MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tuyên chiến” với nạn tiêm thuốc an thần vào lợn: Tạm cấm nhập khẩu thuốc an thần thú y 2 năm

05-12-2017 - 15:06 PM | Thị trường

Đó là kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) trước vấn nạn thương lái và một số chủ cơ sở giết mổ tiêm thuốc an thần vào lợn trong quá trình vận chuyển và giết thịt để bán ra thị trường. Tuy nhiên, việc “hình sự hóa” các tội ác này lại chưa thể thực hiện bởi chưa có chế tài xử phạt.

Vẫn âm thầm tiếp diễn tình trạng tiêm thuốc an thần vào lợn

Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT) - cho hay, từ những phản ánh của quần chúng nhân dân sau hơn 1 tháng trinh sát bám trụ địa bàn, tiếp cận điều tra, tối 28, rạng sáng 29.9.2017 lực lượng thanh tra liên ngành đã ập vào kiểm tra đột xuất và phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM), tại hiện trường, nhiều vỏ hộp thuốc có chứa thuốc an thần, các bịch truyền và kim tiêm “siêu tốc” có thể tiêm cho hàng loạt lợn trong thời gian ngắn...

Tại thời điểm bị cảnh sát bắt quả tang, nhân viên đã tiêm thuốc vào 4.626 con lợn. Xuyên Á là một cơ sở giết mổ lớn với số lượng tương đương 50% số lượng lợn cung cấp cho thị trường TPHCM mỗi ngày. Việc hàng nghìn con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ bán ra thị trường nhưng các cán bộ thú y tại đó không hề hay biết là điều vô lý!

Ngày 30.11, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Tiến Dũng cho biết thêm: Ngay sau vụ phát hiện 4.626 con lợn đã bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ để cung cấp ra thị trường, thì lực lượng chức năng lại phát hiện thêm 70 con lợn khác cũng bị tiêm thuốc an thần được vận chuyển từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Củ Chi (TPHCM). Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, cho thấy tình trạng này vẫn âm thầm diễn ra.

Tạm cấm nhập khẩu thuốc an thần thú y

Ngay sau khi phát hiện ra các vụ vi phạm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã ra văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ, tiêu thụ.

Đồng thời chỉ định 2 phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 2 và của Chi cục Thú y TPHCM, trong đó, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 2 chịu trách nhiệm xác định hàm lượng thuốc an thần trong thịt lợn. Bộ NNPTNT cũng đang đề xuất Vụ KHCN phối hợp với các viện nghiên cứu tìm “ngưỡng phát hiện” và “ngưỡng an toàn” thì ngưỡng nào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Các chi cục thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc tiêm thuốc an thần vào lợn. Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã yêu cầu 7 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thuốc an thần thú y và 3 cơ sở sản xuất thuốc an thần thú y phải tuân thủ quy định mới: Các cơ sở sản xuất thuốc thú y để nhập khẩu thì tiếp tục thực hiện sản xuất theo các hợp đồng đã ký, nhưng phải chịu kiểm soát chặt chẽ trong việc cung ứng và sử dụng của cơ quan chức năng.

Còn các DN nhập khẩu thuốc an thần thú y để sử dụng theo nhu cầu trong nước, Cục Thú y yêu cầu tạm thời rút giấy phép trong vòng 2 năm để lập lại trật tự và kiểm soát việc sử dụng thuốc an thần thú y trong lĩnh vực thú y.

“Về góc độ ATTP, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Y tế sớm quy định về “ngưỡng” tồn thuốc an thần trong thịt (thực phẩm - PV), nhưng đối với hoạt chất Acepromazine lại chưa có quy định về ngưỡng cho phép. Hiện nay cần có đề tài nghiên cứu. Bộ NNPTNT rất mong cùng phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định về vấn đề này” - ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chất an thần tồn dư trong thịt lợn không gây chết người ngay nhưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhất định. Đã có tồn dư và sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là người bị bệnh mạn tính, tiêu hóa, người già, trẻ em..., gây trầm cảm. Chính vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng sử dụng thuốc an thần trong giết mổ thời gian tới, Sở NNPTNT TPHCM đã kiến nghị Bộ NNPTNT quy định hàm lượng tồn dư tối thiểu hoặc không được có trong thịt và phương pháp phát hiện chất an thần.

Bộ NNPTNT cũng đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định 90 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, bổ sung hình thức buộc xử lý tiêu hủy đối với hành vi sử dụng thuốc an thần tiêm cho lợn. Trong thời gian chờ bổ sung điều chỉnh quy định, đề nghị cho phép cơ quan chức năng được xử lý tiêu hủy đối với các trường hợp xét nghiệm phát hiện tồn dư Acepromazine trong nước tiểu và thịt.

Theo Khánh Vũ

Lao động

Trở lên trên