?
Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong 11 tháng năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,1 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tính đến 20/11 cả nước có 2.240 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,028 tỷ USD, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,075 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, vốn FDI đã giảm ở cả vốn cấp mới và tăng thêm.
Trong đó, tháng 11, tình hình thu hút vốn FDI thấp nhất từ đầu năm đến nay với số vốn được cấp mới và tăng thêm chỉ là 490 triệu USD. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp vốn FDI bị giảm.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, nếu bình thường, không ai lại đi “soi” FDI theo từng tháng. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh thị trường hiện tại với nhiều biến động, đây có thể là một cảnh báo.
“Vốn FDI giảm không chỉ là những tháng này mà còn có thể kéo dài tiếp”, ông nói.
Với những tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử Mỹ - ông Donald Trump, về số phận của TPP cũng như thái độ không mấy thiện cảm của ông với tự do hoá thương mại, lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài là khó tránh khỏi. Do đó, ông Võ Trí Thành cho rằng các nhà đầu tư sẽ đắn đo hơn, chọn lựa kỹ càng hơn khi ra quyết định.
Theo phân tích của ông, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam nhiều là bởi các nhà đầu tư nước ngoài muốn đón đầu, tận dụng những lợi thế mà Hiệp định TPP sẽ mang lại đối với những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Vì vậy, nếu TPP hiện tại được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi lớn, đặc biệt là dòng vốn sẽ dịch chuyển vào thị trường bất động sản và nguồn FDI vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh. Ngược lại, nếu TPP không được thực thi, FDI sẽ bị sụt giảm đáng kể.
Một yếu tố khác hấp dẫn các nhà đầu tư chính là hi vọng với sự thúc đẩy của TPP, kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa hơn nhờ môi trường đầu tư được cải thiện. Bởi lẽ, TPP đòi hỏi rất cao nên nó sẽ tạo thêm động lực, áp lực để thúc đẩy cải cách kinh tế nhiều hơn, tuân thủ theo những cam kết đã có, đẩy hệ thống thể chế của Việt Nam ngày càng cao hơn.
“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì họ phải tính lại!”, ông Thành nhận định.
Dù vậy, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng đây chỉ là nhận định trong ngắn hạn, còn về lâu về dài, vốn FDI vẫn phụ thuộc vào 2 nhân tố, bao gồm môi trường kinh tế thế giới và công cuộc cải cách ở Việt Nam.