MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyên bố đầu tư như Warren Buffet, công ty Hestia đang lỗ vài chục tỷ khi “tất tay” mua VPB với giá 5x

23-05-2018 - 00:15 AM | Doanh nghiệp

Báo cáo hiệu quả đầu tư của Hestia cho biết, giá trị đơn vị đầu tư của quỹ tại ngày 21/5 chỉ còn 32.627 đồng, giảm 40% so với đỉnh được thiết lập vào đầu tháng 4 và giảm tới 15,26% so với đầu năm 2018. Như vậy, Hestia không chỉ bay hơi sạch thành quả mà thậm chí hoạt động đầu tư còn đang thua lỗ nặng nề.

Thành lập từ đầu năm 2014, Hestia là công ty đầu tư chứng khoán do ông Lã Giang Trung làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và hiện đang giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán HSA. Ông Lã Giang Trung cũng là Tổng giám đốc Passion Investment (PIF), quỹ "anh em" với Hestia và đang được coi là ngôi sao trong giới tài chính với tỷ suất sinh lợi vượt trội trong 2 năm qua.

Cũng với chiến lược đầu tư tập trung tương tự PIF, Hestia đã thu được thành tích đáng nể với tỷ suất lợi nhuận 232% trong năm 2016 và 79% trong năm 2017. Trong quý 1/2018, cùng với PIF, Hestia chốt lời trúng đỉnh toàn bộ khoản đầu tư vào Thế giới di động (MWG) và dồn lực vào VPBank (VPB). Quyết định này là không sai khi MWG đã tạo đỉnh và đi xuống, trong khi VPB trở thành một trong những cái tên nóng nhất thị trường trong quý 1.

Báo cáo tài chính cho biết vào cuối quý 1/2018, Hestia nắm giữ 5,29 triệu cổ phiếu VPB với giá trị ghi sổ là 266,14 tỷ đồng, tương đương giá bình quân mua vào là 50.311 đồng/cp. Giá trị đầu tư vào VPB chiếm tới hơn 97% tổng danh mục đầu tư của Hestia. Còn với quỹ "anh em" PIF thì khoản đầu tư vào VPB cũng lên tới 3,25 triệu cổ phiếu, chiếm gần 95% danh mục. Như vậy, tổng 2 quỹ PIF và Hestia nắm giữ hơn 8,5 triệu cổ phiếu VPB vào cuối quý 1.

Tuyên bố đầu tư như Warren Buffet, công ty Hestia đang lỗ lớn khi tất tay đặt cược vào VPB - Ảnh 1.

Hestia nắm giữ 5,3 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 97% danh mục vào cuối quý 1

Việc đảo danh mục kịp thời tiếp tục giúp Hestia đạt tỷ suất sinh lời ấn tượng 32% trong quý 1, lợi nhuận sau thuế đạt được là 25 tỷ đồng, gấp 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Với kết quả đáng nể, thu nhập của ban lãnh đạo Hestia cũng được tăng lên chóng mặt với 420 triệu đồng trong quý, gấp gần 4 lần so với đầu năm. Trong đó, thu nhập của Tổng giám đốc Lã Giang Trung đạt được là 240 triệu đồng, tương đương 80 triệu đồng/tháng, gấp 5,3 lần so với đầu năm.

Tại thời điểm cuối quý 1, tổng nguồn vốn Hestia đạt 283,6 tỷ đồng, trong đó công ty vay nợ 119 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức hơn 9 tỷ đồng đầu năm. Xét riêng trong các khoản vay nợ này thì có hơn 42 tỷ đồng là vay margin tại SSI, còn lại 76,63 tỷ đồng là các khoản vay cá nhân với thời hạn 12 tháng không có tài sản đảm bảo.

Về bản chất, các khoản vay cá nhân này là hình thức hợp tác đầu tư giữa người góp vốn và Hestia. Theo hợp đồng, bên vay (Hestia) có quyền quyết định phát hành cổ phiếu để chuyển đổi khoản vay thành cổ phiếu HSA, trong trường hợp bên cho vay không chuyển đổi gốc vay thành cổ phiếu thì lãi suất cho vay 8%/năm.

Bay sạch thành quả vì tự tin tất tay marign vào VPB

Việc tất tay vào VPB đã mang lại kết quả tích cực cho Hestia trong quý 1. Tuy vậy, kể từ quý 2, TTCK Việt Nam đã lao dốc mạnh và các cổ phiếu ngân hàng, trong đó có VPB là "đầu tàu" kéo thị trường giảm sâu. Bên cạnh đó, những lo ngại về nợ xấu gia tăng, cũng như những lùm xùm xung quanh FE Credit, vốn là nồi cơm của VPB đã khiến cổ phiếu này lao dốc không phanh.

Kết thúc phiên giao dịch 21/5, thị giá VPB chỉ còn 47.000 đồng/cp, giảm 32% so với đỉnh cao gần 70.000 đồng/cp được tạo ra vào đầu tháng 4. Mức giá này của VPB thậm chí còn thấp hơn giá vốn mua vào khiến thành quả của quỹ từ đầu năm "bay hơi" chỉ trong thời gian ngắn.

Tuyên bố đầu tư như Warren Buffet, công ty Hestia đang lỗ lớn khi tất tay đặt cược vào VPB - Ảnh 2.

Cổ phiếu VPB lao dốc sau khi tạo đỉnh vào đầu tháng 4

Báo cáo hiệu quả đầu tư của Hestia cho biết, giá trị đơn vị đầu tư của quỹ tại ngày 21/5 chỉ còn 32.627 đồng, giảm 40% so với đỉnh được thiết lập vào đầu tháng 4 và giảm tới 15,26% so với đầu năm 2018. Như vậy, Hestia không chỉ bay hơi sạch thành quả mà thậm chí hoạt động đầu tư còn đang thua lỗ nặng nề.

Tuyên bố đầu tư như Warren Buffet, công ty Hestia đang lỗ lớn khi tất tay đặt cược vào VPB - Ảnh 3.

Tương tự PIF, Hestia cũng thua lỗ nặng nề vì "all in" vào VPB

Giá trị đầu tư chứng khoán của Hestia tại ngày 18/5 hiện lên tới 427 tỷ đồng. Trong đó, quỹ sử dụng margin khá nhiều với 196 tỷ đồng, tương đương 46% giá trị danh mục, tăng khoảng 150 tỷ so với cuối quý 1 và điều này sẽ khiến Hestia đối mặt với áp lực margin call trong trường hợp cổ phiếu VPB tiếp tục giảm sâu. Đây sẽ là rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ khi giá trị đảm bảo cho các khoản vay đều bằng không.

Tuyên bố đầu tư như Warren Buffet, công ty Hestia đang lỗ lớn khi tất tay đặt cược vào VPB - Ảnh 4.

Hestia đang sử dụng margin khá "căng"

Theo quảng cáo, Hesita đầu tư chứng khoán theo phương pháp của huyền thoại Warren Buffet với ưu tiên thứ nhất là bảo toàn vốn, ưu tiên thứ hai là duy trì tỷ suất lợi nhuận ổn định. Nhưng rõ ràng, việc "tất tay" vào một cổ phiếu và không có những chiến lược phòng ngừa rủi ro nào trước diễn biến thị trường thì tính thực tiễn của những lời quảng cáo đưa ra đang bị đặt dấu hỏi lớn.  

Tuyên bố đầu tư như Warren Buffet, công ty Hestia đang lỗ lớn khi tất tay đặt cược vào VPB - Ảnh 5.

Quảng cáo đầu tư hấp dẫn mà Hestia đưa ra

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên